Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Phát triển đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ cấp bách

18/01/2023 - 07:34

PNO - Trước thềm xuân Quý Mão, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ cùng Báo Phụ Nữ TPHCM về kết quả của năm qua cũng như các nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục trong năm 2023.

Phóng viên: Ngành giáo dục vừa trải qua một năm đầy khó khăn. Nhìn lại năm cũ, bộ trưởng có những chia sẻ gì?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Quả thực ngành giáo dục đã đi qua một năm khó khăn, thách thức nhiều chưa từng có. Ngành vừa phải chống dịch vừa phải hoàn thành các kế hoạch đổi mới giáo dục phổ thông. Tuy vậy đến giờ phút này, những kế hoạch lớn đều đã hoàn thành, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh cũng được hạn chế một cách thấp nhất.

Một trong những nhiệm vụ lớn ngành đã và đang tập trung thực hiện theo đúng kế hoạch là triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ. Trong năm học vừa qua, chúng tôi triển khai chương trình mới, vừa thay sách giáo khoa (SGK) các lớp Ba, Bảy, Mười; vừa tổ chức biên soạn thẩm định SGK lớp Bốn, Tám, Mười một. Bản thân việc đó cũng đầy thách thức vì trong cùng một năm phải triển khai nhiều lớp hơn hẳn những năm trước, lại trong điều kiện sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, giáo viên, các điều kiện khác đầy khó khăn. Đặc biệt là trong bối cảnh vừa phải chống dịch, vừa ứng phó với dịch bệnh. 

Ngành giáo dục cũng hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm học đúng tiến độ, tổ chức kỳ thi THPT với chất lượng tốt, theo kế hoạch đã đề ra. Đây là một năm thành công trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức các đoàn học sinh tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế, khu vực với kết quả đáng khích lệ. Các công việc như thẩm định SGK, triển khai chương trình mới, tập huấn giáo viên và các điều kiện khác cũng được triển khai đúng tiến độ. 

Một trong những thách thức lớn là giáo viên từ bậc mầm non cho đến phổ thông nghỉ việc, bỏ việc, chuyển việc càng làm cho vấn đề thiếu hụt giáo viên thêm trầm trọng. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, nhiều giáo viên mầm non phải nghỉ việc, đặc biệt là tại các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp đông dân cư. 

Đối với giáo dục đại học, đây cũng là một năm để chúng tôi rà soát vấn đề tự chủ đại học, đánh giá những gì làm được những gì còn vướng mắc. Bộ GD-ĐT đã tổ chức những diễn đàn, hội nghị, trao đổi, khảo sát, đánh giá và cũng đang đề xuất một số điều chỉnh để việc tự chủ đại học đi vào chiều sâu, phát huy được sức sáng tạo, nguồn lực, năng động của các trường, giúp các trường có thể tự chủ một cách mạnh mẽ hơn và đạt hiệu quả hơn, chất lượng hơn. 

* Năm 2023 được đánh giá là năm quan trọng trong lộ trình triển khai chương trình mới, đây là năm nhịp ở giữa của quá trình triển khai. Bộ trưởng có thể nói thêm về điều này?

- Đây sẽ là năm tập trung rất nhiều việc, tiêu biểu như tổ chức thẩm định SGK lớp Bốn, Tám, Mười một, cũng là năm chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định SGK lớp Năm, Chín, Mười hai. Vậy nên lượng công việc còn lại trong năm 2023 rất lớn. Chúng tôi phải tiếp tục tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức mà trong quá trình triển khai đã và có thể sẽ xảy ra như triển khai những môn học mới trong chương trình; tìm mọi giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất; thiếu các điều kiện để triển khai. Có thể nói đây là những việc lớn và khó, là những thách thức lớn đối với ngành giáo dục. 

Đây cũng là năm mà chúng tôi phải hoàn thành việc biên soạn chương trình giáo dục mầm non mới. Quá trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt và triển khai chương trình này sẽ diễn ra trong 
năm 2023. 

Bên cạnh đó, việc phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng là nhiệm vụ đặt ra cấp bách, bao gồm cả việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đáp ứng được công cuộc đổi mới cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Nhưng đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề thừa thiếu giáo viên đang đặt ra. Chúng tôi dự kiến trong năm 2023 sẽ dự thảo và trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo. Đây là văn bản luật mà chúng tôi đang tập trung để xây dựng. Qua đó, có một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng làm căn cứ để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tiếp theo…

Một việc thường xuyên nhưng cũng rất quan trọng phải làm trong năm là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là kỳ thi diễn ra trên toàn quốc đòi hỏi chúng tôi phải dồn sự chỉ đạo và chuẩn bị cho việc này.

* Thiếu giáo viên là vấn đề khiến ngành giáo dục đau đầu, trong năm mới, ngành giáo dục sẽ làm gì để nâng cao chất lượng cũng như đủ về số lượng đội ngũ nhà giáo, thưa bộ trưởng?

- Mục tiêu của chúng tôi là phát triển đội ngũ nhà giáo, bao gồm đủ về số lượng và ngày càng được cải thiện, nâng cao về chất lượng, trình độ, phẩm chất, năng lực. Trong thời gian từ nay đến một vài năm tới sẽ tổ chức các kỳ tuyển dụng giáo viên, giảng viên một cách tối ưu: tuyển đúng người, công bằng, công khai, minh bạch, chất lượng tốt nhất, đảm bảo bù đắp cho số giáo viên nghỉ hưu, số giáo viên chuyển việc cũng như đáp ứng được một phần yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy những môn học mới. 

Chúng tôi cũng tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ chính sách, quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong giảng dạy. Trong các chế độ chính sách với nhà giáo, chúng tôi đặc biệt quan tâm, bằng mọi cách cố gắng để có thể cải thiện về phương diện đời sống của nhà giáo và hy vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ đem lại được kết quả khả quan. 

Để đảm bảo nguồn tuyển đối với giáo viên cho nhiều năm về sau, ngành giáo dục cũng đã có những chính sách thúc đẩy việc đào tạo giáo viên và chuẩn bị nguồn học sinh vào học các trường đại học sư phạm. 

Mục tiêu của ngành giáo dục là phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng và ngày càng được cải thiện, nâng cao về chất lượng. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường THCS Phước Bình (TP Thủ Đức) - ẢNH: P.T.
Mục tiêu của ngành giáo dục là phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng và ngày càng được cải thiện, nâng cao về chất lượng. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường THCS Phước Bình (TP Thủ Đức) - Ảnh: P.T.

* Trước thềm xuân Quý Mão, bộ trưởng có lời nhắn nhủ gì đến giáo viên cũng như phụ huynh, học sinh?

- Thời điểm này, ngành giáo dục - đào tạo đang trong lộ trình đổi mới, hay nói cách khác là đang trong lộ trình chuyển đổi. Tôi mong toàn xã hội cũng như phụ huynh sẽ cùng chia sẻ, đồng hành với các thầy cô, cán bộ quản lý, với ngành, để cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ đổi mới. Nếu như thiếu sự ủng hộ, vào cuộc, đồng hành của phụ huynh thì chắc chắn sự đổi mới này rất khó có thể thành công. 

Bên cạnh đó, chính quyền và các địa phương đã quan tâm thì tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa đến việc triển khai nhiệm vụ của địa phương mình theo trách nhiệm, quyền hạn, cũng như vào cuộc cùng với ngành giáo dục để chuẩn bị mọi điều kiện triển khai. Tôi mong rằng, tất cả đội ngũ giáo viên với sự sáng tạo, với trách nhiệm nghề nghiệp rất cao sẽ cùng nhau cố gắng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình. 

Còn đối với toàn thể học sinh, sinh viên, tôi mong tất cả các em cũng sẽ đón nhận tinh thần đổi mới của cả ngành. Đổi mới bao giờ cũng ở cả hai phía: từ phía người dạy đến phía người học. Chúng ta cùng nhau cố gắng để đón nhận những gì tốt đẹp nhất của đổi mới giáo dục đem lại.

Năm 2023 hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trường đại học

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đối với giáo dục đại học, năm 2023 cũng là năm mà ngành giáo dục phải hoàn thành nhiệm vụ rất lớn đó là quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các trường đại học sư phạm trọng điểm, quy hoạch các trường chuyên biệt trong cả nước. Nhiệm vụ quy hoạch cần phải hoàn tất sớm và là nhiệm vụ lớn của ngành. 

Trong quá trình quy hoạch, cần phải rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học trên cả nước nhằm phát huy được tiềm năng của các trường, cũng như thực hiện những chiến lược phát triển giáo dục đại học.

“Năm 2023, ngành giáo dục thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm giải trình trước Đảng, nhân dân, Quốc hội. Chúng tôi sẽ cần phải đánh giá xem quá trình sau 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, những gì đã làm được, những gì còn tiếp tục phải triển khai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện trách nhiệm giải trình trước đoàn giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 về triển khai biên soạn và sử dụng, giảng dạy và học tập theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và SGK mới” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. 

Dung Nhi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI