Bài toán biên chế và hiệu quả nguồn nhân lực

02/11/2022 - 06:09

PNO - Theo nhiều đại biểu Quốc hội, cách giải quyết “bài toán” cán bộ, công chức ở nhiều nơi, nhiều vùng vẫn còn mang tính cơ học, cứng nhắc nên chưa thể phát huy hết hiệu quả nguồn nhân lực.

Cán bộ làm ba năm không có ngày nghỉ 

TP.Thủ Đức (TPHCM) có 15.000 hội viên phụ nữ. Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, TP.Thủ Đức có sáu bệnh viện dã chiến, ba bệnh viện cố định. Trong những ngày đó, cán bộ Hội LHPN phải “vắt giò lên cổ” phát thực phẩm cho người dân, bệnh nhân và cán bộ y tế.

Do khối lượng công việc quá nhiều, việc tinh giản biên chế cán bộ công chức, viên chức ở TP.HCM cần được xem xét, giải quyết phù hợp (trong ảnh: Cán bộ ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đang giải quyết hồ sơ cho người dân) ẢNH: Linh Linh
Do khối lượng công việc quá nhiều, việc tinh giản biên chế cán bộ công chức, viên chức ở TPHCM cần được xem xét, giải quyết phù hợp (trong ảnh: Cán bộ ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đang giải quyết hồ sơ cho người dân) ẢNH: Linh Linh

Bà Nguyễn Hạnh Thảo - Chủ tịch Hội LHPN TP.Thủ Đức - cho biết, theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP (Nghị định 34), số cán bộ hoạt động không chuyên trách tối đa là 14 người ở mỗi phường, xã, thị trấn loại 1. Ở một số nơi, cán bộ Hội LHPN phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc do đảng ủy phân công nên luôn trong tình trạng “đầu tắt, mặt tối” nhưng nhận được chế độ đãi ngộ không tương xứng.

Điều mà bà Nguyễn Hạnh Thảo nêu là thực trạng phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị của TPHCM và một số đô thị lớn, đông dân cư hiện nay. 

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) cho hay, sau bảy năm “đại phẫu biên chế”, TPHCM hiện vẫn dôi dư 5.700 người. TPHCM là một trong bốn địa phương có tỷ lệ người dân trên cán bộ cao nhất nước, sau các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang và Nam Định. Ông dẫn lời than thở của một vị lãnh đạo phường ở TPHCM, rằng cán bộ, công chức của phường làm ba năm vẫn chưa được nghỉ phép và không có ngày nghỉ.

Dẫn các số liệu trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, đã có tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận, sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền: “5.700 trường hợp dôi dư này đã và đang cùng hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp TPHCM đóng góp gần 30% ngân sách quốc gia, hơn 20% GDP cả nước. Liệu chúng ta đã thực sự đồng cảm với những khó khăn của TPHCM và các địa phương phát triển hay chưa?”. 

Theo ông Phạm Trọng Nhân, việc áp dụng những nguyên tắc cứng nhắc mà không tính tới tiềm năng, nguồn lực phát triển và nhu cầu thực tế ở mỗi vùng miền, địa phương vô hình trung đã tạo ra “đồng phục thể chế”. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lãnh đạo các địa phương phải xin cơ chế đặc thù để thay chiếc áo cũ đã quá chật chội.

Tinh giản biên chế còn mang tính cơ học 

Từ đầu kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (ngày 20/10) tới nay, vấn đề nhân lực - đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức - là đề tài “nóng” thu hút sự quan tâm của hầu hết đại biểu. Những bất cập trong chính sách quản lý, tinh giản biên chế cùng chế độ đang làm mất đi “sức hút” của khu vực công.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá, việc tinh giản biên chế là đúng chủ trương song chưa đạt được độ tinh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá, việc tinh giản biên chế là đúng chủ trương song chưa đạt được "độ tinh"

Con số gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc từ đầu năm 2020 tới hết tháng 6/2022 khiến nhiều đại biểu trăn trở. Trong đó, tám địa phương có số công chức, viên chức nghỉ việc nhiều nhất là những thành phố lớn, những nơi tập trung nhiều khu đô thị, khu công nghiệp của cả nước như TPHCM, TP.Hà Nội, TP.Cần Thơ, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang.

Trong khi đó, việc giảm biên chế đang bị cào bằng ở nhiều địa phương và nhiều lĩnh vực khác nhau. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) chỉ ra, theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%, viên chức giảm 11,12% so với năm 2015. Tỷ lệ này vượt chỉ tiêu tối thiểu 10% theo nghị quyết của Đảng. Bà đặt vấn đề: “Kết quả tinh giản biên chế này có thực sự đạt mục tiêu đề ra không, hay chỉ đạt chỉ tiêu về mặt cơ học? Tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong hai năm qua có liên quan gì tới việc tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương?”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng cần hoàn thiện kịp thời các cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là các chuyên gia, các nhà lãnh đạo quản lý các cấp
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng cần hoàn thiện kịp thời các cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là các chuyên gia, các nhà lãnh đạo quản lý các cấp

Bà Mai Hoa nói: “Chủ trương tinh giản biên chế là đúng, nhưng dường như chúng ta đang giảm nhưng chưa “tinh” bởi đối tượng tinh giản chủ yếu là những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác. Chúng ta chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy, đó là bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, khó bố trí việc làm”. 

Theo bà Mai Hoa, biên chế giảm nhưng công việc trong hệ thống cơ quan nhà nước không giảm và các đơn vị chưa có những giải pháp hỗ trợ để lực lượng cán bộ, công chức, viên chức có đủ thời gian cống hiến. Công việc chủ yếu đang tập trung vào những người làm được việc và áp lực công việc đối với họ ngày càng lớn. Nhưng số này lại ít có cơ hội để thăng tiến và ngạch, bậc lương vẫn theo thâm niên, bằng cấp chứ không theo vị trí việc làm, mức độ cống hiến.

Từ những thực tế trên, bà Mai Hoa cho rằng, muốn tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, Quốc hội cần đưa nội dung quản lý, sử dụng nguồn nhân lực vào nghị quyết kỳ họp này: “Trước hết, phải tạo môi trường, cơ chế để tôn vinh và sử dụng đúng người tài. Trong quá trình cải cách tiền lương, cần tính tới các nguồn để tiếp tục bồi dưỡng và tạo điều kiện, độ hấp dẫn và động lực để người tài được cống hiến”. 

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân cho rằng đã có tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân cho rằng đã có tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (tỉnh Bình Dương) cho rằng, chất lượng, hiệu quả quản trị nguồn nhân lực trong khu vực công là yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Do đó, cần phân tích sâu thêm về cơ cấu, chất lượng, số lượng nhân lực theo địa bàn, lĩnh vực, đối tượng; xem xét chiến lược quy hoạch hệ thống đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công xem có đáp ứng được yêu cầu hướng tới Chính phủ điện tử, chính quyền đô thị hay không, từ đó có những cơ chế tạo ra sự đột phá. 

“Gần 40.000 người trong khu vực công đã nghỉ việc. Đây là tình trạng đáng báo động mà những nhà hoạch định chiến lược cần phải suy nghĩ. Chúng ta cần hoàn thiện kịp thời các cơ chế thu hút, đãi ngộ, bảo vệ, bồi dưỡng, khuyến khích nhân tài cho khu vực công, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo các cấp” - bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân nói. 

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ làm giảm quy hoạch treo

Ngày 1/11, tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một trong những dự luật được đặc biệt quan tâm do có quy mô rộng, tác động đến nhiều đối tượng.

Điểm nổi bật của dự thảo luật này là có hàng loạt chính sách mới. Dự thảo quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát. Việc bồi thường đất sẽ theo giá thị trường, các khoản bồi thường, hỗ trợ được tách bạch; kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải có trước quyết định thu hồi đất.

Dự luật cũng cụ thể hóa nguyên tắc tái định cư “có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên. Để ổn định đời sống của người bị thu hồi đất, dự luật còn bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ như đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo diện tích tái định cư tối thiểu cho những đối tượng bị thu hồi đất. 

Góp ý dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội lưu ý, cần quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm trung thực, khách quan và cần xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm. 

Đại biểu Trần Văn Lâm (tỉnh Bắc Giang) cho biết, vấn đề định giá đất, tiền trả cho người dân phải hài hòa giữa doanh nghiệp và các lợi ích của Nhà nước khi địa phương giải phóng mặt bằng. Có như vậy, việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang các loại đất khác mới thuận lợi, nhanh chóng và hạn chế được tiêu cực.
Theo ông, việc định giá đất trong thời gian qua cho thấy có lợi ích nhóm và có những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đây là nguyên nhân gây cản trở và kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng, thậm chí phát sinh khiếu nại, tố cáo. Do đó, các quy trình, thủ tục liên quan đến vấn đề định giá đất là nội dung cần được xem xét kỹ lưỡng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho hay, cả nước có 743 triệu m2 đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích, tiền thu được chỉ 286 tỷ đồng. Qua giám sát bảy địa phương, có hơn 1.700 dự án treo, tương đương 12.000ha đất hoang. Theo bà, đây là “sự thật rất đau lòng và gây bức xúc cho người dân". Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có sự góp phần của hệ thống pháp luật và trách nhiệm quản lý nhà nước. Qua giám sát, bên cạnh một số địa phương tích cực thu hồi đất hoang hóa, vẫn còn những nơi có số dự án treo tăng thêm sau mỗi nhiệm kỳ. 

Liên quan tới dự án treo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có các quy định về sử dụng hiệu quả đất được Nhà nước giao theo tiến độ dự án khi đấu thầu, đấu giá. Người sở hữu đất sẽ bị phạt, bị tăng thuế nếu không đưa đất vào sử dụng. Cụ thể, dự thảo luật có điều 157 quy định về các khoản thu tài chính từ đất đai, trong đó nêu “tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng”.

Minh Quang 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI