Bé trai vừa chào đời đã mang bướu máu khổng lồ

30/06/2023 - 09:48

PNO - Vừa chào đời đã mang khối bướu máu khổng lồ hiếm gặp, bé trai được chỉ định phẫu thuật sau đó 3 ngày để bóc tách khối bướu.

Khối bướu máu khổng lồ ở vùng mông, đùi phải của bé trai sơ sinh, ảnh BVCC
Khối bướu máu khổng lồ ở vùng mông, đùi phải của bé trai sơ sinh - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sáng 30/6, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết đã phẫu thuật xử lý khối bướu khổng lồ ở vùng đùi, mông của bé trai sơ sinh ở Cà Mau.

Bé trai chào đời ngày 23/5, nặng 2,7kg. Khi bé chào đời, ê-kíp bác sĩ sản khoa tại địa phương vô cùng sửng sốt khi thấy khối bướu máu khổng lồ chiếm 1/3 cơ thể bé. Sau sinh 1 ngày, nhận thấy tình trạng bé ổn định, các bác sĩ liền liên hệ với bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM để chuyển bé đến điều trị.

Khi được tiếp nhận, bé trong tình trạng tỉnh, có dấu hiệu xuất huyết vòm họng, vàng da, ở vùng mông, đùi phải bị phủ kín bởi khối bướu máu có đường kính 15cm. Bé được chẩn đoán bướu máu Kasabach - Merritt (một bệnh lý có kèm dị dạng mạch máu, chỉ có điều trị bằng phương pháp phẫu thuật lấy hết dị dạng mạch máu).

Các bác sĩ thực hiện ngay xét nghiệm, siêu âm tổng quát cho bé. Kết quả bé bị rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, nguy cơ xuất huyết cao. Đặc biệt là xuất huyết não nếu không có hướng can thiệp phẫu thuật phù hợp. 

Bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu - Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - cho biết các chuyên gia về sơ sinh, ngoại khoa, bướu máu, huyết học, gây mê… đã hội chẩn liên khoa, quyết định phẫu thuật bóc tách lấy khối bướu cho bé.

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - vấn đề lớn nhất là khi bóc tách trọn vẹn bướu máu, cần có đủ da để che phủ vùng mô, cơ bên dưới đùi và mông của bé. Sau khi các hội chẩn, lên kế hoạch kỹ càng, ngày 26/5, khi bé được 3 ngày tuổi sẽ phải phẫu thuật.

Ê-kíp phẫu thuật cố gắng bóc tách, lấy trọn khối bướu máu để hạn chế tối đa nguy cơ tái phát. Bé được truyền hồng cầu lắng, tiểu cầu, huyết tương trong suốt ca mổ. Các bác sĩ khâu kín gần hết vùng da trống sau khi xử lý bướu. 

Ca mổ thành công, bé tỉnh táo, được theo dõi sát nguy cơ nhiễm trùng. Khoa Sơ sinh đã phối hợp với bác sĩ của khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình hỗ trợ thay băng bằng những loại gạc chuyên biệt để chăm sóc vết thương hở cho bé. 

 “Cứ mỗi 2 giờ, nhân viên y tế lại đến kiểm tra rồi đặt bé nằm nghiêng tuyệt đối. Bé được thay tã thường xuyên, tắm khô bằng dung dịch đặc biệt để đảm bảo vấn đề nhiễm khuẩn” - chị Vũ Thị Hà Phương - điều dưỡng trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - nói.

Đến nay, sức khỏe bé đã ổn định, nơi phẫu thuật đã lên mô hạt nhiều, tiến triển rất khả quan, bé sẽ được xuất viện về nhà. “Nguy cơ tái phát bướu máu không cao, do ê-kíp mổ đã bóc tách gần như triệt để khối bướu. Tuy nhiên, bé sẽ được lên kế hoạch theo dõi, tái khám sau khi xuất viện” - bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu nói thêm.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI