Bệnh nhân đậu mùa khỉ và nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần

31/08/2022 - 10:03

PNO - Virus đậu mùa khỉ không chỉ gây ra những cơn đau dữ dội cho bệnh nhân mà còn để lại những vết sẹo tâm lý trầm trọng.

Kể từ tháng 5, virus đậu mùa khỉ đã nhanh chóng lây lan trên toàn thế giới. Phần lớn các ca mắc được phát hiện là ở đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về việc lặp lại sự kỳ thị mà những người đồng tính nam phải đối mặt trong đại dịch AIDS. Thực tế quả đúng như thế, nhiều bệnh nhân đậu mùa khỉ đã chia sẻ những trải nghiệm vô cùng đau đớn của mình. 

Anh Corentin Hennebert - một trong những trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên ở Pháp - cho biết: “Bạn sẽ không thể thoát ra khỏi cảm giác tồi tệ vì căn bệnh đã làm tổn thương bạn quá nhiều, cũng như gánh nặng phân biệt đối xử”. Trước khi được sử dụng thuốc giảm đau cực mạnh, Corentin Hennebert đã giảm 7kg chỉ trong 3 ngày vì không thể ăn bất cứ thứ gì. “Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là nỗi đau. Và tôi không phải là người duy nhất, nhiều người khác đã nói với tôi rằng họ đã khóc suốt vì không chịu đau nổi” - anh nói.

Bác sĩ đang khám cho một bệnh nhân bị lở loét do nhiễm trùng đậu mùa khỉ trong khu cách ly tại Bệnh viện Arzobispo Loayza, ở Lima, Peru - ẢNH: AFP
Bác sĩ đang khám cho một bệnh nhân bị lở loét do nhiễm trùng đậu mùa khỉ trong khu cách ly tại Bệnh viện Arzobispo Loayza, ở Lima, Peru - Ảnh: AFP

Luke Shannahan - một trong những người nhiễm bệnh đầu tiên ở Texas, Mỹ - kể rằng, cảm giác trải qua căn bệnh này là “địa ngục hoàn toàn” và tồi tệ hơn gấp 100 lần so với COVID-19. Luke tiết lộ căn bệnh này khiến anh bị sốt, đau đầu, sưng hạch và các vết phồng rộp bùng phát khắp cơ thể khiến anh đau đớn đến mức có cảm giác như “ai đó đang lấy dao gọt vỏ khoai tây cào vào da của bạn”. Luke đã được tiêm vắc-xin nhưng vẫn phải nằm liệt giường trong hai ngày và cảm thấy yếu ớt đến mức lo sợ cho tính mạng của mình. 

Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần, sau đó tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, với các bệnh nhân, họ còn phải đối diện với một nỗi lo khác, đó là bị phân biệt đối xử. Như James McFadzean đã cách ly được 2 tuần nay trong căn nhà ở London (Anh), sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ. “Một ngày sau khi được chẩn đoán, tôi cảm thấy mệt hơn, tôi lo mình bị ngất trong khi tôi lại sống một mình. Do đó, tôi gọi đến bệnh viện xin hỗ trợ, nhưng họ bảo tôi đừng đến vì lo ngại bị lây lan và chưa chuẩn bị ứng phó với những ca bệnh này”, James McFadzean kể.

Tiến sĩ Nathan Peiffer-Smadja - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Bichat-Claude Bernard ở Paris, người đã phối hợp nghiên cứu trên các bệnh nhân đậu mùa khỉ - cho biết: “Bệnh nhân có thể rất đau, đặc biệt là các tổn thương trên da cũng như bên trong. Bên cạnh đó là những vết sẹo bên ngoài cũng khiến bệnh nhân tự ti, suy sụp. Riêng vấn đề kỳ thị lại là nỗi đau lớn”. 

Sebastien Tuller - nhà hoạt động trong cộng đồng LGBT 32 tuổi - cho hay anh rất lo sợ khi thấy những vết phù bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt mình. “Các vết sưng đỏ thực sự xấu xí và tôi không biết phải làm gì”, anh nói. Tuy nhiên, điều mà đau khổ nhất chính là vô số lời lăng mạ và bình luận xúc phạm khi công khai về việc mắc bệnh đậu mùa khỉ. “Có rất nhiều thái độ kỳ thị người đồng tính và điều này ảnh hưởng thực sự đến sức khỏe tâm thần. Nhiều người không nói rằng họ đã hoặc đang mắc bệnh vì sợ bị kỳ thị”, Tuller giải thích.

Theo nhiều nhóm quản lý đường dây hỗ trợ bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tiết lộ, gần 1/4 số cuộc gọi đến đường dây trong tháng này là về các vấn đề tâm lý. 

Thu Thanh (theo AFP, ABC News, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI