Bỏ con dễ như phủi bụi trên áo

02/07/2019 - 14:00

PNO - Nhớ về những đứa bé, tôi cứ nghĩ mãi, điều gì khiến cái tình mẫu tử kia không giữ nổi chân bà mẹ trẻ? Làm sao có thể phủi đi những đứa con nhẹ nhàng như người ta phủi bụi trên áo vậy?

1. 

19 tuổi, Ở theo anh chồng 20 tuổi lên Sài Gòn. Cùng với sáu người nữa là công nhân xây dựng, họ sống chen chúc trong một ngôi nhà chật chội bên rìa thành phố. Sáng ra ai cũng túa đi làm, còn một mình, Ở ôm đứa con vừa thôi nôi ra ngồi trên ghế mây bỏ không ở khu đất trống cạnh nhà, ngán ngẩm nhìn người qua lại.

Thằng bé cứ ngồi ở đấy đến khi ngủ gục. Thực đơn mỗi ngày của nó chủ yếu là cháo ăn liền. Đói thì chế nước sôi vô là có ăn. Vậy mà thằng nhỏ vét sạch cả tô.

Bo con de nhu phui bui tren ao
Ảnh minh họa

Một lần tôi mang cho hai mẹ con hộp sữa, từ bữa đó, cứ thấy tôi đi làm về, Ở ẵm con đến trước cửa nhà lân la làm quen. “Trên này mặt ai cũng lạnh chị hơ. Đi ra đi vô chỉ có mình ên”. Rồi Ở huyên thuyên hết chuyện này tới chuyện nọ, từ chuyện “chửa mới bảy tháng ba ngày, thằng nhỏ chui ra, mà còn ra ngược. Em còn chưa kịp đau thì ổng đã ra rồi”, đến chuyện “em chưa bao giờ đến bệnh viện khám thai, con em cũng không chích ngừa mũi nào, vậy mà ổng bự con hơn ai”. “Vậy là mừng rồi, ráng mà nuôi con. Với lại ở nhà với con còn mình ên gì nữa”, tôi động viên vì biết Ở còn trẻ, đôi mắt ấy có nỗi khao khát hướng ra bên ngoài.

Không biết do cái quẩn quanh mỗi sáng mỗi chiều hay gì, mà một ngày, Ở bỗng dưng biến mất. Ông bố 20 tuổi đi làm về, thấy thằng con đang nằm khóc, nhà cửa trống trơn. Kể từ hôm đó, bà nội suốt ngày lui cui với thằng cháu, thỉnh thoảng càm ràm: “Nó đi rồi. Ưng thì đi vài ngày, không nói ai tiếng nào”.

Mỗi chiều, thằng bé lục cục đẩy chiếc xe tập đi bà nội lượm được trên đống ve chai trước nhà. “Nó không khóc, ngày hai giấc ba bữa đều đặn à”. Bà nói vậy, nhưng khi thấy tôi bế con mình trên tay, cậu bé nhìn theo, khuôn miệng tắt nụ cười quen thuộc.

Rồi đâu được một tuần, Ở xuất hiện ngay cửa, uể oải như người tỉnh dậy từ những cuộc vui thâu đêm. “Bữa giờ đi đâu mà không thấy?”, tôi hỏi. “Ở nhà chán quá em đi chơi chế à. Xuống mấy nhỏ bạn em dưới Bình Dương”, Ở đáp tỉnh bơ, như việc nổi hứng bỏ con đi là chuyện bình thường. Được mấy ngày, tôi lại thấy bà nội lui cui với thằng bé: “Lần này chắc đi luôn. Nó mang đồ theo hết rồi!”. Tôi nhìn thằng bé. Đôi mắt bé con lại trở nên ngơ ngác, mặc dù vẫn cứ hai giấc ba bữa đều đặn như lời bà nói. 

2.

Ở đi chưa được bao lâu thì đến Trinh. Trinh là con gái một cặp vợ chồng phụ hồ ở ngay trong căn lều đối diện nhà thuê của Ở. Đó là căn lều được dựng nhờ trên miếng đất trống, tấm bạt cũ quây quanh làm vách và mấy tấm tôn làm mái, đủ cho một cặp vợ chồng chui ra chui vào. Ấy thế mà một buổi sáng, căn lều bỗng dưng nhộn nhịp hơn vì có thêm một gia đình nữa. Trinh, con gái của đôi vợ chồng phụ hồ cùng chồng và hai đứa con nhỏ về sống cùng ngoại.

Hai đứa bé sinh năm một, đứa lớn ba tuổi, đứa nhỏ hai tuổi suốt ngày khóc nhè, mặt mũi tèm lem vì những trận đòn. Thấy thằng bé tìm đường tránh ngọn roi của mẹ, chân không giẫm trên nền đất lô nhô xà bần, tôi thỉnh thoảng can: “Sao đánh em dữ vậy?”. Trinh nhìn con bằng đôi mắt tóe lửa: “Bấm điện thoại cũng không yên với hai đứa mày!”.

Bo con de nhu phui bui tren ao
Ảnh minh họa

Ngày Trinh đến, thấy tôi chỉ có mỗi thằng cu còn ẵm trên tay, Trinh ngạc nhiên lắm: “Chị lấy chồng trễ quá hen. Năm nay em 18 tuổi chớ mấy”. Xong thấy tôi tròn mắt, cô nàng phớ lớ cười. Cũng bởi mới 18, Trinh chưa kịp bước qua cái dở dở ương ương của tuổi dậy thì. Lúc vui Trinh tự hào khoe: “Ở với ba má chồng em sướng lắm. Ổng bả cưng cháu nên em muốn gì cũng có”, lúc thì: “Bữa nay chồng nó mua tặng em đôi giày mới với hai bộ đồ”. Khi buồn Trinh nói: “Thằng chồng em nó thương em lắm nên mới theo em, chớ em sống không nổi với ổng bả”.

Rồi có những đêm, tôi nghe tiếng cãi nhau, âm thanh của sự ẩu đả phát ra từ bên trong túp lều. Hôm sau Trinh đứng trước cửa với quầng thâm quanh mắt: “Nó ghen nên quánh em. Ở nhà buồn nhắn tin chơi cho vui, nó nói em có chồng rồi mà suốt ngày ôm điện thoại nhắn tin với trai không hà”. Mà sao không ghen cho được khi có những bữa buồn bã, Trinh biến mất vài ngày, mặc kệ hai đứa con ở nhà suốt ngày lủi thủi nghịch đất, rồi bàn tay đó vớ lấy chùm bánh tráng trộn của mẹ treo trên vách mà qua bữa. Đến khi về, Trinh lại thản nhiên: “Có thằng kia rủ em đi ngủ với nó, nó cho một trăm ngàn, mà em đâu có chịu”.

Không chịu nổi cô vợ ham chơi, anh chồng đùm túm đưa vợ con về quê để nhờ cha mẹ kìm hãm. Nhưng đâu được một tháng, tôi thấy Trinh trở lại căn lều, lần này là một mình. “Em bỏ nó rồi. Hai đứa nhỏ để bà nội nuôi”, đó là câu cuối cùng Trinh nhắc về con.

Bo con de nhu phui bui tren ao
Ảnh minh họa

3.

Không hiểu xa con rồi, Ở và Trinh có mảy may vướng bận gì không, có từng nghĩ đến tác động của một cuộc hôn nhân bồng bột nguy hiểm đến chừng nào? Nhớ về những đứa bé, tôi cứ nghĩ mãi, điều gì khiến cái tình mẫu tử kia không giữ nổi chân bà mẹ trẻ? Làm sao có thể phủi đi sự lựa chọn của mình cùng với những đứa con nhẹ nhàng như người ta phủi bụi trên áo vậy? 

Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, có thể dễ có suy nghĩ nông cạn, nhưng xin đừng vô trách nhiệm trước những lựa chọn yêu thương của chính mình. Bởi đứng ra trả giá cho sai lầm tuổi trẻ chính là những đứa trẻ ngây thơ vô tội, khi những nụ cười trên môi chúng bị gạt phăng. Thế mà, ngoài kia vẫn còn nhan nhản những cuộc hôn nhân “trẻ tuổi” vội vàng như thế. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI