Cao tốc TPHCM - Mộc Bài có 570 hộ dân bị giải tỏa, xây dựng hoàn thành trong 3 năm

13/09/2022 - 13:18

PNO - Đầu tư cao tốc TPHCM - Mộc Bài theo hình thức PPP, hợp đồng BOT sẽ giảm gánh nặng cho đầu tư công, tranh thủ được nguồn lực xã hội.

Thời gian thu phí hơn 18 năm

UBND TP.HCM có văn bản khẩn số 3062/UBND-DA gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư về thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài.

Theo báo cáo, cao tốc TP HCM - Mộc Bài dài 50km, bắt đầu tại giao lộ Tỉnh lộ 15 - Vành đai 3 (huyện Củ Chi, TPHCM) và kết thúc tại Quốc lộ 22 (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). Trong đó, đoạn qua TPHCM dài gần 24 km, còn lại thuộc địa phận Tây Ninh. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng toàn tuyến 4 làn xe, sau đó sẽ mở rộng lên 6-8 làn khi hoàn thiện theo quy hoạch, tốc độ 120km/g.

Quốc lộ 22 là tuyến đường độc đạo nối TP.HCM với Tây Ninh, thời gian gần đây đã lâm vào ùn tắc. Ảnh: Nhật Linh.
Quốc lộ 22 là tuyến đường độc đạo nối TP.HCM với Tây Ninh, thời gian gần đây đã lâm vào ùn tắc. Ảnh: Nhật Linh.

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 16.729 tỷ đồng, trong đó 7.433 tỷ đồng (44% tổng vốn) bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và 9.296 tỷ đồng xây dựng cao tốc. Có hơn 570 hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án cần giải phóng mặt bằng khoảng 435ha. 

Lãnh đạo TPHCM đánh giá, dự án khi hoàn thành sẽ liên kết, nối tiếp cao tốc Gò Dầu - Xa Mát trong tương lai. Kết nối các khu đô thị Tây Bắc, Trảng Bảng, Gò Dầu - Hòa Thành với khu du lịch Núi Bà Đen và cụm cửa khẩu quốc tế - khu công nghiệp Mộc Bài. Tăng cường giao thông trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả với các nước ASEAN.

Cao tốc này này cũng sẽ giúp phát triển các dự án từ quỹ đất hai bên tuyến và vùng phụ cận, tạo nguồn lực phát triển cho 2 địa phương. Do vậy, đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong thời điểm này là cần thiết và cấp bách.

TPHCM dự kiến các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hoàn thành vào quý 3/2023; chọn nhà đầu tư ký kết hợp đồng vào quý 2/2024; Giải phóng mặt bằng từ quý 4/2023 đến quý 3/2025. Thời gian đầu tư xây dựng từ năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027. Thời gian thu phí dự kiến 18 năm 1 tháng.

Đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT

Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ được thực hiện theo phương thức phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Trong đó, vốn nhà nước của TPHCM và Tây Ninh sẽ chi 7.433 tỷ đồng (44% tổng vốn) để bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư tại 2 địa phương. Số vốn còn lại là 9.296 tỷ đồng thì nhà đầu tư sẽ huy động.

Dự án cũng sẽ tạo được quỹ đất dọc đường cao tốc để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nhật Linh.
Dự án sẽ tạo được quỹ đất dọc đường cao tốc để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nhật Linh

Khi thực hiện, tuyến cao tốc sẽ được chia làm 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc bài theo hình thức PPP, hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 9.296 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 bồi thường, hỗ trợ tái định cư qua khu vực TP.HCM với 5.901 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 1.532 tỷ đồng.

UBND TPHCM nhận định, trường hợp áp dụng hình thức đầu tư công sẽ khó có thể cân đối đủ nguồn lực nhà nước, gây áp lực về gia tăng trần nợ công, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực Nà nước cần tập trung cho các ngành, lĩnh vực và nhiệm vụ quan trọng cấp bách khác.

Đầu tư dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOT là phù hợp nhất trong các phương thức đầu tư vì sẽ giảm được gánh nặng cho ngân sách nhà nước, huy động được tối đa các nguồn vốn ngoài nhà nước để xây dựng phát triển hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Với phương thức đầu tư này, cả Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội sẽ đạt được mục tiêu hài hòa và lợi ích kinh tế. Trong đó, nhà nước không phải cân đối nguồn vốn rất lớn để đầu tư nhưng vẫn đạt được chiến lược, mục tiêu trong thời gian ngắn hoàn chỉnh hạ tầng giao thông. Từ đó, ngân sách có thể được ưu tiên đầu tư các lĩnh vực cần thiết khác.

Lợi ích tiếp theo của phương thức PPP, hợp đồng BOT tại dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là có sự tham gia một phần từ ngân sách nhà nước (7.433 tỷ đồng - 44% tổng vốn dự án) sẽ giảm gánh nặng từ nguồn vốn ngân sách trong điều kiện còn khó khăn và tranh thủ được nguồn lực tài chính từ nhà đầu tư.

Do vậy, TPHCM nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, không thể trông chờ nguồn lực đầu tư công bằng ngân sách Nhà nước mà cần huy động các nguồn lực xã hội tham gia theo phương thức PPP.

Bên cạnh đó, dự án này đầư tư tuyến mới nên có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ, thu phí kín theo chiều dài sử dụng dịch vụ nên đảm bảo tính công bằng cho người tham gia giao thông.

Nhật Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI