Cả mùa hè bà canh cháu té ao, phút chót cháu lại bị chó cắn

13/08/2019 - 15:01

PNO - Từ ngày trông cháu, tôi bị… hội chứng quan sát, đề phòng. Cẩn thận là vậy mà mới đây, khi đưa cháu sang nhà hàng xóm, dù vẫn “dán” mắt vào cháu, nhưng đôi mắt tôi không nhanh bằng đôi tay táy máy của cháu.

Mà thật, cổng ngõ chưa kịp đóng, là cháu toan chạy ra, vì bên ngoài có quá nhiều điều thú vị. Đám trẻ con thì rần rần múa kiếm, nói với nhau bằng giọng địa phương, khiến cháu… ngẩn tò te. Những bầy vịt, hết tốp này tới tốp khác lạch bạch ra ao. Trâu, bò chậm rãi sải bước nặng nề. Và còn rất nhiều điều mới lạ lần đầu tiên cháu chứng kiến. Thương cháu, chúng tôi không nỡ khóa cổng nhốt cháu, đành theo sát cháu vậy. 

Có lần chồng tôi mở cổng, cho cháu tự ra ngoài chơi cùng tụi nhỏ. Anh ấy chắc chắn cháu sẽ hòa đồng cùng bọn trẻ, sẽ không rời khỏi nhóm, nên không phải quá lo lắng. Anh chủ quan cho rằng, chúng tôi đã dặn dò cháu cẩn thận, cháu hiếu động, nhưng sẽ nhớ lời. Vì chuyện này mà vợ chồng tôi bất đồng.

Tôi thắc mắc: chồng dựa vào đâu mà tin chắc là cháu sẽ hòa đồng cùng bọn trẻ, chớ không ra ao? Tại sao anh không nghĩ rằng, ao làng ngoài kia là một sự khiêu khích vô cùng thú vị với cháu?

Ca mua he ba canh chau te ao, phut chot chau lai bi cho can
Hình minh họa

Hè nóng nực, nhìn ao, người lớn còn muốn ào xuống tắm, huống là đứa trẻ hiếu động, tôi tin chắc cháu cũng rất muốn một lần lội thử xuống ao. Lén ra ao, cháu nghĩ đơn giản là vớt vài hoa lục bình, cháu chưa thể hình dung rủi ro, thì bổn phận của chúng tôi là phải lo canh giữ cháu.

Tôi bảo với chồng: yêu thương phải gắn với trách nhiệm; giữ cháu, phải giữ bằng đôi mắt và trái tim. Cho cháu ăn ngon, chưa đủ; mà phải canh chừng, trông coi cẩn thận, thậm chí răn đe, để lỡ có chuyện gì, nói hai tiếng ân hận, thì mọi chuyện cũng đã rồi. Giữ cháu, chỉ cần một phút lơ là, cũng đủ ôm hận. 

Nhà tôi có cái giếng sau hè. Giếng không cao, trẻ con 5, 6 tuổi có thể nhón chân là nhìn được vào lòng giếng. Từ ngày cháu về nghỉ hè, tôi tìm cách che giếng lại. Nói chung, tôi luôn quan sát mọi thứ để tránh rủi ro cho cháu.

Chồng tôi nói, từ ngày có cháu, tôi bị… hội chứng quan sát, đề phòng. Cẩn thận là vậy mà mới đây, khi đưa cháu sang nhà hàng xóm, dù vẫn “dán” mắt vào cháu, nhưng đôi mắt tôi không nhanh bằng đôi tay táy máy của cháu. 

Ca mua he ba canh chau te ao, phut chot chau lai bi cho can
 

Đang chơi đùa, cháu dùng tay giật đuôi chó, con chó lập tức cắn vào tay cháu. Cháu khiếp vía khóc thét. Tôi mất hồn, dắt cháu ra vòi nước để rửa, rồi sát trùng vết thương, đưa cháu đi chích ngừa. Chồng đổ lỗi tôi mê tám chuyện, lơ là cháu. Tôi ân hận bởi không nghĩ tới chuyện nhà hàng xóm nuôi chó. Tôi không cãi lời chồng, bởi mọi giải thích lúc này là ngụy biện. Sự việc diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ. 

Đúng là, với trẻ con, chúng ta không thể lường hết mọi rủi ro, mọi chuyện đều có thể diễn ra bất ngờ như thế. Gọi điện thoại cho mẹ cháu, tôi giãi bày và xin lỗi. Con gái vốn biết tính tôi cẩn thận, con bảo đó là sự cố ngoài ý muốn, con nhắc nhở tôi tuân thủ lịch chích ngừa và chăm sóc cháu mọi lúc mọi nơi. Tôi thở phào như vừa trút gánh nặng. Quan điểm của tôi: đã hứa, thì phải giữ lời. Tôi cam đoan cháu sẽ không gặp thêm rủi ro nào trong những ngày hè còn lại ở quê ngoại. 

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI