Châu Âu đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng di cư?

12/01/2017 - 07:11

PNO - Cuộc khủng hoảng di cư vào châu Âu mà đỉnh cao là năm 2015 đã đột ngột hạ nhiệt trong năm 2016, với số người đến Đức xin tị nạn giảm đến 70%!

Bộ trưởng Nội vụ Đức hôm 11/1 cho biết năm 2016 có 280 ngàn người tị nạn đến nước này, giảm hơn 600 ngàn người so với năm trước. Ông lý giải nguyên nhân giảm đột ngột dòng người di cư vốn đang gây nên cuộc khủng hoảng ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức, là do trong năm 2016 đã đóng cửa tuyến đường Balkan và ký thỏa thuận di cư giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ.

Chau Au da thoat khoi cuoc khung hoang di cu?
Mặc dù số lượng người tị nạn đến châu Âu đã giảm trong năm 2016, số lượng các đơn xin thực tế vẫn cao - Ảnh: Getty Images

Trước đó, con số kỷ lục 890.000 người di cư và người tị nạn đã đến Đức qua đường Hy Lạp và khu vực Balkan, họ đến đất nước giàu mạnh nhất châu Âu sau khi Thủ tướng Angela Merkel ban hành một chính sách tị nạn mở cửa tạm thời. Quyết định của Thủ tướng Đức đình chỉ quy định đăng ký cho người xin tị nạn ở quốc gia EU đầu tiên họ đến là nhằm làm tăng số lượng người Syria chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở đất nước của mình, nhưng nó cũng làm tăng con số các dân tộc khác ở Trung Đông và Bắc Phi tham gia cuộc hành trình đến Đức.

Cuộc khủng hoảng di cư đã trở thành một vấn đề chính trị nặng nề ở Đức trước cuộc bầu cử liên bang mùa Thu 2016. Năm ngoái, khi cử tri “trừng phạt” đảng CDU của Thủ tướng Merkel tại các điểm bỏ phiếu, bà thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng di cư “có thể đã được xử lý tốt hơn”.

Chau Au da thoat khoi cuoc khung hoang di cu?
Mặc dù đã có thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 7.000 người di cư từ châu Á và Trung Đông vẫn đang mắc kẹt ở Serbia giữa mùa Đông giá lạnh - Ảnh: Reuters

"Điều này cho thấy những biện pháp mà chính phủ liên bang và EU áp dụng đã được duy trì”, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nói về sự suy giảm số người xin tị nạn vào Đức và khẳng định: "Chúng ta đã thành công trong việc quản lý và kiểm soát quá trình di cư”. Ông đề cập đến thỏa thuận của EU với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn dòng người di cư và người tị nạn vào Hy Lạp, cũng như quyết định của các nước Balkan đóng tuyến đường đi vào Tây Âu.

Tổng số đơn xin tị nạn năm 2016 ở Đức trên thực tế cao hơn so với năm 2015, nhưng phần lớn các yêu cầu liên quan đến những người đã đến nước này trong năm trước. Trong tổng số người tị nạn ở Đức năm 2016 có 268.866 người Syria (tăng 36%), ngoài ra, 55 ngàn người di cư tự trở về nước, 25 ngàn người bị trục xuất. Đức đã từ chối yêu cầu tị nạn từ Albania, khi xác định đây là một "đất nước an toàn", đồng thời trục xuất những người đến từ Afghanistan.

THIỆN ĐẠO (Theo AFP, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI