Cần Thơ: Bệnh viện cũ quá tải, bệnh viện mới xây mãi chưa xong

12/05/2023 - 06:29

PNO - Bệnh viện cũ thì xuống cấp và quá tải bệnh nhân, trong khi bệnh viện mới (khởi công năm 2017), đến nay đã chậm tiến độ 2,5 năm, nhưng từ nhiều tháng nay đã đóng cửa, ngừng thi công. Người dân đồng bằng sông Cửu Long không biết đến bao giờ Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ mới hoàn thành!

 

Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ (mới) xây ì ạch, chưa biết đến bao giờ mới xong, bởi nhiều tháng nay đã ngưng thi công…
Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ (mới) xây ì ạch, chưa biết đến bao giờ mới xong, bởi nhiều tháng nay đã ngưng thi công…

Bệnh nhân tăng, bệnh viện xuống cấp

Lần đầu chị L.T.T. (ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đến Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ khám và phẫu thuật bướu giáp đa nhân, chị không thể ngờ ở một nơi được xem là trung tâm về điều trị ung bướu của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long mà lại tệ hại như thế.

“Lúc ở nhà tôi hình dung bệnh viện này chắc quy mô dữ lắm, trang thiết bị hiện đại, xứng tầm là bệnh viện chuyên khoa của vùng. Thế nhưng khi đến nơi mới té ngửa: bệnh nhân chen chúc trong khu vực khám bệnh chật hẹp, nắng nóng đổ xuống mái tôn khiến ai nấy mệt lừ, mồ hôi ra như tắm. Trong tình cảnh ấy mà họ phải chờ nhiều giờ mới tới lượt! Những bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật thì được chuyển xuống các phòng nội trú nằm chờ 3-5 ngày” - chị T. kể lại. 

Cùng sự ngỡ ngàng và thất vọng về một bệnh viện chuyên khoa cấp vùng, chị H.K.L. (ngụ tỉnh Đồng Tháp) bộc bạch: “Nhiều phòng nội trú ở đây không có vách ngăn, hàng chục giường bệnh được kê liền nhau, rất bất tiện. Nắng nóng như đổ lửa, nhưng phòng chẳng có máy lạnh, chỉ có vài cái quạt, nên bệnh nhân vã mồ hôi. Có bệnh nhân phải cởi trần vì nóng quá. Nằm ở đây giống như cực hình”. 

Nhiều bệnh nhân khác cũng cho biết, do điều kiện kinh tế không cho phép nên họ phải đến Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ cho gần nhà. Tuy nhiên, không ai nghĩ là nó quá tải và xuống cấp trầm trọng như vậy. 
Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, có đầy đủ các chuyên khoa như ngoại tổng hợp, ngoại nhũ học - tiêu hóa, nội, điều trị tia xạ, gây mê hồi sức, cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc, y học hạt nhân, khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, giải phẫu bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn…

Nơi đây đồng thời còn là trung tâm phòng chống ung thư nhằm giảm áp lực cho tuyến trên TPHCM. Ngoài ra, bệnh viện còn có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho chuyên ngành ung bướu… Quan trọng là vậy, nhưng do xây dựng đã lâu, cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, gây ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh cho nhân dân. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Tiến Mãnh - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ - nhìn nhận, do cơ sở vật chất thiếu và xuống cấp, trong khi mỗi ngày bệnh viện đón hơn 700 bệnh nhân đến khám điều trị ngoại trú, hơn 500 người khám và điều trị nội trú, cùng với khoảng 500-600 cán bộ, nhân viên của bệnh viện và rất đông thân nhân nuôi bệnh… nên tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra trong 5 năm gần đây.

“Dù vậy nhưng mỗi năm số bệnh nhân đến vẫn tăng 10 - 15%. Điều này cho thấy bà con vẫn tín nhiệm về chất lượng khám, chữa bệnh tại đây. Chúng tôi rất mong cơ sở mới sớm hoàn thành để đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân đồng bằng sông Cửu Long” - bác sĩ Lê Tiến Mãnh nói. 

Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ (cũ) xây dựng lâu năm, hiện đã xuống cấp nhưng có rất đông người đến khám bệnh dẫn đến quá tải
Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ (cũ) xây dựng lâu năm, hiện đã xuống cấp nhưng có rất đông người đến khám bệnh dẫn đến quá tải

Xây bệnh viện mới chậm do nhà thầu nước ngoài 

Trước thực trạng xuống cấp và quá tải nói trên, tháng 10/2017, Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ mới với quy mô 500 giường được khởi công. Dự án gồm 4 khối nhà chính với tổng diện tích sàn là 44.575m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng (trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Hungary gần 1.400 tỉ đồng), thời gian thực hiện dự án là 3 năm.

Sở Y tế TP Cần Thơ (chủ đầu tư) cho biết, việc xây dựng mới Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ hiện đại và đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, nhân lực, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám, tầm soát, điều trị ung bướu cho người dân TP Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây còn cung cấp và kết nối dữ liệu về ung thư với quốc gia và quốc tế, phục vụ nghiên cứu, đào tạo và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. 

Kỳ vọng là vậy, nhưng sau gần 6 năm triển khai (đã chậm tiến độ 2,5 năm), Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ mới vẫn đang được xây dựng rất ì ạch và chưa biết đến bao giờ mới xong! Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, đến nay công trình mới thực hiện được hơn 21% tổng giá trị khối lượng hợp đồng (tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công xây dựng công trình). Trong đó, thiết kế bản vẽ thi công hoàn thành 100%; xây dựng đạt 82%, cung cấp và lắp đặt thiết bị xây dựng đạt 16,57%. Riêng việc cung cấp, lắp đặt trang thiết bị y tế chuyên dùng và không chuyên dùng chưa thực hiện do vướng điều chỉnh thiết bị y tế.

Đáng quan ngại là hợp đồng giữa Sở Y tế TP Cần Thơ và liên doanh nhà thầu đã hết hiệu lực vào ngày 10/7/2022; hiệp định vay của dự án được ký kết lần 2 giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Eximbank Hungary cũng đã hết hiệu lực vào 11/7/2022. Từ nhiều tháng nay, công trình đã đóng cửa, ngừng thi công. 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn như: trong quá trình triển khai dự án, thành viên đứng đầu liên danh là Công ty VMD Kórházi Technológiai Zrt đã nhiều lần đề xuất điều chỉnh thiết bị y tế chuyên dùng, vật liệu xây dựng, thiết bị xây dựng và thiết bị y tế không chuyên… dẫn đến không đảm bảo tỉ lệ 50% hàng hóa xuất xứ Hungary theo quy định của hiệp định khung được ký kết giữa chính phủ 2 nước, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Công ty này cũng chưa chủ động bố trí nhân sự có mặt thường xuyên tại Việt Nam để xử lý các phần việc thuộc phạm vi. Ngoài ra, do nhà thầu chưa am hiểu nhiều về quy định pháp luật, văn hóa Việt Nam nên hạn chế trong việc trao đổi, thống nhất công việc, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án…

Do dự án chậm tiến độ nên vào tháng 8/2022, UBND TP Cần Thơ quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2026… Nghĩa là, bà con ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục phải chờ thêm gần 4 năm nữa mới hy vọng có một trung tâm chuyên khoa về ung bướu với đầy đủ các phương tiện hiện đại, nếu không có gì trục trặc. 

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh việc giải ngân vốn, giữa tháng 5/2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã kiểm tra công trình Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ mới. Sau khi nghe các ý kiến của UBND TP Cần Thơ và các bộ ngành liên quan… Phó thủ tướng Lê Minh Khái xác định, công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với TP Cần Thơ mà còn là của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, ông yêu cầu các đơn vị liên quan phải tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tiếp tục triển khai dự án, TP Cần Thơ phải tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng mới nhằm thực hiện phần khối lượng công việc còn lại theo quy định pháp luật. Ông Phạm Phú Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho hay, theo ý kiến của 2 bộ trên, Sở Y tế đã yêu cầu liên danh nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát rà soát thống nhất khối lượng đã thực hiện để làm cơ sở thanh lý hợp đồng, đồng thời xác định giá trị khối lượng công việc còn lại của gói thầu.

Sở Y tế đã kiến nghị UBND TP Cần Thơ gửi văn bản đến Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary, Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam… để trình bày những khó khăn của dự án và đề nghị có ý kiến về hiệp định vay mới. Lập dự toán khối lượng công việc còn lại (giai đoạn 2) trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Nghiên cứu thêm các phương án về bố trí nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2 để sớm hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng. 

 Huỳnh Trọng

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI