Cải lương trong kết nối di sản với thế giới

26/11/2019 - 06:00

PNO - Dự án 'Câu chuyện cải lương Thật và đẹp', với các chương trình triển lãm, giao lưu nghệ sĩ, ra mắt sách, trò chuyện với các nhà nghiên cứu lịch sử truyền khẩu… đã cho thấy sức mạnh của nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Khi cải lương ra Đường sách

Trong cơn mưa lất phất tối 23/11, đông đảo khán giả nhiều độ tuổi đã có mặt ở Đường sách TP.HCM, say sưa thưởng thức những bài Đối ngũ hạ, Đảo ngũ cung, bản Phụng hoàng cùng các trích đoạn cải lương kinh điển: Sông dài (Hà Triều - Hoa Phượng), Tiếng hạc trong trăng (Yên Ba - Loan Thảo), Tướng cướp Bạch Hải Đường (Nguyễn Huỳnh), Hạng Võ biệt Ngu Cơ (Viễn Châu), Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến (Nguyễn Du - Nguyễn Ngọc)…

Những vở cải lương vang bóng từng gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ một thời, nay được trở lại với khán giả qua hóa thân của các nghệ sĩ: NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Tô Châu, NSƯT Kim Phương, chuông vàng vọng cổ Võ Thành Phê, Linh Trung, Tô Thiên Kiều…

Cai luong trong ket noi di san voi the gioi
NSƯT Thành Lộc giao lưu với khán giả chiều 24/11

Sân khấu đường sách không hoành tráng, âm thanh đôi lúc trục trặc kỹ thuật, nhưng các nghệ sĩ vẫn mang đến cho khán giả những khoảnh khắc thật đẹp, thật trọn vẹn với những vai diễn giàu cảm xúc.

Có vị khán giả lớn tuổi đã nói rằng, bà đến chỉ vì nhớ một câu thoại trong vở Tiếng hạc trong trăng, đã nghe từ thuở Thanh Sang, Thanh Nga, Thành Được biểu diễn năm xưa. Nay trên sân khấu, là sự thể hiện của các nghệ sĩ Minh Hoàng, Tú Quyên, Nhật Thanh. Vở diễn cũ vẫn vẹn nguyên giá trị, chỉ có cảm xúc người xem được thay mới, trong hoài niệm của lòng người mộ điệu và sự hào hứng trân trọng của khán giả trẻ.

Cho đến khi Lượm - Niễng (nhân vật của trích đoạn cải lương Sông dài, do hai diễn viên Quỳnh Trân, Ngọc Thật thể hiện) xuất hiện trên sân khấu, thì chừng như đêm mưa chỉ còn lại thanh âm của những số phận, của lời ca tiếng hát, của những lặng im cảm nhận và xúc động. Khi cải lương ra đường sách, mới thấy khán giả vẫn dành rất nhiều tình cảm cho loại hình nghệ thuật này.

Chiều 24/11, sân khấu đường sách một lần nữa lại thu hút đông đảo khán giả với buổi giao lưu cùng các nghệ sĩ. Ở đó, những “câu chuyện cải lương” một lần nữa được trở về trong ký ức của NSƯT Thành Lộc, NSƯT Mỹ Hằng, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, Mộng Tuyền, Linh Trung…

Ở một khoảng cách rất gần, các nghệ sĩ gần như “trong vòng vây” của người hâm mộ. Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc nói “đã nhìn thấy rất nhiều người tóc bạc và rất nhiều người tóc xanh”, để thấy rằng, đâu phải cải lương không có khán giả, mà nói như NSƯT Vũ Luân là “vấn đề làm sao để giữ hấp lực, kéo khán giả tới rạp” trong thời buổi có quá nhiều phương thức giải trí cạnh tranh như hiện nay.

Cải lương Thật và Đẹp

Di sản kết nối là dự án trong khuôn khổ chương trình Văn hóa và Phát triển của Hội đồng Anh tại Việt Nam, khởi động tháng 4/2018, kéo dài trong hai năm. Các hoạt động của dự án bao gồm nghiên cứu, thu thập tài liệu, bảo tồn, tập huấn và nâng cao năng lực, vận động chính sách (bao gồm đối thoại chính sách và cộng đồng), cũng như các thử nghiệm sáng tạo nhằm phát huy các di sản văn hóa trong thực tiễn đương đại.

Khởi từ quan niệm “Thật và Đẹp” dành cho nghệ thuật cải lương của cố nghệ sĩ Năm Châu, hai tác giả Hugo Frey và Suzanne Joinson đã đi tìm cội nguồn của cải lương Việt Nam, qua những chuyện kể của 24 nhân vật - đại diện cho các thế hệ của làng cải lương Nam bộ.

Bằng lối nghiên cứu lịch sử truyền khẩu, hai tác giả người Anh phỏng vấn những tên tuổi từ nghệ sĩ đến soạn giả, nhạc công đến giảng viên, những nhà quản lý… Hành trình ấy bắt đầu bằng chuyện kể của đạo diễn Nguyễn Hồng Dung - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, về nhà thờ Tổ nghề được thành lập năm 1948 tại địa chỉ 133 Cô Giang (Q.1, TP.HCM). Từ đó khởi đi với những tâm tình của nghệ sĩ lẫn khán giả mộ điệu.

Câu chuyện cải lương Thật và Đẹp (nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành) không chỉ dành cho bạn đọc Việt Nam, mà mục tiêu hướng đến là độc giả quốc tế. Cách tiếp cận nhân vật và sắp xếp bố cục sách của hai tác giả Hugo Frey và Suzanne Joinson theo một trình tự khá dễ hiểu.

Như cách mà hai tác giả đã mường tượng: “Cải lương là thế giới của những người xuôi theo các dòng sông để đến hát hết nơi này đến nơi khác, của những sân khấu chật kín người vào thời hoàng kim thập niên 60-80, của những hy sinh cá nhân vì nghệ thuật và nhiều câu chuyện khác”.

“Rất nhiều lần chúng tôi được nghe nhắc đến cụm từ “thời vàng son của cải lương”.  Và chúng tôi cũng đã hỏi các nhân vật ký ức về giai đoạn này. Có những chia sẻ, chỉ qua một vài chi tiết nhỏ thôi cũng nói lên được bối cảnh của nghệ thuật cải lương trong mỗi giai đoạn. Chúng tôi thu thập những câu chuyện, lắng nghe hồi ức, quay phim tư liệu, tất cả cùng soi chiếu để hình thành câu chuyện cải lương. Tôi đặc biệt hứng thú được tham gia dự án này” - tác giả Hugo Frey bày tỏ.

Ông vốn là giáo sư lịch sử, đồng thời là Giám đốc Viện Nghệ thuật và Khoa học xã hội Trường đại học Chichester ở West Sussex (Anh). Nhà văn Suzanne Joinson cho biết thêm, bà cũng vô cùng ấn tượng khi được các nghệ sĩ “trình diễn live” sau các cuộc phỏng vấn.

Bên cạnh những chia sẻ về ký ức, còn có những nỗi ưu tư trăn trở trước “câu chuyện cải lương” của thời hiện đại. Cái hay của ấn phẩm này, là dù rất nhỏ gọn (chưa đầy 100 trang) nhưng lại gói ghém được cả một chiều dài lịch sử nhiều thăng trầm của cải lương, chuyên chở được cả những vấn đề hiện tại của loại hình nghệ thuật này.

“Cải lương đã trải qua hơn một thế kỷ, và nó có thể kể mọi câu chuyện về tình yêu, cuộc sống, xã hội, chiến tranh… Cải lương vừa thể hiện bản sắc quốc gia, vừa là phương thức đặc biệt có khả năng diễn tả đời sống đương đại. Cải lương là niềm tự hào của nền văn hóa và nghệ thuật biểu diễn của sân khấu Việt Nam” - NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu chuyển tải thông điệp.

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, người gắn liền với dự án ở vai trò cố vấn, biên tập ấn phẩm Câu chuyện cải lương Thật và Đẹp kỳ vọng rằng, từ dự án này, cải lương sẽ lại bay xa, trong kết nối cùng di sản thế giới.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI