Bếp ăn từ thiện của bà mẹ trẻ cứu đói hàng ngàn người giữa đại dịch

05/05/2022 - 11:15

PNO - Samantha Murozoki luôn có thói quen nấu nướng và tặng thức ăn cho trẻ em nghèo trong vùng. Thế nhưng cách đây hai năm, trước khi COVID-19 tấn công quê hương Zimbabwe, nữ luật sư không tin rằng mình có thể hỗ trợ khu phố cô đang sống bằng một dự án bếp ăn từ thiện tồn tại đến tận ngày nay.

Vào buổi đầu cơn đại dịch, Murozoki được công chúng nhắc đến như một tấm gương thiện nguyện nổi bật. Trong những ngày đặc biệt bận rộn, căn bếp nhỏ của cô ở Chitungwiza, thị trấn thuộc ngoại ô Harare, thủ đô Zimbabwe, tiếp đón lượng người chờ cứu trợ lên đến hàng ngàn.

Hiện thời, dẫu số người cần tiếp tế lương thực thực phẩm đã giảm dần sau khi Zimbabwe nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép nhiều người dân trở lại làm việc, Murozoki vẫn kiên trì hỗ trợ gần 800 suất ăn từ thiện mỗi ngày.   

“Tôi sẽ thấy áy náy nếu bắt đầu dự án này rồi đột ngột ngưng lại, không tiếp tục giúp đỡ mọi người nữa”, nữ luật sư 34 tuổi chuyên về tư vấn di trú, bày tỏ. “Tôi cũng không chắc bằng cách nào mình có thể cố gắng suốt thời gian qua”.

Samantha Murozoki muốn hỗ trợ thêm quyền lợi lẫn cơ hội giáo dục cho những đứa trẻ tìm đến bếp ăn từ thiện của cô
Samantha Murozoki muốn hỗ trợ thêm quyền lợi lẫn cơ hội giáo dục cho những đứa trẻ tìm đến bếp ăn từ thiện của cô

Khi mới thành lập bếp ăn, Murozoki nhận được khoản quyên góp nhỏ từ vài nhà hảo tâm địa phương. Số tiền chỉ có thể giúp cô trang trải phần nào chi phí nấu những bữa ăn cứu trợ gồm đậu hầm và sadza (món ăn chủ đạo trong ẩm thực Zimbabwe, được làm từ bột ngô). Thế nhưng, để duy trì hoạt động cho căn bếp mỗi ngày là điều không đơn giản. Murozoki tiết lộ có lúc đã phải dùng tiền dành dụm của chính cô và người mẹ lớn tuổi để tiếp tục nấu ăn vì cộng đồng.

Murozoki từng hai lần mắc COVID-19. “Lần thứ hai khá tệ. Ban đầu tôi cho rằng mọi thứ sẽ không đến nỗi nào nhưng các triệu chứng lại trở nặng. Tôi phải vắng mặt điều trị bệnh trong 3 tuần, nhưng may thay mẹ giúp tôi tiếp quản và đảm bảo bếp ăn vẫn được mở”.      

Việc quản lý căn bếp còn gặp trở ngại do lực lượng tình nguyện viên ít ỏi. “Không có chương trình kêu gọi trợ giúp nào nên đội ngũ tình nguyện viên của chúng tôi cứ giảm dần. Tuy nhiên tôi không thể trách họ. Mọi người cần lo kế mưu sinh”.

Buổi đầu đại dịch, từng có hàng ngàn người xếp hàng chờ nhận các suất ăn cứu trợ từ căn bếp nhỏ của Murozoki
Buổi đầu đại dịch, từng có hàng ngàn người xếp hàng chờ nhận các suất ăn cứu trợ từ căn bếp nhỏ của Murozoki

Vì gần như phải tự vận hành bếp ăn, Murozoki đành hy sinh thời gian riêng dành cho hai con trai. Thế nhưng, đối diện vô vàn thử thách, người mẹ trẻ vẫn nuôi hy vọng vào công việc từ thiện. “Ngay lúc này, nguồn trợ giúp duy nhất tôi tìm được là nhóm nhỏ tình nguyện viên của địa phương và một số quốc gia khác. Dẫu không thể có mặt thường trực nhưng bất cứ lúc nào đến đây, họ đều mang theo chút gì đó để trợ giúp căn bếp”, cô chia sẻ.

“Chúng tôi cũng kết nối với một số công ty. Thỉnh thoảng họ tổ chức chuyến thăm từ thiện và trao tặng thực phẩm cho người dân. Những ngày không nhận được hỗ trợ, mẹ và tôi lại bỏ tiền túi để duy trì những bữa ăn”.

Năm ngoái, khi làn sóng dịch bệnh dâng cao khiến lương thực tăng giá và nhiều cửa hàng kinh doanh tạm đóng cửa, hơn 2 triệu người ở các đô thị Zimbabwe phải chật vật để mua sắm thực phẩm. Hệ quả kéo dài gây ra bởi đại dịch buộc không ít gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ. Mặc dù nền kinh tế trong nước đã cho thấy dấu hiệu hồi phục, đến nay vẫn đang có hàng triệu người lao động tự do chịu đựng tình trạng bấp bênh việc làm.             

Thấu hiểu khó khăn chung của cộng đồng, nhất là tại quê nhà Chitungwiza, Murozoki mong mỏi được góp sức nhiều hơn. “Cứu đói chỉ là giải pháp tạm thời. Tôi muốn thấy cuộc sống người dân nơi đây ổn định bằng những nỗ lực giúp đỡ sâu sát. Tôi mong họ có thể được giáo dục, trao thêm quyền lợi”, cô cho biết.

Để hiện thực hóa mơ ước trên, nữ luật sư thành lập tổ chức thiện nguyện Kuchengetana Trust. Mục tiêu của cô là tạo lập nguồn ngân quỹ nhằm xây dựng một ngôi trường nuôi dạy trẻ em lang thang cơ nhỡ.

“Tôi đang kêu gọi nhà đầu tư giúp mở rộng dự án bếp ăn thành mô hình cứu trợ hoàn chỉnh, như một giải pháp góp phần chấm dứt tình cảnh đói nghèo dai dẳng trong khu vực. Với Kuchengetana Trust, chúng tôi có thể mua một mảnh đất, xây dựng mái ấm cho trẻ em cũng như một không gian vườn - ao nhỏ để tăng gia sản xuất, tạo thêm thu nhập. Tôi muốn bọn trẻ có thể tụ lại dưới cùng một mái nhà và nhận được trợ giúp thiết thực. Những đứa trẻ chính là hy vọng tương lai của Zimbabwe”.  

Như Ý (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI