Bi kịch của “ngôi làng một quả thận”

14/07/2025 - 06:48

PNO - Lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự thiếu hiểu biết của người dân vùng nông thôn, những kẻ môi giới đã dụ dỗ người nghèo bán thận, để lại những bi kịch lớn.

Vết sẹo trên cơ thể Safiruddin sau lần bán thận - ẢNH: AMINUL ISLAM MITHU (Al Jazeera)
Vết sẹo trên cơ thể Safiruddin sau lần bán thận - Ảnh: Aminul Islam Mithu (Al Jazeera)

Dưới ánh nắng chiều dịu nhẹ, Safiruddin - 45 tuổi - ngồi bên ngoài ngôi nhà tường gạch xây dang dở của mình ở làng Baiguni, thuộc vùng Kalai Upazila, Bangladesh. Mùa hè năm 2024, anh đã bán quả thận của mình ở Ấn Độ với giá 2.850 USD với hy vọng giúp gia đình thoát nghèo và xây xong ngôi nhà để che mưa nắng cho 3 đứa con nhỏ.

Giờ đây, số tiền đó không còn, ngôi nhà vẫn dang dở trong khi nỗi đau trong cơ thể thì luôn thường trực. Safiruddin bộc bạch: “Tôi chỉ muốn làm tất cả vì vợ con”. Vào thời điểm đó, những lời ngon ngọt của các kẻ môi giới khiến việc bán thận được người nghèo như anh xem là cơ hội chứ không phải rủi ro.

Những kẻ môi giới đưa anh đến Ấn Độ. Theo luật, việc hiến tạng ở Ấn Độ chỉ được thực hiện giữa những người thân hoặc với sự chấp thuận đặc biệt của chính phủ. Tuy nhiên, những kẻ buôn người đã thao túng mọi thứ để lách luật.

Nhưng câu chuyện của Safiruddin không phải là duy nhất. Việc hiến thận rất phổ biến ở ngôi làng Baiguni của anh, đến nỗi người địa phương gọi cộng đồng chưa đầy 6.000 dân này là “ngôi làng một quả thận”. Khu vực Kalai Upazila là điểm nóng của ngành công nghiệp buôn bán thận. Một nghiên cứu năm 2023 công bố trên ấn phẩm British Medical Journal Global Health ước tính có 1/35 người trưởng thành trong khu vực đã bán thận.

Các cơ quan thực thi pháp luật Ấn Độ từng trấn áp một số chuyên gia y tế liên quan đến buôn bán thận. Vào tháng 7/2024, cảnh sát Delhi đã bắt giữ tiến sĩ Vijaya Rajakumari - một bác sĩ phẫu thuật 50 tuổi - vì đã thực hiện trái phép khoảng 15 ca ghép thận (từ nguồn thận Bangladesh) tại một bệnh viện tư trong 3 năm 2021-2023. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những vụ bắt giữ này vẫn quá nhỏ lẻ.

Năm 2023, cảnh sát Indonesia trấn áp những kẻ lừa đảo đã dụ dỗ 122 người đến Campuchia bán thận. Đây không phải là vụ việc đầu tiên được báo cáo. Vào năm 2012 và 2017, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về những trường hợp đáng ngờ, trong đó có vụ việc thi thể của những người di cư Indonesia làm việc tại Malaysia và Trung Đông được trả về cho gia đình với nhiều vết cắt trên cơ thể.

Năm 2024, có hơn 103.000 người ở Mỹ nằm trong danh sách chờ nhận nội tạng, trong khi hơn 13.000 người nằm trong danh sách chờ ở châu Âu. Tại Indonesia, 70.000 người đang chờ được hiến tạng trong khi chỉ có 234 bệnh nhân được ghép tạng, hầu hết nhờ vào sự hiến tặng của gia đình.

Những bệnh nhân tuyệt vọng thường phải nhờ đến các cơ chế bất hợp pháp để cứu mạng sống của mình. Theo tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu The Exodus Road, đây là ngành công nghiệp trị giá 1,7 tỉ USD. Khoảng 10% ca ghép tạng toàn cầu được thực hiện bất hợp pháp, tương đương với khoảng 12.000 ca ghép tạng.

Châu Á hiện được coi là thị trường nội tạng bất hợp pháp lớn nhất và sôi động nhất, đặc biệt là các quốc gia như Ấn Độ, Iran, Nepal, Bangladesh, Philippines, Sri Lanka và Indonesia.

Trở lại với làng Kalai Upazila, Safiruddin hiện dành phần lớn thời gian ở căn nhà mà anh không biết khi nào mới đủ sức xây xong. Bi kịch của anh không biết bao giờ ngừng lại.

Ngọc Hạ (theo Al Jazeera, DW, East Asia Forum)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI