Điều gì xảy ra nếu Tổng thống Trump kiên quyết khước từ kết quả thất bại đến cùng?

07/11/2020 - 06:01

PNO - Khi chờ đón kẻ thắng - người thua trong cuộc đua Donald Trump - Joe Biden, người Mỹ cũng đang thấp thỏm với một kịch bản “phi thường” trong lịch sử: Tổng thống Trump thất bại và quyết không nhượng bộ.

Các phương tiện truyền thông tại Mỹ chặn bất kỳ thông tin nào về tuyên bố chiến thắng của ông Trump - Ảnh: The Guardian
Các phương tiện truyền thông tại Mỹ chặn bất kỳ thông tin nào về tuyên bố chiến thắng của ông Trump - Ảnh: The Guardian

Nhiều lần, đương kim Tổng thống Mỹ gợi ý rằng, ông có thể không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020, bởi ông cho rằng mình chỉ thua khi cuộc bầu cử có gian lận. Trước đó, ông Donald Trump cũng đã nhiều lần từ chối cam kết “truyền thống” chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Và, với những bất thường trong kiểm phiếu vào giờ chót xảy ra tại một vài bang “chiến địa” rạng sáng 4/11, liệu điều đó sẽ trở thành hiện thực?

Thực hư lời đe dọa của ông Donald Trump

Tổng thống đã thể hiện sự không cam kết trong cuộc trả lời báo chí hồi tháng Bảy. Ông cho thấy khả năng sẽ từ chối kết quả bỏ phiếu nếu thua. Lần khác vào tháng Tám, ông nói với đám đông biểu tình ở Oshkosh (Wisconsin): “Gian lận là cách duy nhất mới có thể khiến chúng ta thua trong cuộc bầu cử này. Nhớ lấy lời tôi”. Ông Donald Trump lặp lại thông điệp này trong một cuộc họp báo hiếm hoi ở Nhà Trắng vào tháng Chín và trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên.

Những thay đổi trong thói quen bỏ phiếu vì đại dịch COVID-19 đã khiến phía ông Donald Trump dễ dàng đưa ra những cáo buộc gian lận. Năm nay, số lượng kỷ lục người Mỹ đã bỏ phiếu sớm qua đường thư tín, đồng nghĩa với công tác kiểm phiếu sẽ mất nhiều thời gian hơn để đếm và công bố kết quả. Một số chuyên gia đã dự báo, người Mỹ có thể phải chờ kết quả bầu cử kéo dài chứ không còn là một đêm như trước.

Việc chậm trễ công bố kết quả sẽ làm cho cuộc bầu cử năm nay thêm hấp dẫn. Bởi, ngoài nghi vấn về bỏ phiếu gian lận, việc chống lại kết quả ở các tiểu bang còn có thể đến từ đe dọa pháp lý khi mà luật sư của cả hai phía sẽ thực hiện các cuộc kiện cáo các phiếu gửi qua thư tín, có khả năng bất hợp pháp.

Kịch bản nào cho tình huống khước từ kết quả bầu cử?

Kiện tụng sau bầu cử là bình thường ở Mỹ và đều có kịch bản để ứng phó. Nếu các tranh chấp kéo dài đến ngày 20/1 năm sau, thì cả ông Donald Trump và ông Joe Biden - dù ai là người chiến thắng - đều sẽ không được tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Trong tình huống này, luật quy định rõ: “Nếu vì lý do qua đời, từ chức, cách chức, không đủ năng lực hoặc không đủ tiêu chuẩn, không có tổng thống hoặc phó tổng thống để thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của chính phủ, thì Chủ tịch Hạ viện sẽ rời các chức vụ tại quốc hội để điều hành đất nước với tư cách là tổng thống”. Như thế, bà Nancy Pelosi sẽ đảm nhận chức vụ này. Đây hẳn không phải là điều ông Donald Trump mong muốn.

Tổng thống Mỹ gợi ý rằng, ông có thể không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020, bởi ông cho rằng mình chỉ thua khi cuộc bầu cử có gian lận.
Tổng thống Mỹ có thể không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020, bởi ông cho rằng mình chỉ thua khi cuộc bầu cử có gian lận

Trong trường hợp khó có khả năng xảy ra, đó là ông Donald Trump vẫn từ chối chấp nhận thua cuộc dù ông Biden đã được chính thức công bố chiến thắng. Nếu tổng thống đương nhiệm không chịu rời nhiệm sở, thì hiện chưa rõ trách nhiệm xử lý “kẻ cố thủ” sẽ thuộc về “ai”? Hồi tháng Sáu, khi được hỏi về tình huống này, ông Biden cho rằng quân đội sẽ lãnh trách nhiệm “loại bỏ” cựu tổng thống. “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng quân đội sẽ hộ tống ông ấy khỏi Nhà Trắng với một công văn dấu đỏ chói”, ứng viên Dân chủ nói.

Tuy nhiên, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, nói rằng quân lực Mỹ sẽ không tham gia bất cứ việc chuyển giao quyền lực nào. “Trong trường hợp có tranh chấp về bầu cử, theo luật, tòa án các cấp và quốc hội sẽ giải quyết, chứ không phải các quân nhân. Chúng tôi không bao giờ phản bội hiến pháp Mỹ”, Tướng Milley khẳng định.

Cuộc bầu cử của nước Mỹ sắp đi đến hồi kết. Bất chấp tuyên bố chiến thắng nào, mọi chuyện vẫn có thể xảy ra cho đến khi phiếu bầu cuối cùng được kiểm đếm. Kết quả này sẽ có ảnh hưởng kéo dài hàng thập niên đối với nền dân chủ và tiến bộ toàn cầu. Các mối quan hệ xuyên đại dương với các siêu cường, tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, cuộc chiến chống COVID-19, chống phân biệt chủng tộc, bình đẳng giới và phân phối công bằng cơ hội, của cải… chắc chắn sẽ được vị tổng thống hợp hiến thiết lập trong chương trình nghị sự của mình. 

Nam Anh (theo The Guardian)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI