Bé bị nặng bụng

17/01/2016 - 12:05

PNO - Ậm ạch, nặng bụng muốn đi tiêu nhưng không thể “xuất hàng” được, điều này khiến bé trở nên quạu quọ, cáu gắt…

Bệnh không điều trị sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, hệ tiêu hóa của bé sau này.

Bệnh thường gặp, dễ mắc

Có nhiều nguyên nhân khiến bé không chịu “đổ rác” mỗi ngày.

Đầu tiên là các bé dùng sữa bột. Những ai có kinh nghiệm nuôi con đều dễ dàng nhận ra các bé bú mẹ thường “sì sẹt” phân hoa cà hoa cải nhiều lần trong ngày, nhưng bé bú sữa bột lại hay bị táo bón, đỏ mặt tía tai mỗi lần đi tiêu.

Bé lớn tháng hơn bắt đầu ăn dặm vẫn có thể đi phân cứng do cha mẹ muốn con nhanh lớn, cho ăn thịt cá nhiều hơn nhu cầu, ít chú trọng rau xanh, củ, quả. Còn khi đến tuổi đi học, bé lại nín nhịn (có thể có nhiều nguyên nhân: nhà vệ sinh dơ, thói quen không thích sử dụng nhà vệ sinh lạ). Bé còn trì hoãn việc đi tiêu có khi chỉ vì mê chơi, tập trung vào những việc khác và không được phụ huynh quan tâm.

Be bi nang bung
Ảnh mang tính minh họa

Sự nín nhịn khiến bé bị đau khi “thải rác”. Cơn đau có thể do rách hậu môn gây ra khiến bé quyết định nín luôn để tránh bị đau. Vì vậy, nếu phụ huynh không để ý chuyện đi vệ sinh của con, bé sẽ dễ dàng rơi vào vòng luẩn quẩn của táo bón: nín nhịn đi tiêu khiến phân càng lớn và khô cứng hơn do bị rút mất nước khi nằm lâu trong ruột.

Điều này gây khó cho bé vì luôn cảm thấy khó chịu, muốn tống phân ra nhưng lại sợ đau… Thế là, bé càng sợ đi tiêu khiến cho bệnh trầm trọng hơn. Cứ thế, khối phân đóng cứng trong trực tràng lớn dần lên, bé không thể giữ được nữa nên làm són phân. Điều này khiến bé xấu hổ và sợ hãi nên sẽ thu mình lại, không tham gia các hoạt động trường lớp như các bạn cùng lứa.

Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1 TP.HCM thì táo bón là vấn đề khá thường gặp ở trẻ em. Nó chiếm hơn 3% lý do đưa trẻ đến khám và 30% đưa trẻ đến khám chuyên khoa tiêu hóa.

Giúp bé thoát nạn

Bệnh táo bón dễ mắc, chỉ cần “giữ của” vài ngày là lâm bệnh ngay, nhưng quá trình điều trị lại rất dài, thời gian tính bằng tháng, bằng năm. Đầu tiên, các bác sĩ sẽ xử lý khối “rác thải” đóng cứng trong đại tràng sao cho thật nhẹ nhàng, không làm nứt rách hậu môn. Song song và quan trọng nhất là tìm các yếu tố nguy cơ khiến bé quyết định giữ “rác”.

Kế đến, bé sẽ được dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, quá trình điều trị thường là khoảng 6-12 tháng hoặc ít nhất hai tháng sau khi đã đạt được mục tiêu điều trị. Lưu ý, việc thụt tháo chỉ được thực hiện ở bệnh viện, 1 lần/ngày trong ba-sáu ngày và chỉ dùng khi tất cả các thuốc đường uống thất bại. Trong quá trình điều trị, cần tuân thủ để không bị tái phát. Phụ huynh cần biết, chế độ ăn không phải là cách điều trị duy nhất mà phải kết hợp với thuốc và tìm ra nguyên nhân bé không chịu đi vệ sinh.

Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc thì việc ăn uống không có gì đặc biệt so với trẻ bình thường. Bên cạnh đó, cần lưu ý bảo đảm cung cấp đủ nước và chất xơ theo nhu cầu thông thường (không cần dư). Chỉ cho trẻ ngưng uống sữa khi có ý kiến chuyên môn. Tập thói quen đi cầu khi thích hợp. Nếu trẻ trong giai đoạn tập sử dụng nhà vệ sinh thì việc điều trị duy trì cần kéo dài cho đến khi trẻ đã hình thành tốt thói quen này.

Bệnh táo bón, ai cũng nghĩ là bình thường nhưng khi mắc rồi mới thấy đây là bệnh khó trị và dễ tái phát. Do đó, phụ huynh cần phòng bệnh cho bé, từ lúc sinh ra cho đến khi lớn, tập cho bé đi vệ sinh đều đặn vào một giờ cố định trong ngày.

Mẹ nên cho con bú, nếu dùng sữa công thức cần báo cho bác sĩ biết để được hướng dẫn. Song song chế độ ăn nhiều chất xơ: khoai lang, khoai mì, đậu bắp, mồng tơi, mướp… cần bổ sung bữa ăn cho bé bằng các loại rau, đậu, củ, quả như: khoai tím, bí đỏ, khoai lang vàng, rau xanh các loại. Đảm bảo bữa ăn cân đối, không ăn nhiều đạm và các loại quả chát, cho uống đủ nước.

Phương Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI