Bầu trời còn chỗ cho em

15/05/2015 - 15:41

PNO - PN - Trẻ mắc hội chứng tự kỷ dễ bị tổn thương vì những rối loạn hệ thống giác quan. Nếu không hiểu được hội chứng này, một người bình thường rất dễ e dè với trẻ, đỉnh điểm là thái độ kỳ thị, xa lánh và cách ly. Như cô bé Juliette Forbes (15 tuổi) và cả gia đình em đã bị “mời” xuống máy bay trong chuyến bay từ Texas về nhà, chỉ vì phi công không thấy thoải mái sau khi biết Juliette mắc chứng tự kỷ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bau troi con cho cho em

Juliette Forbes và mẹ - Ảnh: Facebook

Chuyện không hay xảy ra khi Juliette từ chối đồ ăn nguội được tiếp viên mang đến. Mẹ Juliette yêu cầu thay bằng một món nóng vì con gái của bà dễ có phản ứng tiêu cực khi không ăn đúng món khoái khẩu. Mọi việc có vẻ êm xuôi khi cô bé chịu ngồi yên ăn, không có thái độ khó chịu như ban đầu nữa.

Thế nhưng, sau khi biết chuyện, phi công trên chuyến bay một mực từ chối sự có mặt của Juliette vì không muốn có thêm rắc rối nào nữa. Gia đình của Juliette cho biết sẽ khởi kiện hãng hàng không United Airlines vì cho rằng hành động đuổi hành khách tự kỷ là phân biệt đối xử. Các hành khách đi cùng cũng đứng về phía gia đình Juliette và khẳng định họ không thấy phiền hà gì cả vì cô bé đã ổn định tâm lý.

Đây không phải chuyện buồn duy nhất về trẻ tự kỷ bị “bỏ rơi” khiến cộng đồng băn khoăn. Cuối năm ngoái, Lucy Devlin (11 tuổi), một bé gái tự kỷ ở Anh bị tài xế taxi đẩy ra lề đường vì em không có tiền để trả khi bị ép đưa thêm. Hoang mang và hoảng loạn tột độ, Lucy chỉ kịp gọi điện thoại, òa khóc với người thân.

Bố mẹ Lucy không thể đưa con đến trường do bận việc nhưng họ cũng không yên tâm để con đón xe buýt vì họ biết con gái mình rất sợ đối diện với nhiều người lạ. Họ lo Lucy sẽ mất bình tĩnh khi bắt gặp những ánh mắt tò mò, xét đoán của bất cứ ai nên chọn taxi với giá cước có niêm yết trước và đưa con đúng số tiền để trả cho tài xế. Không ngờ, tài xế đã bắt chẹt Lucy, buộc em đưa thêm tiền và nhẫn tâm bỏ mặc cô bé.

Bau troi con cho cho em

Gia đình Juliette Forbes bị buộc xuống máy bay - ẢNH: YOUTUBE

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ công bố năm 2014, cứ 68 trẻ ở nước này thì có một trẻ mắc chứng tự kỷ. Tỷ lệ này tăng 30% so với số liệu năm 2012 là cứ 88 trẻ mới có một trẻ mắc hội chứng trên. Không phải ai cũng hiểu, tự kỷ không phải một căn bệnh mà là một hội chứng chưa tìm được nguyên nhân. Vì là hội chứng, không phải bệnh nên không có thuốc chữa, thay vào đó người thân, cộng đồng cần học cách đồng cảm, sống cùng trẻ tự kỷ.

Câu chuyện có thật về một bà mẹ trẻ có con tự kỷ được chia sẻ trên blog cá nhân khiến không ít người xúc động. Đi cùng con gái Kate Mouland (ba tuổi) bị tự kỷ trên chuyến bay từ Mỹ sang Anh kéo dài nhiều giờ, chị Shanell Mouland may mắn ngồi gần một nam hành khách “tuyệt vời chưa từng có”.

Bau troi con cho cho em

Shanell và bé Kate - Ảnh: NY Daily

Trong bức thư được chị đăng công khai trên mạng xã hội, Shanell viết rằng: “Cảm ơn anh, hành khách ở số ghế 16C. Tôi lo lắng rất nhiều khi cho Kate bay cùng. Rất khó để giữ con bé không làm phiền bất cứ ai. Tôi rất ngại những ánh mắt soi mói, thiếu thiện cảm. Những lúc con bé có phản ứng khác thường, tôi chỉ mong mọi người xung quanh hiểu và phớt lờ để con bé không quá căng thẳng. Thế mà, hơn cả những gì tôi mong đợi, anh đã chủ động trò chuyện với Kate. Bé tỏ ra thích thú khi được anh hỏi thăm. Thật lòng cảm ơn anh. Anh đã giúp mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều”. Sau khi bức thư được công bố, Eric, người đàn ông tốt bụng ấy, đã chủ động liên lạc và trở thành một người bạn thân thiết với gia đình từ đó.

Bau troi con cho cho em

Hunter Kleis và bố - Ảnh: WFAA

Hunter Kleis (chín tuổi) mắc chứng tự kỷ. Hơn ai hết, bố của Hunter, anh Chad Kleis hiểu được nỗi cô đơn luôn bủa vây con mình. Mỗi dịp sinh nhật của cậu bé, chẳng người bạn nào muốn đến dự. Tháng Ba vừa qua, nhân dịp sinh nhật con, anh Chad nảy ra ý tưởng giúp con có một kỷ niệm thật đẹp. Anh ngỏ ý nhờ 400 người bạn trên facebook của mình viết vài dòng tặng Hunter.

Anh biết con mình có khả năng đọc rất tốt nên muốn con tự tin hơn, cảm nhận hạnh phúc khi được ai đó ngoài bố mẹ quan tâm. Chad không ngờ nội dung anh viết trên facebook đã được 9.000 chia sẻ và Hunter “chìm ngập” trong những dòng gửi gắm đầy tình cảm của những người xa lạ.

Hành trình chung sống với trẻ tự kỷ không chỉ có sự yêu thương của gia đình mà cần rất nhiều sự cảm thông, thấu hiểu của cộng đồng. Để hỗ trợ trẻ tự kỷ có thể tham gia những chuyến bay, hiện 15 sân bay ở Mỹ (như Boston Logan, Philadelphia, JFK…) đang thực hiện dự án “Đôi cánh của trẻ tự kỷ”, là một phần của chương trình bay thử cho những đối tượng được xác định là có khó khăn trong việc tiếp cận chốn đông người hay những nơi có thể tạo cảm giác căng thẳng cho họ.

Với chương trình này, trẻ tự kỷ và người thân được tham gia trong một chuyến bay diễn tập, với đầy đủ thủ tục, qua các khâu như đăng ký, kiểm tra hộ chiếu, hành lý, qua máy dò, ổn định chỗ ngồi cho đến khâu máy bay chuẩn bị hạ cánh.

Sau mỗi trẻ tự kỷ là một câu chuyện về gia đình, về những người thân cùng chung sống và cả cộng đồng. Giáo sư Gary Goldstein thuộc Khoa Thần kinh học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng, phát hiện sớm và hiểu rõ về trẻ tự kỷ, tạo cơ hội để các em hòa nhập vào cộng đồng là giải pháp tích cực nhất hiện nay.

7 bước để có chuyến bay an toàn cùng trẻ tự kỷ

Bau troi con cho cho em

Chuẩn bị thật kỹ để trẻ tự kỷ có thể tham gia chuyến bay một cách dễ dàng

- Trò chuyện, trao đổi với trẻ về những gì có thể gặp trước chuyến bay.

- Trao đổi, tìm hiểu những quy định nếu có của sân bay, hãng hàng không dành cho trẻ tự kỷ.

- Yêu cầu được làm thủ tục sớm và ngồi hàng đầu khi đặt vé để trẻ sớm ổn định chỗ ngồi.

- Để ý đến bữa ăn cho trẻ vì trẻ thường có phản ứng mạnh với thức ăn lạ.

- Mang theo hồ sơ quan trọng của trẻ, đặc biệt là hồ sơ sức khỏe để khi được hỏi có thể cung cấp ngay.

- Mang theo những quyển sách, đồ chơi an toàn mà trẻ yêu thích để thu hút sự tập trung của trẻ, giúp trẻ ổn định vị trí.

THIÊN NHƯ 
(Theo Mirror, Independent, NY Daily, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI