Các địa phương muốn mua vắc-xin ngừa COVID-19 lấy tiền từ nguồn nào?

26/02/2021 - 12:17

PNO - Các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, tối đa 70% quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện công tác phòng chống dịch.

 

Việc tiêm vắc xin được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên tiêm người có nguy cơ cao
Việc tiêm vắc-xin được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên tiêm người có nguy cơ cao

Đây là một trong những nội dung trong Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2 về mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên:

Số lượng: Khoảng 150 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vắc-xin cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn.

Cơ chế mua vắc-xin: Thực hiện mua sắm trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.

Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ nguồn kinh phí thực hiện đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước: Ngân sách địa phương đảm bảo cho người dân trên địa bàn và các đối tượng do địa phương quản lý. Ngân sách trung ương đảm bảo cho các đối tượng do các cơ quan trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương theo quy định sau:

Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên: Ngân sách trung ương hỗ trợ 70% mức nhà nước thực chi theo quy định.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại: Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện.

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Ngân sách trung ương hỗ trợ 30% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, tối đa 70% quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trường hợp địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-9 ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương, gồm: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.

Bên cạnh đó là nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc-xin tự nguyện chi trả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mua vắc-xin trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013 theo đề nghị của Bộ Y tế.

An Bình

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI