Các nước G7 tăng sức ép, yêu cầu điều tra nguồn gốc COVID-19

10/06/2021 - 16:58

PNO - Một thông cáo bị rò rỉ hôm 9/6 từ cuộc họp thượng đỉnh G7 đang diễn ra ở Cornwall (Anh) cho thấy các lãnh đạo nhóm này sẽ kêu gọi WHO mở cuộc điều tra mới về nguồn gốc COVID-19. Tuyên bố cũng cho biết, các nhà lãnh đạo G7 cam kết cung cấp 1 tỷ liều vắc xin cho thế giới và có kế hoạch giải quyết tình trạng lao động cưỡng bức ở một số quốc gia.

Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là một nhà lãnh đạo G7 đề xuất kêu gọi tái điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19 - Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là một nhà lãnh đạo G7 đề xuất kêu gọi tái điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19 - Ảnh: AFP

Lời kêu gọi tái điều tra nguồn gốc COVID-19 được cho là do chính quyền Hoa Kỳ khởi xướng sau khi Tổng thống Joe Biden quyết định mở rộng cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch. Ông xuất phát từ ý kiến một cơ quan tình báo Mỹ nghiêng về giả thuyết sự cố phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, bất chấp nhiều ý kiến của cộng đồng khoa học Mỹ cho rằng cách giải thích khả dĩ nhất là COVID-19 đã nhảy sang người từ vật chủ động vật trong một sự kiện tự nhiên. Các nhà khoa học cũng cho rằng giả thuyết virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".

Theo Bloomberg News, dự thảo thông cáo chung của G7 cũng sẽ cam kết cung cấp thêm 1 tỷ liều vắc xin COVID-19 trong năm tới để tăng tốc bảo vệ toàn cầu chống lại căn bệnh này.

Động thái này “có thể làm thất vọng” các cơ quan viện trợ muốn hầu hết 8 tỷ người trên thế giới được tiêm chủng, nhưng thông cáo chung G7 lập luận rằng cam kết mới sẽ làm tăng đáng kể số người ở các nước đang phát triển được cung cấp vắc xin. Trước khi đến hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh Quốc, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đã cam kết mua 500 triệu liều vắc xin để phân phối cho các nước đang phát triển.

Thông cáo năm nay cũng sẽ có cam kết giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và may mặc và những nơi liên quan đến lao động cưỡng bức của người thiểu số.

Cũng theo dự thảo thông cáo chung, các nước G7 cũng sẽ cam kết chấm dứt các hạn chế thương mại không cần thiết đối với việc xuất khẩu vắc xin, cùng với cam kết chuyển sang các phương tiện giao thông không phát thải và hứa hẹn về nguồn vốn mới để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo tính bền vững lâu dài của tài chính công một khi sự phục hồi được thiết lập vững chắc.

Từ vắc xin đến biến đổi khí hậu, G7 hy vọng cho thấy hình ảnh phương Tây vẫn có ảnh hưởng trong một thế giới nhiều biến động.

Mặc dù các quốc gia G7 (nhóm được thành lập năm 1975) có mức GDP tổng hợp mỗi năm là 40 nghìn tỷ đô la, hoặc một nửa nền kinh tế thế giới, nhưng các nước giàu nhất thế giới vẫn cảm thấy không an toàn. Virus COVID-19 đã tàn phá Hoa Kỳ và Châu Âu, và biến đổi khí hậu đã thách thức các giả định của nhiều mô hình kinh tế trong nhóm. G7 cũng đối mặt với một cường quốc quân sự ngày càng hùng mạnh là nước Nga và chứng kiến sự tái xuất ngoạn mục của Trung Quốc như một cường quốc hàng đầu của thế giới.

Cho dù về COVID-19 hay về biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo G7 - Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ - đều muốn minh họa rằng phương Tây có thể cạnh tranh với sức mạnh của Trung Quốc và sự quyết đoán của Nga.

Cuối tuần qua, các bộ trưởng tài chính G7 đã đồng ý với một thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu, mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nó thể hiện mong muốn hợp tác cùng nhau - “Nó cho thấy sự hợp tác đa phương có thể thành công”.

Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nắm quyền, sẽ cố gắng sử dụng hội nghị thượng đỉnh G7 ở thị trấn Carbis Bay bên bờ biển Cornwall của Anh để làm mới hình ảnh của lãnh đạo nước Mỹ sau những xáo trộn trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Biden đến Cornwall (Anh) tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 - Ảnh: Twitter
Tổng thống Mỹ Biden đến Cornwall (Anh) tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 - Ảnh: Twitter

Tổng thống Biden gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson, chủ tịch hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 10/6, một ngày trước khi khai mạc cuộc họp ba ngày của các nhà lãnh đạo. Vào Chủ nhật (13/6), ông Biden sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ 13 gặp Nữ hoàng Elizabeth II, 95 tuổi, tại Lâu đài Windsor. Sau đó, ông Biden tới Brussels để dự hội nghị thượng đỉnh NATO và hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu trước khi gặp người đứng đầu Điện Kremlin Vladimir Putin tại Geneva vào ngày 16/6.

Hội nghị G7 năm nay họp ở Carbis Bay (Cornwall), cách London 300 dặm về phía Tây. Đây sẽ là kỳ họp G7 đầu tiên cho các nhà lãnh đạo Joe Biden (Mỹ), Mario Draghi (Ý) và Yoshihide Suga (Nhật Bản), còn Thủ tướng Anh Boris Johnson dự hội nghị này lần đầu sau Brexit.

Đây sẽ là kỳ họp G7 cuối cùng của bà Angela Merkel trước khi từ chức Thủ tướng Đức sau cuộc bầu cử vào tháng 9. Đây cũng sẽ là kỳ họp G7 cuối cùng của Tổng thống Emmanuel Macron trước cuộc bầu cử năm 2022 ở Pháp. Các nhà lãnh đạo của Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi đã được mời, mặc dù Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ phải bỏ lỡ cuộc họp do tình hình COVID-19 ở quê nhà.

Hoàng Diệu (theo Guardian, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI