Châu Âu vượt ngưỡng 50 triệu ca nhiễm COVID-19

20/07/2021 - 15:23

PNO - Theo Reuters, châu Âu hôm 19/7 đã trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới ghi nhận hơn 50 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn của virus SARS-CoV-2 đẩy nhanh sự gia tăng kỷ lục về số ca nhiễm mới hàng ngày.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại phòng cấp cứu một bệnh viện ở Darmstadt, Đức - Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại phòng cấp cứu một bệnh viện ở Darmstadt, Đức - Ảnh: Reuters

Châu Âu đang chứng kiến ​​một triệu ca nhiễm mới cứ sau 8 ngày và đã ghi nhận gần 1,3 triệu ca tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn "phiên bản gốc" virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở khoảng 100 quốc gia và hiện "thống trị" trên toàn thế giới.

Các thị trường chứng khoán châu Âu hôm 19/7 bị xáo trộn khi cổ phiếu mất giá hơn 2% - phiên giao dịch tồi tệ nhất trong vòng 9 tháng - do các nhà đầu tư lo ngại biến thể Delta nguy hiểm có thể kéo chậm lại sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Russ Mold, giám đốc kinh doanh công ty tư vấn đầu tư trực tuyến AJ Bell, cho biết: “Các nhà đầu tư đang cực kỳ lo lắng trước thông tin một đợt phong tỏa mới có thể diễn ra trong vòng một hoặc hai tháng nữa”.

"Dịch COVID-19 đang lan nhanh trở lại và các hãng hàng không, nhà hàng và công ty giải trí có thể mất đi thời cơ làm ăn mạnh mẽ trong mùa hè mà họ đã mong đợi từ lâu”, ông Russ Mold lý giải.

Châu Âu vẫn là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch trên toàn thế giới và châu lục này hiện chiếm 27% số ca nhiễm COVID-19 và 31% các trường hợp tử vong trên toàn cầu.

Châu Âu mất 194 ngày để tăng từ 25 triệu lên 50 triệu ca nhiễm COVID-19, trong khi 25 triệu trường hợp đầu tiên được báo cáo trong vòng 350 ngày (gần một năm), theo Reuters.

Nga, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đang trên đà vượt qua 6 triệu ca nhiễm.

Vương quốc Anh đã kết thúc hơn một năm áp dụng các biện pháp phong tỏa phòng chống COVID-19 hôm 19/7, nhưng hào quang mong đợi của "Ngày tự do" đã bị con số ca nhiễm gia tăng và những dự báo nghiệt ngã làm lu mờ. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 19/7 cho biết các hộp đêm và các địa điểm giải trí đông khách khác từ cuối tháng 9 sẽ yêu cầu khách hàng xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng đầy đủ.

Pháp đã thực hiện một số biện pháp cứng rắn nhất ở châu Âu, khi yêu cầu người dân phải xuất trình giấy thông hành sức khỏe chứng minh việc tiêm chủng tại một loạt địa điểm giải trí từ đầu tháng 8, và bắt buộc nhân viên y tế phải tiêm chủng.

Tuần trước, Hà Lan thông báo nước này áp dụng lại quy định làm việc tại nhà (WFH), do tình trạng lây nhiễm COVID-19 tăng vọt chỉ vài tuần sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng chống đại dịch, cũng như một số hạn chế đối với các quán bar, nhà hàng và hộp đêm.

Hy Lạp sẽ yêu cầu khách hàng tại các nhà hàng, quán bar và quán cà phê trong nhà chứng minh họ đã được tiêm vắc xin để chống lại sự lây nhiễm của virus.

Các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 đang được thực hiện trở lại ở nhiều nước châu Âu sau những đợt tăng đột biến số ca nhiễm gần đây.

Theo Reuters, tốc độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 hàng ngày đã tăng ở khoảng một chục quốc gia trước mối đe dọa của biến thể Delta và khi các chính phủ châu Âu mở rộng các kênh tiêm chủng quốc gia.

Việt Hưng (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI