Các quốc gia châu Á oằn mình chống dịch COVID-19 đợt 2

19/03/2020 - 16:42

PNO - Sau chuỗi ngày khống chế dịch khá tốt, các quốc gia châu Á bất ngờ đối mặt với các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, chủ yếu là châu Âu.

Các quốc gia Đông Á đau đầu vì nguồn lây nhiễm từ nước ngoài

Theo SCMP, Bắc Kinh và Hồng Kông đang tăng cường kiểm dịch với các công dân và du khách từ nước ngoài, thậm chí sẵn sàng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn khi số bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 đột ngột tăng cao.

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carri Lam cho biết: “Nếu chúng ta không áp dụng các biện pháp cứng rắn trong giai đoạn này, những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh suốt hai tháng qua của có thể bị lãng phí hoàn toàn”.

Số ca nhiễm mới virus corona bất ngờ tăng cao tại Hong Kong.
Số ca nhiễm mới virus corona bất ngờ tăng cao tại Hồng Kông

Ngày 19/3, Hồng Kông chứng kiến 25 trường hợp nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong 24 giờ kể từ đầu mùa dịch tại đặc khu, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 192 và 4 người tử vong. Trong số đó, hầu hết các bệnh nhân dương tính virus corona đều đến từ nguồn lây nhiễm nước ngoài, phần lớn là người trở về từ châu Âu.

Trước nguy cơ tái dịch, chính quyền địa phương yêu cầu bất cứ ai đến Hồng Kông đều bắt buộc cách ly 14 ngày. Quy định này sẽ kéo dài trong 3 tháng và bất cứ ai vi phạm sẽ bị phạt 25.000 đô la Hồng Kông (khoảng 4.600 USD) và ngồi tù 6 tháng. Thậm chí, Hồng Kông đã gắn vòng tay điện tử kết nối với một ứng dụng thông minh trên điện thoại lên tất cả du khách nhập cảnh vào đặc khu này để giám sát việc cách ly tại nhà.

Trong sáng nay, 19/3, giới chức y tế Đài Loan xác nhận 23 ca nhiễm mới, con số cao nhất trong một ngày, nâng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại đây lên 100. Đáng chú ý, trong 23 bệnh nhân nhiễm mới, 21 ca được xác định nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, chủ yếu từ các quốc gia Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á.

Đặc biệt, nếu như thành phố Vũ Hán (trung tâm bùng phát dịch COVID-19) lần đầu tiên báo cáo không có ca nhiễm mới trong ngày 19/3 thì ngược lại, số trường hợp dương tính virus corona từ nước ngoài về gia tăng nhanh chóng ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Hàn Quốc kiểm dịch đặc biệt với tất cả du khách đến từ nước ngoài.
Hàn Quốc kiểm dịch đặc biệt với tất cả du khách đến từ nước ngoài

Thêm vào đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc bất ngờ công bố 152 ca nhiễm mới, con số tăng đột biến sau 4 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm dưới 100, nâng tổng số ca nhiễm mới tại đây lên 8.565 và 91 người tử vong.

Nhằm ngăn chặn sự xâm nhập virus corona từ nguồn lây nhiễm nước ngoài trong tình hình quốc gia này vẫn đang gồng mình khống chế dịch bệnh, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp kiểm dịch đặc biệt với tất cả người ngoại quốc đến xứ kim chi kể từ hôm nay, 19/3. Những người bị ho, đau họng hay xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus đều được ghi lại cụ thể tại các chốt kiểm duyệt ở sân bay và cảng biển.

Đông Nam Á: ổ dịch mới của châu Á

Tính đến trưa 19/3, Malaysia ghi nhận 2 người tử vong cùng 790 ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong số đó, nhiều trường hợp được xác nhận có liên quan đến cuộc họp Hồi giáo quốc tế đầu tháng 3 tại Sri Petaling, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia với quy mô 16.000 người tham dự.

Sau sự kiện, rất đông người dân trở về Singapore, Brunei và Indonesia được xác nhận dương tính SARS-CoV-2, bùng phát dịch bệnh toàn khu vực Đông Nam Á. Trước đó, các quốc gia này ghi nhận rất ít ca nhiễm bệnh và khống chế dịch khá tốt.

Cuộc họp Hồi giáo quốc tế tại Malaysia khiến dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng rãi tại Đông Nam Á.
Cuộc họp Hồi giáo quốc tế tại Malaysia khiến dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng rãi tại Đông Nam Á

Để đối phó với tình trạng dịch bệnh lây lan rộng rãi, tối 16/3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 2 tuần. Ngoài Malaysia, Philippines cũng quyết định phong tỏa thủ đô Manila, đóng cửa trường học nhưng số ca nhiễm mới và tử vong vẫn không hề thuyên giảm.

Trong khi đó, hơn 8.000 người hành hương Hồi giáo từ khắp châu Á đã tập trung tại thành phố Gowa, tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia ngày 18/3, bất chấp những lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh và bài học nhãn tiền từ cụm lây nhiễm Malaysia trước đó. Mặc dù chính quyền địa phương yêu cầu hủy bỏ sự kiện nhưng phía đơn vị tổ chức không chấp nhận.

Bên cạnh sự thờ ơ của người dân khi tiếp tục tụ họp công cộng quy mô lớn thì chính sự giấu giếm mức độ nguy hiểm của đại dịch COVID-19 từ chính phủ Indonesia được xem là một trong những nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng tại đây.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng thừa nhận không công khai mức độ nguy hiểm của virus corona cho người dân, cũng như từ chối tiết lộ kết quả xét nghiệm virus của mình và các quan chức cấp cao.

Ngoài cụm lây nhiễm do cuộc họp Hồi giáo quốc tế tại Malaysia, thì các quốc gia Đông Nam Á cũng oằn mình hạn chế nguồn lây nhiễm từ nước ngoài. Điển hình, trong sáng 19/3, Singapore ghi nhận 47 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm tại đây lên 313. Trong đó, có 19 bệnh nhân từng đi du lịch châu Âu và 6 người từng đến Bắc Mỹ.

Sau Đông Á và Trung Đông, Đông Nam Á được xem là ổ dịch mới nhất.

Chung Thu Hương (theo SCMP và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI