Bé trai 10 tháng tuổi ở Singapore là ca viêm gan bí ẩn đầu tiên ở Đông Nam Á

01/05/2022 - 20:37

PNO - Bộ Y tế Singapore (MOH) hôm 30/4 cho biết, một bé trai 10 tháng tuổi ở nước này bị phát hiện mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.

Các quan chức y tế Singapore nói thêm rằng, nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định xem trường hợp này có giống với những trường hợp bị viêm gan bí ẩn đang bùng phát trên toàn cầu gần đây hay không.

MOH cho biết, họ nhận được báo cáo về trường hợp viêm gan cấp tính hay còn gọi là viêm gan ở trẻ sơ sinh vào hôm 29/4.  Bé trai này được gia đình đưa đến khám tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK vào ngày 25/4 và sau khi thăm khám, các bác sĩ đã yêu cầu cho bé được nhập viện để kiểm tra thêm. 

"Các cuộc kiểm tra vẫn đang được tiến hành để xác định xem trường hợp này có biểu hiện giống với các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân được báo cáo trên toàn thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo hay không hay không. Theo xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã xác định trường hợp này âm tính với các loại virus thông thường gây viêm gan (vi rút viêm gan loại A, B, C và E.). Tuy nhiên, em bé này có tiền sử nhiễm COVID-19 vào tháng 12/2021", MOH cho biết thêm.

Các chuyên gia đã gợi ý rằng việc không tiếp xúc với một loại virus phổ biến trong thời gian hạn chế Covid có thể là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các trường hợp viêm gan ở trẻ nhỏ. Ảnh: Peter Byrne / PA
Các chuyên gia  rằng việc phong tỏa COVID-19 có thể là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các trường hợp viêm gan ở trẻ nhỏ - Ảnh: Peter Byrne / PA

Mặc dù cho đến nay chưa có bằng chứng bệnh viêm gan cấp tính có liên quan đến COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Mỹ mới đây cho biết, COVID-19 có thể làm tổn thương nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm cả gan, chính vì thế họ không loại trừ khả năng COVID-19 có liên quan đến bệnh gan bí ẩn trên thế giới cho đến nay. 

Hiện trên thế giới đã có hơn 200 trường hợp trẻ mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đã được báo cáo trên 17 quốc gia bao gồm  Anh, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Israel, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Ý, Na Uy, Pháp, Romania, Bỉ, Nhật Bản...

Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên báo cáo trường hợp này. Trong khu vực châu Á, Nhật Bản là nước đầu tiên.

Chính phủ Singapore cho biết, các quan chức y tế nước này đang theo dõi sát tình hình và đã thông báo cho tất cả các y bác sĩ cảnh giác với trẻ nhỏ có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm gan mà không xác định được nguyên nhân.

MOH biết nguyên nhân chính xác của viêm gan cấp tính trên toàn thế giới hiện vẫn chưa được biết chính xác từ đâu mặc dù các điều tra ban đầu cho thấy các trường hợp này có thể liên quan đến nhiễm adenovirus.

Adenovirus là một loại virus phổ biến thường gây ra bệnh đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa, và thường không được biết là gây viêm gan ở trẻ em khỏe mạnh. 

Số trẻ em ở Anh mắc bệnh viêm gan tăng lên 145

Cơ quan an ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) vừa thông báo, số ca bệnh gan ở trẻ gia tăng 34 trường hợp nhưng cho biết hầu hết trẻ em đã bình phục và không có trẻ nào tử vong. 

Hiện Anh có số bệnh nhân bị viêm gan cao nhất thế giới với 145 ca và có 10 em cần ghép gan.

Tiến sĩ Meera Chand, giám đốc phụ trách lâm sàng và các bệnh nhiễm trùng mới nổi của cơ quan, cho biết: “Chúng tôi biết rằng đây có thể là thời điểm đáng lo ngại đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ. Mặc dù cho đến hiện tại, khả năng trẻ mắc bệnh viêm gan là cực kỳ thấp. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục nhắc nhở các bậc cha mẹ cảnh giác với các dấu hiệu của bệnh viêm gan - đặc biệt là vàng da, dễ nhận thấy nhất là màu vàng trong lòng trắng của mắt kèm theo các biểu hiện sốt, tiêu chảy, đau cơ, mệt mỏi, nước tiểu đậm...".

Giáo sư Deirdre Kelly, một bác sĩ chuyên khoa gan nhi tại NHS của Tổ chức Phụ nữ và Trẻ em Birmingham, đồng thời là thành viên của nhóm làm việc với UKHSA để điều tra bệnh gan, nói rằng sự gia tăng dường như có liên quan đến đại dịch và nhóm đã tìm thấy một báo cáo y tế từ năm 1924. mô tả sự gia tăng bệnh viêm gan ở trẻ em sau đại dịch cúm năm 1918. “Trẻ thời điểm đó cũng mắc bệnh viêm gan siêu vi, điều này cũng là một đáp án", bác sĩ Kelly nói.

Tiến sĩ Chand khuyên các bậc cha mẹ nên đảm bảo rằng trẻ em luôn tuân thủ các biện pháp vệ sinh bình thường bao gồm rửa tay kỹ lưỡng, vệ sinh đường hô hấp sạch sẽ. “Như mọi khi, trẻ em gặp các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy thì nên ở nhà và chỉ trở lại trường học hoặc nhà trẻ sau 48g kể từ khi các triệu chứng đã chấm dứt", bà nói.

Nguyễn Thảo (theo CNA, The Guadian)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI