Bí quyết sửa thói quen xấu của con trong vòng một tuần của mẹ đơn thân

24/11/2016 - 11:30

PNO - Một bà mẹ đã thử thay đổi thói quen xấu của con bằng 5 phương pháp sau, và dưới đây là những gì đã xảy ra.

Trẻ em hành xử không đúng là một điều hiển nhiên trong cuộc sống. Nhưng nếu đến mức độ mà bạn hiếm khi có được một phút bình yên với đứa con quậy phá khi ở nhà thì đã đến lúc phải thay đổi rồi.

Jacqueline Burt, một bà mẹ đơn thân có một cô con gái 9 tuổi và một cậu bé 4 tuổi, luôn phải bù đầu bù cổ vì những trận cãi vã, nhưng cơn cáu kỉnh hàng ngày của hai đứa nhóc nghịch ngợm, đã quyết định rằng phải tìm cách ngừng chuyện này lại.

“Lũ trẻ quậy phá khiến tôi cảm thấy vô cùng bực bội”, cô ấy chia sẻ. Và người mẹ này nhận ra rằng, nếu muốn sửa đổi hành vi cho con mình, cô ấy phải tự thay đổi hành vi của chính mình trước.

Jacqueline đã tìm đến những chuyên gia về lĩnh vực làm cha mẹ giỏi nhất mà mình biết để hỏi về phương pháp kỷ luật của họ, sau đó thử áp dụng trong vòng một tuần với hai đứa con của mình.

Sau đây là những phương pháp mà cô ấy đã thử và nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt ở con cái mình:

1. Đừng phản ứng

Khi con trai của Jacqueline tỏ ra mất kiên nhẫn trong lúc làm việc gì đó, cô ấy quyết định không phản ứng lại, và nhận ra thái độ này đã tạo nên một khác biệt lớn.

“Lỗi lầm lớn nhất của cha mẹ chính là phản ứng lại những hành vi sai trái của con, vì trẻ con muốn tỏ ra tiêu cực để được người lớn chú ý”, Christophersen - Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng trẻ em tại Bệnh viện và phòng khám Mercy dành cho trẻ em, tại thành phố Kansas, MO, nói với Jacqueline.

Bi quyet sua thoi quen xau cua con trong vong mot tuan cua me don than

 Sau một vài phút, con trai cô ấy không thấy ai chú ý đến mình, nó sẽ tự bình tĩnh lại. Cơn khủng hoảng đã bị ngăn chặn một cách tự nhiên.

2. Tỏ ra lạc quan

Thay vì nói qua loa cho xong chuyện khi con trai bạn phàn nàn về vấn đề gì đó, Jacqueline khuyến khích bé tìm cách để thay đổi tình hình, và đảm bảo với bé rằng bé sẽ làm được.

Cha mẹ mong đợi ở con cái bao nhiêu thì chúng càng thành công bấy nhiêu - hệt như một câu thần chú vậy, Robin H-C, một huấn luyện viên gia đình nổi tiếng giải thích: “Khi bạn đặt một mục tiêu cho con mình, thì chúng sẽ có một điều gì đó để theo đuổi, một cái đích để phấn đấu”.

3. Nói chuyện với con bằng một tông giọng, và hãy gương mẫu

Nếu con bạn luôn kêu ca và cáu kỉnh, bạn phải là tấm gương để trẻ noi theo, Jayne Bellando, Tiến sĩ, nhà tâm lý học nhi khoa tại Bệnh viện trẻ em Arkansas cho hay.

Khi con của Jacqueline cuống cuồng lên vì muộn học, cô ấy đã bình tĩnh nhắc nhở con mình rằng chúng phải xuất phát sớm hơn, thay vì trách móc chúng theo thói quen.
Sau đó, cô ấy cũng thay đổi thái độ với con cái của mình. Bé gái thậm chí còn nhận ra sự khác biệt và khen ngợi cô ấy: “Mẹ làm tốt lắm đấy!”. Và phương pháp này đã thực sự hiệu quả, ngày hôm đó, bọn trẻ đã đến trường đúng giờ.

4. Thấu hiểu cảm xúc của trẻ khi con cư xử không đúng mực

Trẻ con bị đả kích chắc chắn phải có lý do, một chuyên gia đã nói với Jacqueline như vậy. Khi bạn nói với con rằng bạn hiểu rằng tại sao chúng lại hành động như thế, chúng sẽ cảm thấy được cảm thông và sẽ đáp lại bằng cử chỉ đúng mực hơn.

“Đó là lý do tại sao bạn nên chỉ cho con thấy cảm giác gì đã thôi thúc con làm như thế, và cho con biết hậu quả của việc đó là gì”, vị chuyên gia nói.

Bi quyet sua thoi quen xau cua con trong vong mot tuan cua me don than

Khi con gái của Jacqueline đánh em trai mình vì đã làm hỏng chiếc vòng tay của mình, Jacqueline nói với bé rằng cô có thể hiểu tại sao con lại tức giận như vậy.
Tất nhiên là Jacqueline vẫn phạt cô bé, nhưng cô gái nhỏ sẽ không hề khó chịu vì hình phạt ấy vì ít ra bé cảm nhận được có người hiểu mình.

5. Đặt ra các quy tắc và hành động nhất quán

Trẻ em sẽ hành xử lễ độ hơn nếu chúng biết bạn sẽ giữ vững nguyên tắc của mình. “Bạn cần phải hành động nhất quán, làm rõ quan điểm và mong đợi của mình và tránh cho bản thân quá tức giận mà bùng nổ”, Bertie Bregman - Bác sỹ, giám đốc y tế gia đình tại bệnh viện Presbyterian, New York nói.

Jacqueline đã chọn một hình phạt, rằng mỗi khi con trai mình làm sai, cô sẽ thông báo với nó và cuối cùng sẽ phạt nó. Cô thừa nhận rằng con trai mình khó chịu ra mặt với quy định này, nhưng không quan trọng vì cậu nhóc có thể nhận ra thái độ tồi tệ của mình và thay đổi nó.

Thu Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI