Bệnh viện “chị em” - mô hình điều trị COVID-19 hiệu quả

14/12/2021 - 06:08

PNO - Theo mô hình này, bác sĩ ở tầng điều trị thứ ba trong tháp điều trị COVID-19 trực tiếp đến các cơ sở y tế ở tầng dưới để hội chẩn, chủ động chuyển bệnh nhân nặng lên tầng trên. Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM phỏng vấn bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - về mô hình này.

Phóng viên: Thưa ông, mô hình này giống và khác nhau thế nào so với đề án bệnh viện (BV) tuyến trên hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các BV tuyến dưới từng được triển khai trước đây?

Bác sĩ Tăng Chí Thượng: Công tác chỉ đạo tuyến vẫn được thực hiện như từ trước đến nay, còn mô hình BV “chị em” được triển khai riêng cho công tác chống dịch COVID-19 nên có nhiều điểm khác. Mô hình BV dã chiến vốn không có trong hệ thống BV trước đây và mỗi BV cũng được phân loại điều trị ba tầng 1, 2, 3 tùy vào điều kiện trang thiết bị, đội ngũ nhân sự. Tầng thứ nhất theo dõi, điều trị tại nhà; tầng thứ hai gồm các BV quận, huyện và các BV dã chiến; tầng thứ ba là các BV có khả năng hồi sức chuyên sâu. Khi vượt quá khả năng, các BV sẽ chuyển bệnh nhân lên tầng trên.

TPHCM hiện có các trung tâm hồi sức chuyên sâu cho bệnh nhân COVID-19 là BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, BV Chợ Rẫy, một số trung tâm hồi sức dã chiến do BV Đại học Y Dược TPHCM, BV Nhân dân Gia Định tiếp quản từ BV Việt Đức, BV Bạch Mai; sắp tới, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM sẽ tiếp quản một trung tâm từ BV Trung ương Huế. Ngoài ra, còn có thêm Trung tâm Hồi sức COVID-19 đặt tại BV Ung Bướu TPHCM cơ sở 2 do BV Chợ Rẫy phụ trách, quân đội có BV 175, ngành công an có BV dã chiến Phước Lộc ở huyện Nhà Bè. Đây là những BV tầng 3.

Do địa bàn TPHCM rộng, để thuận lợi cho công tác chuyển tuyến, Sở Y tế chia các BV thành tám cụm, mỗi cụm có một BV ở tầng thứ ba phụ trách, chịu trách nhiệm tiếp nhận, điều trị những ca nặng và tổ chức hội chẩn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn. Về nguyên tắc, trước khi chuyển viện, phải hội chẩn. Nếu cần chuyển viện, BV tầng 3 phải sắp xếp, có giường thì tiếp nhận, chưa có giường thì hướng dẫn BV tuyến dưới trong khi chờ.

Tuy nhiên, gần đây, dịch bệnh diễn biến khó lường, số ca mắc (F0) lúc tăng, lúc giảm. Có những lúc, F0 tăng khiến các BV quận, huyện quá tải, cần liên hệ chuyển tuyến. Nhưng như đã nói, khi muốn chuyển viện, phải hội chẩn với BV tuyến trên. Do đó, quá trình chuyển có thể sẽ chậm đi. Từ đó, Sở Y tế kêu gọi và làm thí điểm đối với BV Nhân dân Gia Định về mô hình BV “chị em”.

Ban Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang điều hành công việc tại Bệnh viện Dã chiến số 16 (ba tầng)
Ban Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang điều hành công việc tại Bệnh viện dã chiến số 16 (ba tầng)

 

* Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về cách làm của mô hình này?

- BV Nhân dân Gia Định được Sở Y tế phân công tiếp nhận Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 do BV Bạch Mai bàn giao lại, tức BV dã chiến số 16. Chúng tôi đã giao BV Nhân dân Gia Định xây dựng ngay mô hình “BV dã chiến ba tầng” để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở cả ba tầng, không phải chuyển tuyến. Tính đến nay, đã có nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch được cứu sống và được xuất viện từ BV dã chiến ba tầng này.

Khoảng ba tuần nay, BV này tiếp tục triển khai mô hình BV “chị em” theo chỉ đạo của sở. Theo đó, định kỳ, BV cử các ê-kíp đến các BV quận, huyện để cùng họ rà soát xem trường hợp nào có khả năng chuyển nặng, từ đó chủ động chuyển lên tầng trên điều trị. Nghĩa là thay vì chờ BV tuyến dưới liên hệ xin chuyển viện thì bây giờ, bác sĩ BV tuyến trên chủ động xuống BV tuyến dưới cùng rà soát và quyết định chuyển viện hay không.

Như vừa rồi, BV quận 12 và BV quận Tân Phú quá tải. Tôi đề nghị ban giám đốc của BV Nhân dân Gia Định cử ê-kíp xuống trao đổi, hội chẩn rồi chủ động yêu cầu chuyển viện đối với những trường hợp cần chuyển. Việc chia làm tám cụm cũng chỉ mang tính tương đối. Do các BV khác chưa thể tiếp nhận thêm bệnh nhân nên dù không thuộc cụm do BV Nhân dân Gia Định phụ trách nhưng các BV quận Tân Phú, quận 12 vẫn hợp tác chuyển viện. Nói chung, chúng ta làm mọi cách để hỗ trợ tối đa cho đồng nghiệp nhằm chăm sóc, điều trị tốt nhất cho người bệnh.

* Sắp tới, Sở Y tế TPHCM có nhân rộng mô hình BV “chị em” không, thưa ông?

- Khi được hỏi, các bác sĩ của BV quận 12, BV quận Tân Phú đều rất hài lòng và cảm kích khi được các đoàn bác sĩ của BV Nhân dân Gia Định đến tận nơi để cùng đánh giá và tiếp nhận các bệnh nhân nặng. Cách làm này thật sự đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch được điều trị tích cực và hồi phục một cách ngoạn mục.

Sắp tới, khi đã hoạt động tương đối ổn, BV Đại học Y Dược TPHCM (tiếp nhận BV dã chiến số 13 từ BV Việt Đức) cũng sẽ chủ động cử bác sĩ để xuống giúp các BV quận, huyện theo mô hình BV “chị em”. Tiếp đến, có thể có thêm các BV “chị” khác. Nói chung, nếu mô hình này tốt thì triển khai luôn cho cả tám cụm thực hiện vì cách tiếp nhận theo mô hình này mang tính tích cực và chủ động hơn nhiều, vừa giúp ích cho bệnh nhân, vừa động viên tinh thần cho tuyến dưới. “Chị” phải lo cho “em” là vậy.

* Cuối cùng, xin bác sĩ đưa ra một vài đánh giá về dịch COVID-19 tại TPHCM hiện nay?

- Số ca mắc mới vẫn còn, do đó, người dân không nên chủ quan. Nhờ chủng ngừa, số ca nặng đã giảm mạnh so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều nên mọi người cần nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K và tiêm vắc-xin. Ngoài ra, khi có triệu chứng, người dân nên xét nghiệm, khai báo để được theo dõi, điều trị kịp thời.
* Xin cảm ơn bác sĩ! 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI