Bỗng dưng má... mê tiền

20/03/2018 - 12:48

PNO - Hồi tôi lấy chồng, cả nhà ai cũng lo cho tôi vì nhà chồng tôi nghèo khó. Ba má chồng và cô em chồng chỉ sống nhờ vào quán nước nhỏ trước nhà.

Hồi tôi lấy chồng, cả nhà ai cũng lo cho tôi vì nhà chồng tôi nghèo khó. Ba má chồng và cô em chồng chỉ sống nhờ vào quán nước nhỏ trước nhà. Quả thật, ban đầu tôi cũng phập phồng lo.

Đồng lương công chức của vợ chồng tôi nếu phải gánh từng ấy nhân khẩu, chắc chắn “đuối như trái chuối”. Không ngờ, má chồng nói với tôi: “Lương của vợ chồng con cứ để dành, chuyện cơm nước để má lo”. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Bong dung ma... me tien
Ảnh minh họa

Năm đó, tôi đã 24 tuổi nhưng vẫn còn khờ. Nhà hết xà bông, kem đánh răng… tôi hồn nhiên ngó lơ. Nhân viên điện nước tới thu tiền, tôi giao hóa đơn cho má “tự xử”. Tôi chưa bao giờ tính thử bài toán: mỗi ngày quán nước của má lãi bao nhiêu, chi bao nhiêu cho tiền chợ, gạo muối, điện nước… Nhưng má chưa bao giờ trách tôi, cũng chưa từng than thở.

Rất lâu sau này, tôi mới “khôn” ra, mới biết thương má, nhưng lúc đó vợ chồng tôi đã dọn đi ở riêng. Mỗi lần về nhà, thấy ba má vẫn mắm muối đạm bạc, tôi dúi tiền cho má. Má nhẹ nhàng: “Con để dành lo cho mấy đứa nhỏ, má xoay xở được”. Tôi rưng rưng thương má. Ân tình của má đã xóa sạch khoảng cách mẹ chồng nàng dâu. Mà thật ra, khoảng cách là tự tôi tạo ra đó thôi.

Tết này, má đã 80 tuổi, nhớ nhớ quên quên, hay bệnh vặt. Má chẳng thể phụ nhỏ Út việc mua bán. Mấy năm sau này, má mới chịu nhận tiền tôi đưa. Lần đầu cầm tiền của tôi, má áy náy lắm. Tôi phải trấn an: “Má bảo bọc vợ chồng con bấy lâu, giờ phải để tụi con báo hiếu lại cho má”. Mỗi lần được tôi “phát lương”, má mừng lắm, rối rít nói: “Má cảm ơn con”. Má mân mê mấy tờ tiền, cẩn thận xếp vào hộp, cất kỹ trong góc tủ. 

Bong dung ma... me tien
Ảnh minh họa

Mấy hôm trước, nhỏ em chồng than với tôi: “Dạo này má kỳ lắm chị. Cả ngày ôm hộp tiền khư khư, một lát lại lôi ra đếm, kêu sao thấy ít đi, có đứa nào lấy tiền của má không? Lâu lâu má lại vỗ vỗ túi áo, than trong túi không có đồng nào, mai làm sao mua gạo, rầu quá…”. Đêm nằm, từng đoạn đời của má như tua lại trước mắt tôi.

Cả một đời của má thiếu trước hụt sau, luôn nát óc tính toán gói ghém sao cho hũ gạo được đầy, sao cho tới cuối tháng không phải vay mượn ai… Đàn bà, những nỗi dâu bể chỉ mình biết mình lo, chẳng nỡ san sẻ gánh nặng cho chồng con.

Giờ má không còn làm ra tiền, đầu óc lúc nhớ lúc quên, nhưng có lẽ nỗi lo cạn tiền trong túi đã trở thành ám ảnh, không sao quên được. Nhớ mấy lần tôi “phát lương” cho má, một xấp mệnh giá 50.000 đồng, má mừng lắm. Lần đưa cho má chỉ vài tờ mệnh giá 500.000 đồng, má có vẻ lo âu, dù số tiền bằng nhau. Má lẫn lộn nhiều rồi. 

Lần này, tôi “phát lương” cho má toàn loại tiền 10.000 đồng. Cầm xấp tiền dày cộp, má cười toe, cuống quýt hỏi: “Cho má hết hả con? Sao bữa nay cho má nhiều dữ vậy con?”. Nhìn má vui sướng như trẻ nhỏ được nhận lì xì, tôi chảy nước mắt, thương má biết bao nhiêu! 

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI