Bị tôm đâm hoại tử đầu ngón tay

07/03/2018 - 11:50

PNO - Một phụ nữ 80 tuổi tại TP.HCM bị hoại tử đầu ngón tay sau khi bị những gai sắc nhọn trên con tôm đâm vào.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, phòng khám Mỹ Quốc TP.HCM cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 80 tuổi bị hoại tử đầu ngón tay do tôm đâm.

Trước đó 3 ngày, ngón trỏ ở bàn tay trái của bệnh nhân sưng tấy. Từ một điểm ở đầu ngón tay, tình trạng sưng tấy đỏ lan dần lên cổ tay. Bệnh nhân này còn bị sốt.

Bi tom dam hoai tu dau ngon tay
Ngón tay trỏ bị nhiễm trùng dẫn đến hoại tử chỉ vài ngày sau khi bị gai tôm đâm vào

Bác sĩ điều trị nhận định vết thương ở đầu ngón trỏ đã bị nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân sau đó được rạch da để lấy mủ và phải uống kháng sinh mạnh. Tuy nhiên, tình trạng hoại tử da đã xuất hiện. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy vùng da ngay dưới ngón tay đã chuyển sang màu đen.

Bệnh nhân buộc phải cắt lọc da bị hoại tử và tiến hành ghép da.

Bệnh nhân cho biết bị gai trên con tôm còn sống đâm vào tay nhưng do chủ quan nên không xử lý vết thương. Khoảng vài ngày sau đó thì xuất hiện tình trạng nhiễm trùng.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo: dù con tôm còn sống hay đã nấu chín, khả năng nhiễm trùng vết thương do bị gai tôm, gai cua đâm vào vẫn có thể xảy ra nếu không xử trí đúng cách.

Bi tom dam hoai tu dau ngon tay
Ngón tay bệnh nhân sau khi được cắt lọc phần hoại tử

Cách xử trí ngay sau bị gai tôm, gai cua đâm chảy máu: “Rửa tay dưới vòi nước sạch với xà bông, bóp nhẹ cho máu dơ thoát ra, sau đó sát trùng vết thương bằng các dung dịch sát trùng như oxy già, povidine....

Dùng băng keo cá nhân băng vết thương và thay băng mỗi ngày cho đến khi lành vết thương (thường từ 5-7 ngày). Nếu vết thương sau vài ngày có biểu hiện sưng, đỏ, đau… nên đi khám để được uống kháng sinh, kháng viêm đúng, đủ liều giúp ngăn chặn nhiễm trùng”

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI