Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh: Đừng buông nữa!

27/08/2018 - 06:48

PNO - Tâm lý học đường hiện nay ngày càng phức tạp. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không được quan tâm đúng mức sẽ để lại những hậu quả xấu về sức khỏe, tinh thần và nhân cách của học sinh.

Năm học mới đã bắt đầu, con lên thêm một lớp, cha mẹ thêm lo. Ngoài nỗi lo chuyện học hành, chi phí học tập, còn thêm nỗi lo về tâm sinh lý của con. Thêm vào đó, bạo lực học đường, vấn nạn tự tử trong học sinh gia tăng… đang khiến phụ huynh bất an.

Ngay cả học sinh vẫn có nhiều vấn đề tâm lý cần được giải tỏa như áp lực học tập, bị bạn bắt nạt rồi quay clip tung lên mạng, yêu đương của tuổi mới lớn… Tâm lý học đường hiện nay ngày càng phức tạp. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không được quan tâm đúng mức sẽ để lại những hậu quả xấu về sức khỏe, tinh thần và nhân cách của học sinh. 

Cham soc suc khoe tam than cho hoc sinh: Dung buong nua!
 

Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 18/12/2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/2/2018, xem ra chưa phải là giải pháp toàn diện, khi mà thực tế cho thấy, để một học sinh có thể phát triển tốt, thì cha mẹ và thầy cô phải là người thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm thần của chính con em mình trước tiên. 

Dạy con thời nay theo lối nào mới ổn?

Tại buổi tọa đàm được tổ chức mới đây, tiến sĩ (TS) Lê Nguyên Phương, người sáng lập Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường quốc tế (CASP-I), chuyên gia tâm lý học đường của Học khu Long Beach và PGS-TS Trần Thị Lệ Thu, thành viên Hiệp hội Nghiên cứu tâm lý học đường quốc tế (IISP), trên 20 năm giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng và tham vấn, trị liệu tâm lý tại Việt Nam, đã có những trao đổi thú vị. Hy vọng sẽ cung cấp cho các bậc cha mẹ, thầy cô những ý niệm mới trong việc giáo dục con trẻ.

Hiện nay, có khá nhiều tranh cãi xung quanh chuyện dạy trẻ. Đó là dạy theo kiểu truyền thống như cách của những thế hệ trước, hay dạy con theo kiểu mới. Có thể thấy sự du nhập của các triết lý giáo dục phương Tây vào Việt Nam khá đa dạng, thêm vào đó là rất nhiều sách về dạy con theo lối người Do Thái, dạy con theo lối Mỹ, dạy con theo lối Nhật… Cha mẹ nên lựa chọn thế nào trong “một rừng” cách dạy con hiện nay? Về vấn đề này, hai chuyên gia phân tích như sau: 

- PGS-TS Trần Thị Lệ Thu: Hãy dạy con theo cách phù hợp với mỗi đứa trẻ. Vì đặc điểm thể chất và tâm lý của mỗi đứa trẻ hoàn toàn khác biệt, cấu tạo cơ thể cũng như khả năng học hỏi và phát triển sức khỏe tâm lý cũng không giống nhau, ngay cả những đứa trẻ sinh đôi cùng trứng trong cùng một gia đình. Vì vậy, dù dạy con theo kiểu nào đi nữa, chúng ta phải biết lắng nghe, quan sát và thực sự hiểu về đứa trẻ. Đối với nhà trường, nếu thầy cô thật sự muốn có một lớp học hạnh phúc thì phải có sự chuyển hóa để hiểu được từng đứa trẻ trong lớp học, hay nói cách khác là phải thay đổi bản thân. 

Cham soc suc khoe tam than cho hoc sinh: Dung buong nua!
PGS-TS Trần Thị Lệ Thu

Chúng ta nhìn lại xem, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho chúng ta một thách thức rất lớn. Đó là máy móc có thể ra quyết định thay con người. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) là công cụ hữu hiệu giúp nền văn minh nhân loại tiến xa hơn, nhưng cũng đặt ra nỗi lo là AI đọc được suy nghĩ của chúng ta và có thể giả dạng con người. Vậy chúng ta và con cái chúng ta ở đâu trong hiện tại và tương lai? 

- TS Lê Nguyên Phương: Nhưng rõ ràng, chính thế hệ trẻ đã liên tục sáng tạo, cải tiến và đẩy chúng ta đến kỷ nguyên 4.0. Nếu chúng ta không thay đổi, liệu chúng ta có thể hòa mình vào dòng chảy mới mẻ này, để không phụ thuộc vào máy móc mà dùng máy móc để phục vụ cho nhu cầu của chúng ta?

Một đứa trẻ ở thời đại này có khả năng học và tiến bộ rất nhanh. Vì vậy, chúng ta không chỉ dạy từ những kinh nghiệm đã có mà phải thật sự thấu hiểu để đồng hành cùng con trẻ. Muốn như vậy, chúng ta không còn cách nào khác phải thay đổi bản thân mình trước, bằng cách nhìn thấu và chấp nhận con người chúng ta, cả ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn, thấu cảm và yêu thương bản thân. 

- PGS-TS Trần Thị Lệ Thu: Khi tham vấn cho nhiều em bị lo âu, trầm cảm, rối nhiễu tâm lý, khó khăn về học tập, mâu thuẫn với cha mẹ, thầy cô... tôi đề nghị cha mẹ phải hợp tác với tôi trong quá trình điều trị, bắt đầu bằng việc cha mẹ hãy dũng cảm đối mặt với vấn đề của con và của cả chính mình. Có những em chia sẻ với tôi: “Lời nói ba mẹ như dao cứa vào da thịt con. Ba đánh con bằng roi da, con thấy con thật vô dụng, chẳng làm được gì...”.

Khi biết mình là nguyên nhân đưa con vào trầm cảm, phải dùng thuốc để điều trị tâm lý, nhiều cha mẹ đã khóc vì hối hận. Thật ra, cha mẹ trong đời sống của riêng mình cũng mang nhiều căng thẳng, khổ đau không hóa giải được và vì thế mà nhiều khi vô tình gây ra những đau khổ cho con cái. 

Cần cả sự chuyển hóa của thầy cô 

- PGS-TS Trần Thị Lệ Thu: Trong chương trình Thầy cô chúng ta đã thay đổi (một chương trình truyền hình thực tế với mục đích giúp các thầy cô vượt qua những khó khăn mà họ phải đối mặt trong môi trường sư phạm), đôi khi thầy cô là người nhận được những bài học lớn. Đó là bài học về sự tôn trọng dựa trên việc xây dựng mối quan hệ tôn trọng với học sinh thay vì giáo viên giữ một khoảng cách quyền lực với học sinh. Khi đó, giáo viên sẵn sàng nhận ra cái sai của mình để sửa, và không ngại xin lỗi học sinh.

- TS Lê Nguyên Phương: Đầu tiên là sự chuyển hóa về trí tuệ. Đó là khả năng siêu nhận thức, hay còn gọi là ý thức về quá trình tư duy. Ý thức này bao gồm những cách mà học sinh thường tiếp cận nhiệm vụ và những cách thức khác mà các em có thể dùng đến. Những học sinh giỏi luôn ý thức về cách thức mà các em tư duy và có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt về những chiến lược hiệu quả.

Cham soc suc khoe tam than cho hoc sinh: Dung buong nua!
TS Lê Nguyên Phương

(1) Khả năng tư duy bậc cao: gạn lọc, phân tích, nảy sinh ý tưởng, ra quyết định, giải quyết vấn đề và lên kế hoạch.

(2) Khả năng tư duy chiến lược: xác định được các mục tiêu và ưu tiên quan trọng, các cơ hội và rủi ro, từ đó có kế hoạch hành động để đạt hiệu quả và giá trị lâu dài.

(3) Khả năng tư duy hệ thống: quan điểm nhìn nhận thế giới khách quan trong một thể thống nhất không thể tách rời, mà ở đó tất cả các đơn vị, yếu tố cấu thành, các hiện tượng cơ bản sinh ra từ chúng đều có mối liên hệ, tác động qua lại với nhau trong cái tổng thể.

(4) Khả năng quyết định bằng trực giác: đòi hỏi không chỉ kiến thức mà còn cần một nội quan sâu sắc. Nếu không muốn vô thức dẫn đến kết quả là những phán đoán sai lầm thì chúng ta phải học cách “quan sát mọi người nhưng trên hết là chính bản thân mình”.

- PGS-TS Trần Thị Lệ Thu: Ngoài chuyển hóa trí tuệ thì còn cần chuyển hóa về cảm xúc. Đó là khả năng ý thức và điều hòa tình cảm để giữ tâm thức sáng suốt, trầm tĩnh và trong lành; là khả năng vận dụng tình cảm trong việc xây dựng động lực, ý chí và nghị lực; là khả năng thông hiểu và biểu hiện tình cảm tích cực trong giao tiếp xã hội.

“Làm sao để kiểm soát cảm xúc?” là câu hỏi mà chúng ta thường đặt ra. Chúng tôi không dùng từ kiểm soát, kiềm chế, quản lý vì chỉ có chuyển hóa cảm xúc thì mới giúp chúng ta có sự an lạc, bình an trong tâm hồn.

Để chuyển hóa về cảm xúc chúng ta phải am hiểu về cảm xúc của chính mình, đời sống tâm lý của chính mình. Đó cũng là lý do vì sao tâm lý học đường cần hiện diện trong trường học. Các con được học toán, lý, văn… kiến thức rất nhiều, nhưng lại không được học để am hiểu về cảm xúc, đời sống tâm lý của mình, tình cảm, yêu thương, hờn giận, ghét bỏ, bức xúc, cực đoan, khó chịu, cân bằng, hạnh phúc... Trong khi tất cả những điều này các em cần phải hiểu và điều hòa tình cảm để có sự an lạc.

Các em vào tuổi dậy thì thường có tâm lý không ổn định, thậm chí dân mạng còn có câu nói vui: “Tuổi thần tiên thường khiến cha mẹ... phát điên”. Theo khảo sát nghiên cứu của tôi bảy năm trở lại đây, khối lớp Bảy là tuổi hay “dậy sóng” nhất. Khả năng ý thức và điều chỉnh cảm xúc không chỉ con trẻ mà cả người lớn cũng cần phải biết. Bằng cách nhìn thấu cảm xúc của chúng ta, hiểu được nguyên nhân, chia sẻ đúng lúc để tìm đến một cảm xúc nhẹ nhàng hơn, đó gọi là chuyển hóa cảm xúc.

Cham soc suc khoe tam than cho hoc sinh: Dung buong nua!
 

Con đường đầy hy vọng cho trẻ

- PGS-TS Trần Thị Lệ Thu: Chúng ta thường nói rằng, giáo dục phải lấy trẻ em làm trung tâm, nhưng nếu hiểu một cách lệch lạc, đứa trẻ có thể trở thành nạn nhân nhào nặn của cha mẹ, thầy cô. Con cái chúng ta không phải là con ốc trong một cỗ máy để luôn ngoan ngoãn phục tùng các mệnh lệnh từ người lớn. Chúng cũng không phải là tín đồ để sống theo kinh sách. 

“Mỗi người chúng ta cần phải khám phá và thấu hiểu về bản thân, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu, đặc biệt là những tổn thương, trải nghiệm đau buồn trong quá khứ để hóa giải nó trước khi muốn dạy con, dạy học trò”. 

PGS-TS Trần thị Lệ Thu

Chúng phải là những cá nhân với đặc tính độc đáo và việc của những người xung quanh là tạo các điều kiện tốt nhất để phát triển các đặc tính của con trẻ một cách khỏe mạnh và hài hòa trong thân tâm con trước, rồi mới tính đến các tương quan với môi trường xung quanh. Đó mới thật sự là cách tiếp cận tập trung vào đứa trẻ. 

Cha mẹ dù có những mặc cảm về quá khứ bất hạnh, thiếu thốn thì cũng không thể bắt con cái phải thành đạt bằng mọi giá để thỏa mãn những ẩn ức, mặc cảm của chính chúng ta. Thầy cô dù có muốn trẻ tiến bộ nhanh chóng mà áp dụng các hình thức kỷ luật không công bằng, lạm quyền hoặc quá khắc nghiệt, đặc biệt là khi định chế giáo dục và văn hóa thiếu tính nhân văn.

Một giáo viên gọi học sinh là ngu dốt và cấm các em khác không chơi với học sinh đó cũng là một hình thức bạo lực học đường, vì hành vi ấy của giáo viên là sự tước đoạt phẩm giá, sự an lành trong tâm trí, vị trí xã hội của học sinh và trấn áp các mối quan hệ xã hội của trẻ em.

Cả gia đình và nhà trường, thay vì cố nhào nặn con thành những mẫu hình mà chúng ta khao khát, hãy giúp con đạt được những điều mà tận trong thâm tâm mỗi người chúng ta đang hướng đến, đó không phải là quyền lực, danh vọng, tiền bạc mà là tinh thần sáng suốt, trầm tĩnh và sự bình an trong tâm hồn.

- TS Lê Nguyên Phương: Tôi đồng ý với cô Lệ Thu. Nhưng xin lưu ý rằng, muốn có sự chuyển hóa hiệu quả, thì chúng ta cần tri thức và kỹ năng. Nhưng muốn sử dụng được tri thức, kỹ năng đó để giúp những người xung quanh, thì trước hết, chúng ta phải chữa lành chính tổn thương trong chúng ta. Bằng cách “làm hòa với quá khứ, hóa giải những khổ đau, hàn gắn những tổn thương” trong tâm hồn của cha mẹ, thầy cô.

Vì những đau khổ, tổn thương, mặc cảm trong lòng chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến con trẻ. Vì thế, chúng ta cần đối mặt để hóa giải chúng; nếu không, những tật nguyền tâm lý sẽ mãi còn đó, vết thương lúc nhỏ sẽ “mưng mủ” đến cuối đời...

Với tôi, chuyển hóa là một quá trình dũng cảm, vì việc nhìn lại và chuyển hóa những chấn thương đời mình cũng đau đớn và không dễ dàng. Chính tôi cũng đã trải nghiệm và thấm đẫm nỗi đau này khi chạm đến những tổn thương trong quá khứ. Nhưng nỗi đau sẽ lớn hơn nếu ta cứ giấu tổn thương và bắt con trẻ gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy, chuyển hóa chính mình là con đường đầy hy vọng của cha mẹ và thầy cô để tạo một môi trường hạnh phúc, bình yên cho con cái chúng ta. 

25% bạn trẻ Việt Nam đang sống chung với những vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần 
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng, 25% các bạn trẻ Việt Nam đang sống chung với những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và tỷ lệ lo âu cũng như trầm cảm trong nhóm này đang gia tăng. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng trên là bị cô lập, lạm dụng về mặt cảm xúc và căng thẳng trong học tập. 
Riêng đối với sinh viên ngành y ở tám trường đại học y dược trên toàn quốc, thì trong năm sinh viên có từ 2-3 người có những dấu hiệu trầm cảm và khoảng 1/10 sinh viên đã có ý nghĩ tự tử. Đặc biệt, có khoảng 1/20 sinh viên có cả hai dấu hiệu trầm cảm lẫn muốn tự tử, theo giáo sư Michael P. Dunne, trưởng nhóm nghiên cứu về sức khỏe tâm thần trong học sinh, sinh viên đến từ Trường đại học Y Dược Huế.

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI