Bệnh nhân chủ động “xông đất” bệnh viện đầu năm

19/02/2024 - 06:48

PNO - Nhiều bệnh viện ghi nhận số ca khám gia tăng sau dịp tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khác với mọi năm, hầu hết không ghi nhận các ca bệnh mạn tính tiến triển nặng bởi người dân đang dần ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe bản nhân.

 

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa thăm khám cho bệnh nhân đầu năm - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa thăm khám cho bệnh nhân đầu năm - Ảnh do bệnh viện cung cấp


Bệnh nhân khám bệnh sau tết tăng

Vốn có tiền sử xơ gan, ông T.N. (50 tuổi, ở TP Hà Nội) bất chấp lời khuyên của bác sĩ, vẫn uống rượu mỗi ngày. Đặc biệt, trong dịp tết, số lượng rượu uống vào càng nhiều hơn. Chiều 30 tháng Chạp, ông N. được gia đình đưa vào cấp cứu vì đau bụng thượng vị sau uống khoảng 500ml rượu. Bác sĩ Lê Văn Đán - phụ trách khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (TP Hà Nội) - cho biết, bệnh nhân chướng căng, ấn đau khắp bụng, có dấu hiệu suy thận cấp, hội chứng nhiễm khuẩn rõ. 

“Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp và siêu âm, thấy hình ảnh tụy to phù nề, thâm nhiễm mỡ lan tỏa tụ dịch quanh tụy” - bác sĩ Lê Văn Đán thông tin thêm. Thời điểm đó, nam bệnh nhân có nguy cơ cao phải lọc máu liên tục xuyên tết. May mắn sau khi điều trị nội khoa, bệnh nhân đã ổn định được và ra viện ngay sau tết. 

Mặc dù, số ca ngộ độc rượu đã giảm nhiều hơn so với mọi năm song bệnh viện vẫn tiếp nhận một số ca ngộ độc như trường hợp của ông N., trước và sau tết.

Tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, ngay ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, các bác sĩ ghi nhận sự đột biến trong lượng bệnh nhân tới khám, với hơn 700 lượt, tăng 30% so với trước kỳ nghỉ. 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Dũng - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - cho hay: sau tết, số lượng bệnh nhân tăng mạnh với các bệnh chủ yếu là: tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, các bệnh mạn tính, chủ yếu do chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ không điều độ, lạm dụng rượu bia trong những ngày tết. Bệnh viện đã tăng lên 40 phòng khám, đồng thời điều động tăng cường thêm bác sĩ từ các khoa phòng khác để khám bệnh. 

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế ngành trên toàn quốc trong kỳ nghỉ tết Giáp Thìn, các cơ sở tiếp nhận thăm khám, cấp cứu 416.932 người, tăng 33% so với cùng kỳ tết Quý Mão 2023. Trong đó, tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 151.550 người, tăng 4,3% so với cùng kỳ tết năm ngoái. Tổng số bệnh nhân ra viện là 119.366 trường hợp, tăng 5,9% so với cùng kỳ tết Quý Mão 2023. Riêng tại Hà Nội, Sở Y tế cho biết trong 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán, các bệnh viện thuộc quản lý của ngành tiếp nhận hơn 10.100 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú, tăng khoảng 4.000 ca so với năm 2023 (tương đương gần 60%).

Không ngại đi bệnh viện đầu năm 

Các năm trước, vào thời điểm sau tết Nguyên đán, các cơ sở y tế tại Hà Nội thường ghi nhận lượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính “ùn ùn” tới bệnh viện do diễn biến bệnh tăng nặng chủ yếu do ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh trong dịp tết, trong khi lại bỏ quên việc uống thuốc đều đặn. Đã có bệnh nhân phải cưa chân do biến chứng tiểu đường ngay sau tết, hoặc bệnh nhân đột quỵ, huyết áp tăng cao đột ngột…

Tuy nhiên, theo khảo sát của Báo Phụ nữ TPHCM, khác biệt với mọi năm, sau tết Giáp Thìn 2024, tại một số bệnh viện tuyến thành phố của Hà Nội như Đa khoa Đống Đa, Đa khoa Đức Giang hay Đa khoa Vân Đình, Đa khoa Hà Đông… tình trạng này đã giảm hẳn. 

Ở Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, dù ghi nhận sự gia tăng số bệnh nhân mạn tính tới khám hoặc tái khám định kỳ ngay những ngày đầu sau kỳ nghỉ tết Giáp Thìn 2024 tăng cao khoảng 10 - 20% so với cùng kỳ tết Quý Mão 2023 nhưng không có bệnh nhân diễn biến tăng nặng. Bác sĩ Nguyễn Đình Phúc - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - lý giải, nguyên nhân có thể do người dân, đặc biệt là các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, đã tuân thủ tốt lời dặn của bác sĩ trong dịp tết và bớt e ngại đi bệnh viện ngày đầu xuân năm mới. 

“Trước đây, không ít người dân dù biết cơ thể không ổn, mắc bệnh mạn tính nhưng vẫn trì hoãn việc đi khám bệnh ngày đầu năm, thậm chí chờ qua rằm tháng Giêng. Nhưng nay bệnh nhân đến tái khám định kỳ đúng ngày, tuân thủ lời dặn của bác sĩ. Điều này giúp hạn chế biến chứng bệnh tật cho người bệnh” - bác sĩ Nguyễn Đình Phúc nói. 

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tiến sĩ Nguyễn Văn Thường - Giám đốc bệnh viện - cho hay, bệnh viện có phần mềm đặt lịch khám, nhắc lịch tái khám đúng ngày, đúng giờ kiêm luôn chức năng nhắc bệnh nhân uống thuốc, từ đó giúp việc quản lý, điều trị bệnh nhân đạt hiệu quả cao. Ông chia sẻ: “Ví dụ bệnh nhân chuẩn bị đến ngày khám, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ đã nhập vào hệ thống, phần mềm sẽ gửi tin nhắn nhắc nhở bệnh nhân kiểm soát việc uống thuốc đã đúng, đủ liều như lời dặn của bác sĩ hay chưa”. 

Thông thường, với các bệnh nhân mạn tính được quản lý, mỗi lần khám, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang kê liều thuốc dùng cho khoảng từ 30-35 ngày. Bệnh nhân sẽ khám khoảng từ 28-35 ngày, thuốc tính đúng, đủ liều. Cũng chính vì vậy, theo điều tra của Trường đại học Dược Hà Nội, tỉ lệ điều trị bệnh mạn tính tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đạt mục tiêu tới 85%. Chẳng hạn với bệnh tiểu đường, 80% bệnh nhân được quản lý ở bệnh viện có chỉ số HbA1c (cách theo dõi chỉ số đường huyết) luôn dưới 7%, trong khi đó con số này ở một số cơ sở khác chỉ khoảng 50%. Phần mềm nhắc nhở uống thuốc, có thể nói, là một trong những biện pháp hữu ích để giúp bệnh nhân mắc bệnh mạn tính có một cái tết “bình yên” hơn. 

 Huyền Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI