Biết bao giờ mẹ mới được đi chơi lần nữa

24/03/2023 - 17:18

PNO - Nhiều năm sau này, nghĩ tới chuyến tắm biển đầu tiên và cũng là lần sau cùng của mẹ, chị luôn hối tiếc.

 

Câu chuyện chàng trai đưa mẹ đi Vũng Tàu bằng xe ben khiến cộng đồng mạng xúc động (Nguồn fb Nguyễn Quang Vinh)
Câu chuyện chàng trai đưa mẹ đi Vũng Tàu bằng xe ben khiến cộng đồng mạng xúc động (Nguồn fb Nguyễn Quang Vinh)

Chàng trai hỏi mẹ: “Đấy, giờ mẹ tắm đã chưa? Mẹ có thấy mát, thấy vui không?”. Bà mẹ cười mãn nguyện: “Ừ, đúng là đi biển sướng thật nhưng hơi tốn tiền. Với lại, người ta đi toàn xe nhỏ êm ru, sao con cho mẹ đi xe to, cồng kềnh thế con? Nó chạy giồng giồng muốn lòi ruột”.

Chàng trai nói: “Người ta giàu mẹ ơi! Mẹ bảo khi nào mày giàu cho mẹ đi biển chơi một chuyến, nhưng biết đến khi nào con mới giàu, nên thôi, mẹ đi tạm. Mẹ cứ ngồi thoải mái đi, không biết bao giờ mới được đi lần nữa…”

Hình ảnh hai mẹ con trong bộ quần áo sờn cũ, đi chân đất và câu chuyện cảm động của họ được một du khách tình cờ chứng kiến và ghi lại, khiến cộng đồng mạng xúc động. Chàng trai chỉ chừng ngoài 20 tuổi đã biết nghĩ đến mẹ, giúp mẹ thực hiện mong ước dù chàng ta chưa giàu có gì. Hẳn đây là chàng trai có trái tim ấm áp và tràn đầy yêu thương.

Có mấy người dù nhà cao cửa rộng, tài khoản nhiều con số, làm được điều ấy cho mẹ mình?

Có biết bao người, trong đó có cả tôi, từng tự hứa sẽ cố gắng kiếm tiền, để làm việc này việc kia cho cha mẹ. Nhưng tiền kiếm chưa được mấy đã đeo mang chồng con. Con còn nhỏ thì lo sách vở áo quần. Con vào đại học thì lo học phí, mua xe, máy tính… Trăm ngàn mối lo cuốn mình về phía trước. Đôi khi ngoái lại thấy mẹ cha càng thêm tuổi, lưng thêm còng, tóc thêm nhiều sợi bạc… nỗi lo sợ nhen lên. Nhưng rồi con tới kỳ đóng học phí, tiền nhà tới hạn đóng lãi vay ngân hàng, đành ngậm ngùi buông tay những mong ước của mẹ cha, tự nhủ rằng, chuyện nhỏ thôi, cha mẹ chẳng để ý đâu. Tự nhủ rằng mẹ cha đã đủ đầy, sữa, thuốc men, thực phẩm dinh dưỡng không thiếu thứ gì. Mình cũng đã đi gần trọn chữ hiếu.

Là tự dối lòng, tự xoa dịu mình thôi!

Nắm tay cha mẹ khi còn có thể (Ảnh minh họa)
Hãy nắm tay cha mẹ khi còn có thể (Ảnh minh họa)

Người thím của tôi có tuổi già an nhàn vì các con của thím đều thành đạt. Những năm tháng tuổi già thím được con cái đưa đi du lịch Thái Lan, Campuchia… So với những người già ở vùng quê, thím “sướng nhất trần đời”.

Có lần thím nói với tôi, ước mong của thím là một lần đi Sài Gòn dự đám giỗ người chị chồng thứ sáu. Từ ngày cô Sáu mất đã hơn 40 năm, thím chưa một lần đi đám giỗ, thắp cho cô Sáu nén nhang. Thím nói giờ già rồi, nên thím hay nghĩ tới những ngày tháng cũ, lúc mới chân ướt chân ráo về làm dâu, chị em rủ rỉ, chia sẻ cùng nhau. 

Tôi bàn với các em họ, giỗ cô Sáu năm nay đại gia đình thuê chiếc xe 15 chỗ, đi đám giỗ cô Sáu để giúp thím làm tròn tâm nguyện. Mới bàn vậy thôi thì tháng sau thím bị tai biến, liệt nửa người… Đôi khi nhìn thím ngu ngơ khóc cười, tôi bỗng thấy hối tiếc. Với người khác, chuyện thắp nén nhang trong ngày đám giỗ có thể chẳng lớn lao gì, với thím, biết đâu lại là nút thắt chưa được gỡ.

Một người bạn của tôi kể lần đầu tiên chị đưa mẹ đi tắm biển Vũng Tàu. Mẹ chị chạy ngay xuống mép nước, nhón ngón tay nếm thử nước biển. Bà cười hỉ hả như thể phát hiện ra điều thú vị nhất trần đời: “Mẹ tưởng nước biển mặn vừa vừa, ai dè mặn quá trời quá đất”. Giây phút đó chị thấy giận bản thân, sao xem nhẹ mong ước tưởng chừng quá đổi bình thường của mẹ.

Chị kéo mẹ lên bờ để thay đồ tắm. Mẹ chị rụt rè, chớp chớp mắt nhìn chị: “Phải thay sao con, mặc đồ này không được sao con?”. Chị suýt phì cười nhưng nghiêm mặt, kiên quyết nói không.

Bộ đồ chị chuẩn bị cho mẹ khá kín đáo: áo thun không tay và quần ngắn, nhưng với mẹ chị, bộ đồ đó “quá trời hở hang”. Mẹ bối rối che tay trước tay sau rất buồn cười. Chị hết sức trấn an mẹ, chỉ cho mẹ thấy mọi người xung quanh còn hở bạo hơn. Lát sau, không thấy ai nhìn ngó, bình phẩm, mẹ mới tự nhiên tắm táp, quên mất mình "bận gì mà đưa da thịt ra tùm lum". Chưa bao giờ chị thấy mẹ vui cười sung sướng đến vậy…

Nhiều năm sau này, nghĩ tới chuyến tắm biển đầu tiên và cũng là lần sau cùng của mẹ, chị luôn hối tiếc. Giá như chị đưa mẹ đi chơi sớm hơn, nhiều lần hơn, mẹ cực khổ nhiều rồi, nhưng tất cả đã muộn màng…

Câu nói của chàng trai đưa mẹ đi Vũng Tàu bằng xe ben “biết bao giờ mới được đi lần nữa”, nghe thương quá. Hẳn anh đã cố gắng hết sức để làm mẹ vui. Và mẹ anh đã rất hãnh diện và hạnh phúc khi đứa con thương mẹ.

Đừng bao giờ đợi có tiền, đợi giàu mới tự hỏi mẹ cha cần gì, mong ước điều gì, vì có khi đã muộn...

                                                                                                                                                                                                                                                           Thùy Gương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI