Bạo lực gia đình - cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương

05/04/2013 - 04:30

PNO - PNO - Có lẽ do nạn bạo hành chỉ xảy ra trong phạm vi gia đình nên bạo hành gia đình không bị xem là tệ nạn xã hội dù hệ lụy của nó có khi rất nghiêm trọng.

Dù Luật phòng, chống bạo hành gia đình có hiệu lực từ 1/7/2008 nhưng nạn bạo hành gia đình vẫn xảy ra. Đa số phụ nữ không biết (hay không dám) liên hệ những nơi cần thiết để được hỗ trợ khi bị bạo hành, phần vì sĩ diện, phần vì sợ bị đối tượng bạo hành "trả thù". Thực tế, ngay cả khi nạn nhân liên hệ với cơ quan chức năng để nhờ giúp đỡ cũng chẳng được hỗ trợ gì.

Bao luc gia dinh - can quy dinh ro trach nhiem cua chinh quyen dia phuong
 

Cụ thể như trường hợp người hàng xóm của tôi. Chồng chị thường xuyên nhậu say về kiếm cớ đánh đập, chửi mắng vợ con, cầm dao doạ giết, đuổi vợ con chạy khắp xóm và thậm chí đe doạ hành hung bất cứ ai can thiệp. Hàng xóm thì ngại xen vào nhưng khi gọi công an phường nhờ can thiệp thì được anh nhân viên trực trả lời tỉnh bơ: "Đây là chuyện nội bộ nên gia đình... tự xử. Nếu gia đình vẫn muốn xử lý thì đợi hôm sau đương sự tỉnh táo, gia đình làm đơn thưa, phường mới giải quyết!" Cuối cùng, khi có chuyện, mẹ con chị chỉ còn biết tìm nơi "lánh nạn", đợi anh chồng tỉnh rượu mới dám về nhà.

Tại sao công an phường là cơ quan chính quyền gần với dân nhất lại không có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi người dân gặp nguy hiểm như hướng dẫn nạn nhân chỗ tạm lánh, có mặt để hoà giải hay thậm chí tạm giữ những kẻ hành hung người khác cho đến khi họ tỉnh táo rồi xử lý luôn mà phải đợi người dân thưa gửi rồi mới chịu xử lý? Biết đâu lúc quá khích kẻ gây rối có thể gây tội ác thì sao? Rõ ràng là ở đây có sự thụ động, bàng quan của chính quyền!

Những giải pháp như nhà tạm lánh hay sự can thiệp của các cơ quan đoàn thể như Hội Phụ nữ, tổ dân phố... thường chỉ là giải pháp khi... sự đã rồi và cũng không đủ mạnh để những kẻ thích bạo hành chùn tay. Vậy tại sao không ngăn chặn sự việc bằng sự có mặt kịp thời, đúng lúc của chính quyền? Sự tích cực và cứng rắn của chính quyền địa phương, mà cụ thể là các anh công an phường sẽ khiến những "Chí Phèo" thời hiện đại chùn tay mỗi khi muốn...quậy!

Nhiều người sống ở Mỹ cho biết, khi có chuyện, bất kể lớn nhỏ, chỉ cần gọi số điện thoại khẩn cấp 911 là cảnh sát có mặt giải quyết ngay. Ở ta Cảnh sát 113 chắc chắn không can thiệp mấy vụ "nội bộ gia đình" như thế này rồi, các đoàn thể thì không đủ sức mạnh và độ nhanh nhạy để xử lý những vụ bạo hành gia đình, công an phường thì thờ ơ... Vậy khi bị bạo hành, nạn nhân phải cầu cứu ở đâu để được bảo vệ?

Thiết nghĩ Luật phòng, chống gia đình nên quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương (phường, xã, khu phố, tổ dân phố...) để khi "lâm nạn", người dân có thể được ứng cứu kịp thời, tránh được những hậu quả xấu không chỉ cho gia đình mà còn cho xã hội.


DUY KHANG 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI