Cần biết buông tay

01/03/2013 - 17:14

PNO - PN - Hạnh phúc vợ chồng từ lâu đi hoang không biết đường về, dẫn đến một trong hai người muốn chia tay để giải thoát song người kia lại quyết tâm níu giữ.

Có điều, mục đích của việc cố níu ấy không phải vì tình yêu mà xuất phát từ sự ích kỷ, lòng hận thù hoặc vì không thể phá vỡ một vỏ bọc hoàn hảo. Cố tình trói buộc đối phương trong khi chính bản thân mình không thấy “sung sướng” liệu có nên chăng?

1.Bà nói, mình đã quá mệt mỏi với cuộc hôn nhân mà mục đích duy nhất chỉ là: cho con mái gia đình trọn vẹn. Giờ các con đã trưởng thành, có việc làm ổn định, bà muốn được giải thoát bằng quyết định ly hôn. Vợ chồng bà kết hôn năm 1988. Bảy năm gần đây, cả hai thường mâu thuẫn vì không đồng nhất quan điểm và cách sống, bà làm điều gì ông đều thấy phật lòng. Phiên xử sơ thẩm, tòa tuyên bác đơn ly hôn, do ông khẳng định còn yêu vợ, những mâu thuẫn bà kể ra thì đôi vợ chồng nào cũng đều trải qua nhiều ít. Bản thân bà cũng không trình bày được các căn cứ chính đáng để ly hôn.

Bà kháng cáo, cho rằng ông là người… hai mặt. Mỗi khi có con, có người ngoài, ông tỏ ra yêu chiều bà hết mực, ngọt ngào nhẹ nhàng trong cư xử, nhưng khi chỉ còn lại hai người, ông hằn học, chì chiết, chửi mắng khiến bà rất khổ tâm. “Từ ngày cưới nhau, ông ấy không cho tôi đi làm, với người khác, ông nói là không muốn vợ vất vả, nhưng sau đó luôn miệng mắng tôi là người ăn bám, không có ông ấy tôi sẽ… chết. Mấy bận tôi đi kiếm và có việc làm, ông ấy lại dè bỉu, nói tôi đi làm đ… Tôi chịu đựng mấy chục năm như vậy mà không ai thấu hiểu” - bà nói. Bức quá, bà dọn ra riêng, thuê phòng trọ sống nhưng bà ở đâu, ông cũng tìm tới “làm ầm” lên rồi kéo bà về. Bà khẳng định: “Tôi đã cạn kiệt tình cảm với ông ấy, nên ông ấy có ngoại tình hay không tôi không quan tâm. Thực tế, ông ấy và con đều có công việc rất tốt ở cơ quan nhà nước, do sợ ảnh hưởng nên không muốn tôi phá vỡ cái vỏ bọc hiện tại”.

Can biet buong tay

Minh họa: NOP

Tuy nhiên, một lần nữa cấp phúc thẩm tuyên bác yêu cầu của bà, bởi thực tế, hai người vẫn… ăn chung, ngủ chung, mâu thuẫn hôn nhân chưa đến mức trầm trọng. Lúc phiên xử kết thúc, ông nhìn bà chằm chằm, nhếch mép cười rồi lạnh lùng bỏ đi. Khi bà còn nán lại ngồi lặng trên ghế đá giữa sân tòa, ông đi ngang, cố tình… nẹt pô rồi phẩy phẩy tay chào, miệng cười đắc ý. 

2.Chị và anh đã có một tình bạn đẹp trước khi yêu rồi trở thành vợ chồng. Năm cả hai cùng tốt nghiệp, cha anh bất ngờ ngã bệnh, nằm liệt giường. Thương chồng, chị bọc lại tấm bằng đại học, xắn tay quán xuyến chuyện gia đình, lo chăm sóc cha anh. Nửa năm sau ngày cha chồng mất, chị lên kế hoạch sinh con.

Con gái chào đời, lòng chị ít nhiều mang mặc cảm “phụ” anh, “phụ” cả gia đình chồng bởi mọi người kỳ vọng vào một đứa con trai nối dõi. May thay, anh hết lời động viên, an ủi vợ: “Rồi mình sẽ có con trai!”. Con lên năm, thấy rảnh rang, chị mang tấm bằng ra, tính chuyện tìm việc làm thì mẹ anh đổ bệnh. Anh lại thủ thỉ: “Nhà cửa giờ trông hết vào em”. Chị lại giấu nỗi buồn, tiếp tục thay chồng làm tròn chữ hiếu. Rồi chị sinh tiếp… con gái, anh vẫn vui, vẫn cười, nhưng chị đọc được trong mắt chồng thoáng hiện nỗi buồn. Năm con gái thứ hai vào lớp 1, mẹ anh qua đời. Trong đám tang, chị mấy lần ngất xỉu bởi sự xuất hiện của một phụ nữ trẻ và đứa con trai đang ở tuổi tập đi. Anh vò đầu bứt tóc, xin chị cảm thông, rộng lòng cho mẹ con cô ấy được đội tang bà.

Anh nói, chuyện giờ như gạo đã thành cơm nên nếu muốn, chị có thể ly hôn, anh sẽ ra đi, để lại tất cả tài sản cho ba mẹ con chị. Hôm ấy, chị điên cuồng đập phá, gào khóc, mắng chửi chồng là người tệ bạc. Nhưng, chị kiên quyết không chia tay, không muốn từ bỏ anh một cách dễ dàng sau những gì đã gầy dựng. Cũng từ đó, anh công khai đi về giữa hai mái nhà. Đến một ngày, người tình đòi hỏi một danh phận, bắt anh dứt khoát phải ly hôn vợ. Ngày tòa xử, chị than khóc kể về những mất mát trong bước “lùi” của mình, tất cả vì chồng con. Anh khẳng định đã hết yêu chị, nếu không cho ly hôn, anh sẽ… tệ bạc với chị hơn nữa, bởi anh phải có trách nhiệm với tổ tiên mình là chăm sóc, nuôi dưỡng đứa con trai. Tòa không cho ly hôn. Anh kháng án.

Hôm xử phúc thẩm, ngoài sân tòa, con trai anh loanh quanh nô đùa với mẹ. Anh hỏi chị: “Cô giữ tôi để làm gì?”. Chị ngẩng mặt nhìn anh, mắt ánh lên vẻ thù hằn: “Để thấy… con này không ngu, không dễ dàng buông tha anh sau những gì phải đánh đổi, trả giá vì anh”. Tòa lần nữa bác yêu cầu của anh. Phiên xử kết thúc, gặp lại chị ở bãi giữ xe, anh nghiến răng: “Cô cứ ôm tờ giấy đăng ký kết hôn mà sống với nó, còn tôi, tôi đã xem đó là tờ giấy loại không kém không hơn". Nói xong, anh dắt xe đến chỗ tình nhân, ánh mắt đầy dịu dàng nhìn mẹ con họ.

Ngoài khẳng định muốn và cố giữ cho các con một người cha, chị nói mình không “tha” anh còn vì tuổi xuân và con đường công danh của chị đã mất vì anh. Sau phiên xử ấy, anh không một lần đi ngang con đường có ngôi nhà mà ba mẹ con chị sống.

Suy cho cùng, hôn nhân là sự gắn bó, đến với nhau, để mưu cầu hạnh phúc không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả đối tác. Trong nhiều trường hợp, mục đích ấy không đạt được. Nếu không quá nặng lòng ở những ràng buộc khác, nhất là con cái, tiền bạc, thiết nghĩ người trong cuộc không nên níu kéo; bởi việc cố sống, cố ràng buộc nhau, có khi, càng khổ đau gấp bội. Buông tay để nhận về sự thanh thản, yên ổn phải chăng là điều nên nghĩ đến?

TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI