Bố mẹ vệ sinh nhà, làm bánh mứt cuối năm, nhiều trẻ nhập viện vì ngộ độc hóa chất

25/01/2022 - 15:01

PNO - Cuối năm, nhiều gia đình tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, làm bánh mứt sử dụng nhiều loại hóa chất, nhưng bảo quản bất cẩn khiến trẻ bị ngộ độc nghiêm trọng.

Trẻ hoại tử thực quản do uống nước tro tàu dùng làm bánh tết

Nước tro tàu là loại hóa chất gây bỏng thực quản thường gặp nhất ở trẻ. Công thức hóa học gồm Kali hydroxit (KOH) hoặc Natri hydroxit (NaOH), được các gia đình sử dụng chủ yếu trong việc làm bánh. 

Đây là hóa chất có tính kiềm cực mạnh, trẻ vô tình uống phải sẽ gây xà phòng hóa, hầu hết trường hợp bệnh nhi uống nước tro tàu bị tổn thương nặng thành thực quản và hoại tử rất sâu.

Nước tro tàu được bán dưới dưới dạng đựng trong chai nước suối (Ảnh: Internet)
Nước tro tàu được bán dưới dưới dạng đựng trong chai nước suối 

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cấp cứu cho bé N.T.Đ. (6 tuổi), T.T.N. (4 tuổi) và bé L.V.N. (5 tuổi) uống nhầm nước tro tàu do mẹ và bà mua về chuẩn bị làm bánh Tết, tiện tay rót vào chai nước ngọt để bảo quản. Các bé không biết nên đã lấy uống. Nghe tiếng khóc, người lớn chạy đến thì các bé đã bị phỏng nặng.

Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy các bé bị hẹp toàn bộ thực quản ngực, khoang miệng bị phỏng phải mở dạ dày, đặt ống nuôi ăn. Ê-kíp bác sĩ nhiều lần nong thực quản, mổ cắt nối thực quản nhưng vẫn tái hẹp. Cuối cùng, các bé phải phẫu thuật thay thế thực quản. 

Trẻ bị tắc thực quản do uống nước thông cống 

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cứu sống 2 trường hợp ngộ độc nghiêm trọng chất thông cống. Đó là bé N.H.Y.T. (2 tuổi) uống nước thông cống còn dư của bà để lại sau khi dọn dẹp nhà cửa cuối năm. Tương tư, một trường hợp khác là bé bé V.G.B. (5 tuổi) tưởng viên thông cống là kẹo nên vô tư lấy ra ăn do gia đình xử lý không hết. 

Các bé phải chịu nhiều đau đớn khi bị phỏng toàn bộ thực quản, phải mở dạ dày qua da để nuôi ăn. Chưa kể đến bé T. phải nong thực quản liên tục mới có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

Nhiều bé nhầm lẫn viên tẩy bồn cầu, thông cống là kẹo ngọt
Nhiều bé nhầm lẫn viên tẩy bồn cầu, thông cống là kẹo ngọt

Bác sĩ Vương Minh Chiều - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Thành phần chủ yếu của hóa chất thông cống dạng lỏng thường sử dụng là axit Sulfuric (H2SO4) đậm đặc, dạng bột và viên thường gồm Kali hydroxit (KOH) hoặc Natri hydroxit (NaOH) và các phụ gia khác sẽ tàn phá nặng nề mô cơ khi trẻ nuốt phải”.

Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trẻ bị phỏng cả khoang miệng, thực quản khi uống nước tẩy nốt ruồi của người lớn. Sản phẩm này thường bán rất nhiều trên thị trường. 

Phần lớn các bé phải phẫu thuật nhiều lần mới giúp bé ăn uống bình thường trở lại. Nhìn những vết sẹo mổ chằng chịt trên ngực và bụng bé khiến bác sĩ không khỏi xót xa.

Trẻ nhập viện vì hóa chất trôi nổi

Trong khi đó, nhiều trường hợp khác trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 gần đây như: bé H.H.N. (4 tuổi), L.T.T. (5 tuổi), T.N.K.Đ. (3 tuổi) do uống phải hóa chất đựng trong lon nước tăng lực, nước ngọt có ga... do gia đình vệ sinh nhà cuối năm sử dụng không hết, để lại. Đây là các loại hóa chất do người bán tự pha bán trôi nổi ngoài thị trường được gia đình mua về để vệ sinh nhà cửa. 

Mỗi lần chúng tôi gọi điện thoại hỏi thăm, ông nội của bé H.H.N. đều nghẹn ngào cho biết bé đã ăn uống được sau 3 lần phẫu thuật ở cổ, ngực, bụng và nhiều lần nong thực quản. 

Những vết mổ chằng chịt trên lưng và bụng của bé T. do uống nhầm chất tẩy nốt ruồi của mẹ
Những vết mổ chằng chịt trên lưng và bụng của bé T. do uống nhầm chất tẩy nốt ruồi của mẹ

Bác sĩ Chiều cho biết: “Hầu hết những trường hợp trẻ bỏng hóa chất là do sự bất cẩn của người lớn. Nhất là việc bảo quản hóa chất trong chai nước ngọt, chai nhựa quen thuộc khiến trẻ rất dễ lầm tưởng. Cuối năm, tình trạng này xảy ra nhiều hơn”.

Bác sĩ Chiều khuyến cáo, chất tẩy rửa, hóa chất dùng để dọn nhà cần phải được bảo quản kỹ, tránh xa tầm tay trẻ, tuyệt đối không đựng trong vỏ chai nước ngọt, nước suối... Khi nghi ngờ trẻ bị bỏng thực quản, người nhà không nên tự ý móc họng cho trẻ nôn ói vì sẽ làm hóa chất tiếp xúc thêm thực quản một lần nữa. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất kèm theo loại hóa chất trẻ đã uống.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI