Bêu xấu vợ chồng, con cái trên mạng xã hội là bạo lực gia đình?

14/06/2022 - 15:20

PNO - ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) kiến nghị bổ sung quy định người trong gia đình bêu xấu nhau trên mạng là hành vi bạo lực gia đình.

 

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề xuất bổ sung quy định
ĐBQH Nguyễn Thị Hà kiến nghị bổ sung hành vi bêu xấu nhau trên mạng xã hội là bạo lực gia đình

Phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 14/6 về Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Hà cho rằng, cần xem xét lại quy định "phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý là bạo lực gia đình". Với trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ.

ĐBQH Nguyễn Thị Hà cho rằng, cần xem xét lại nội dung này để sát với thực tiễn. Bởi, trong thời đại công nghệ 4.0, sẽ có nhiều trường hợp người thân trong gia đình chia sẻ những hình ảnh tình cảm vui tươi, trong sáng mà không hỏi ý kiến tất cả các thành viên trong gia đình.

Cũng trong quy định này, trường hợp là trẻ em phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Thị Hà, tại Điều 6, Khoản 11 của Luật Trẻ em 2016 lại quy định về các hành vi nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em. Do đó, cần thống nhất quy định liên quan đến trẻ em ở cả hai luật.

ĐBQH Nguyễn Thị Hà cũng kiến nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng vào dự thảo luật. “Hiện nay, chúng ta thấy những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau. Đây cũng là bạo lực. Bạo lực này còn khủng khiếp hơn”, đại biểu lý giải.

Bên cạnh đó, cần bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em. Trẻ có thể trực tiếp bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Do đó, Luật cũng cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ.

Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.

 

ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị xem xét, rà soát lại quy định về các hành vi bạo lực gia đình để phù hợp với thực tiễn
ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị xem xét, rà soát lại quy định về các hành vi bạo lực gia đình để phù hợp với thực tiễn 

Riêng với ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), cần rà soát lại cho cụ thể quy định gồm 17 hành vi bạo lực gia đình trong dự thảo, bởi “có thừa và cũng có thiếu”.

“Lấy ví dụ như trường hợp quy định: hành vi cấm thành viên trong gia đình đi làm từ thiện là bạo lực gia đình. Tôi nghĩ rằng, nếu đi làm từ thiện mà tối ngày bỏ nhà đi hoài, không làm ăn gì hết… thì không cho đi là hợp lý”, ông Nguyễn Văn Hòa nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị rà soát thật kỹ các đối tượng bạo hành, không bạo hành một cách cụ thể để quy định các hành vi bạo lực gia đình một cách hợp lý, cụ thể.

“Đài phát thanh, họ phát thanh có giờ có giấc nhưng đài phát thanh gia đình thì không có giờ có giấc, thậm chí nửa đêm cũng phát thanh. Tôi nghĩ như vậy mình đưa vô đây có phải là hành vi bạo lực gia đình về tinh thần hay không”, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề.

Cũng theo ĐB, quy định vợ chồng đã ly hôn nhưng bắt buộc phải chăm sóc cha mẹ, anh chị em ruột của người đã ly hôn cũng không phù hợp, không thể thực hiện được.

Về quy định ở cơ sở phải có trại tạm giữ cho người bạo hành, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ quan điểm không tán thành. Ông lý giải, nếu người bạo lực có mức án hình sự thì công an xã sẽ bắt, nếu chưa tới mức này thì công an xã mời về trụ sở theo quy định, sau đó giáo dục và cho về. “Nếu quy định có trại tạm giữ tại cơ sở không hợp lý và không khéo sẽ vi phạm về nhân quyền”, ĐB lo ngại.

Hàng năm, theo quy định tại dự thảo, Chủ tịch UBND các cấp đối thoại với người bị bạo lực, không bạo lực. ĐB tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng điều này không khả thi. Có thể chỉ giao tới cấp xã đối thoại về vấn đề này.

 

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI