Bồ Đào Nha ban bố tình trạng khẩn cấp, Trung Quốc tạm ngưng nhập cảnh du khách ở 9 quốc gia

07/11/2020 - 06:38

PNO - Châu Âu trở thành tâm chấn mới của đại dịch COVID-19, buộc nhiều quốc gia phải ban hành lệnh tái phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ.

Hơn 300.000 ca tử vong vì COVID-19 tại châu Âu

Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai đã tấn công mạnh mẽ châu Âu trong thời gian qua, với hơn 12 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 và 300.000 ca tử vong. Châu lục này đã trở thành tâm chấn mới của đại dịch, buộc nhiều quốc gia phải ban hành lệnh tái phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ.

Theo số liệu của AFP, 2/3 số ca tử vong ở châu Âu ghi nhận tại Vương quốc Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Nga. Các quốc gia đang chạy đua để cố gắng hạn chế các trường hợp nhiễm mới virus tăng đột biến, áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhất bất chấp các dấu hiệu gia tăng sự bất ổn trong xã hội.

Số ca tử vong tại châu Âu tăng vợt từ tháng 10.
Số ca tử vong tại châu Âu tăng vọt từ cuối tháng 10

Tại Ý, các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa xuất hiện tại nhiều nơi. Giorgio Gori, Thị trưởng của thành phố phía bắc Bergamo - tâm chấn của cuộc khủng hoảng sức khỏe ở Ý đầu năm 2020 - cho biết "người dân có nhiều mệt mỏi và mất lòng tin với mọi thứ xung quanh" trong đợt đóng cửa lần 2 so với đợt bùng phát dịch vào mùa xuân.

Trong khi đó, để tìm ra các giải pháp thay thế cho việc tái phong tỏa ảnh hưởng đến nền kinh tế, tại Liverpool, Anh đã bắt đầu chương trình xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ 500.000 dân cư của thành phố này.

Bồ Đào Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa cho biết vừa ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe kéo dài 2 tuần, bắt đầu có hiệu lực vào tuần tới nhằm cho phép chính phủ áp đặt thêm các hạn chế về COVID-19.

“Sắc lệnh sẽ rất nghiêm ngặt và chủ yếu là phòng ngừa nhưng mở đường cho các biện pháp mới như hạn chế giao thông vào những thời điểm nhất định và những ngày nhất định, ở các thành phố có nguy cơ cao nhất" - Tổng thống nói.

Cùng với đó, chính phủ Bồ Đào Nha sẽ tổ chức một cuộc họp nội các bất thường vào ngày 7/11 để thống nhất các biện pháp áp dụng, bao gồm lệnh giới nghiêm vào ban đêm tương tự như ở các quốc gia châu Âu đã thực hiện hoặc đo nhiệt độ của người dân tại một số địa điểm.

Khoảng 7,1 triệu người tại Bồ Đào Nha hiện đang sống dưới những hạn chế mới, được yêu cầu ở nhà làm việc.

Trong đợt bùng phát đại dịch đầu tiên vào mùa xuân, Bồ Đào Nha đã ban hành tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tuần. Nhưng khác với đợt đóng cửa đầu tiên, các trường học vẫn mở cửa, các cửa hàng và nhà hàng tiếp tục hoạt động tuy nhiên bị buộc đóng cửa sớm.

Tính đến nay, Bồ Đào Nha đã báo cáo gần 167.000 trường hợp nhiễm virus và hơn 2.700 ca tử vong.

Trung Quốc tạm ngưng nhập cảnh du khách của 9 quốc gia

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trước tình hình tăng 45% bệnh nhân mắc COVID-19 nhập khẩu, chính phủ quyết định sẽ tạm ngưng cho phép nhập cảnh đối với các du khách từ 9 quốc gia, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tái bùng phát dịch.

Cụ thể, 9 quốc gia bị đưa vào danh sách ngưng nhập cảnh gồm Ý, Nga, Ấn Độ, Anh, Pháp, Philippines, Bỉ, Ukraine và Bangladesh. 

"Tỷ lệ các trường hợp nhập khẩu từ nước ngoài trong tháng 10 tăng khoảng 45% so với tháng 9, đạt 515 trường hợp. Đồng thời, các cụm nhiễm cục bộ cũng xảy ra ở một số nơi tại Trung Quốc" - Wang Wenbin, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Bên cạnh đó, ông Wang Wenbin cũng lý giải thêm các biện pháp được áp dụng để "duy trì các thành tựu phòng chống và kiểm soát đại dịch mà Trung Quốc đã đạt được, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo cho những du khách đến Trung Quốc trong chuyến đi của họ."

Theo dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Y tế Quốc gia, Trung Quốc đã báo cáo tổng cộng 86.151 ca nhiễm virus cùng 4.432 trường hợp tử vong.

Chung Thu Hương (theo AFP và CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI