Giữ chân nhân tài: Đà Nẵng xin cơ chế tự chủ biên chế

25/11/2021 - 16:41

PNO - Lãnh đạo TP. Đà Nẵng đề xuất cho thực hiện cơ chế tự chủ về biên chế theo năng lực khi đô thị ngày càng mở rộng, tình trạng "chảy máu chất xám"…

Ngày 25/11, Đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế do Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên chủ trì đã có buổi làm việc với Sở Nội vụ Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, ông Lê Quang Nam - Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - cho biết: Trong gần 15 năm qua, Đà Nẵng mở rộng gấp 4 lần diện tích đô thị, dân số tăng gấp đôi. Tuy nhiên, số lượng biên chế Đà Nẵng không tăng mà còn giảm so với năm 2007, thậm chí giảm sâu nếu so sánh số lượng biên chế và người lao động hợp đồng năm 2015 so với năm 2022 (giảm khoảng 1.000 người); kéo theo đó là khối lượng công việc của các sở, ngành tăng gấp 3-4 lần. Cụ thể, năm 2020 Sở TNMT, Sở Y tế có hơn 30.000 văn bản cần xử lý; các Sở Tài chính, Sở Xây dựng… đều có hơn 20.000 văn bản cần xử lý.

Lãnh đạo TP.Đà Nẵng cho biết do giảm biên chế nên đầu việc nhiều sở ngành tăng vọt
Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cho biết do giảm biên chế nên khối lượng công việc nhiều sở ngành tăng vọt

Trong khi đó, biên chế lại giảm sâu dẫn đến gây áp lực cho cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Từ thực trạng trên, cùng với mức thu nhập hạn chế đã dẫn tới câu chuyện “chảy máu chất xám”, vì thành phố không đủ điều kiện giữ chân "nhân tài" do cơ chế ràng buộc. Thành phố rất trăn trở trước vấn đề này”, ông Lê Quang Nam nói.

Cũng theo ông Lê Quang Nam: Mức thu nhập của người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo quy định hiện nay còn thấp hơn cả mức thu nhập chuẩn nghèo thành phố. Do đó, TP. Đà Nẵng đề xuất cho thực hiện cơ chế tự chủ về biên chế theo năng lực để chủ động trong bảo đảm quyền lợi cũng như tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ với đối tượng này.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Phú Nguyện - Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng - cho biết: UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành đề án "Sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố quản lý giai đoạn 2017-2020".

Trong đó, đề xuất cụ thể các giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ công, đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp nhằm tăng cường khả năng tự chủ của các đơn vị và khuyến khích tính năng động, sáng tạo của thủ trưởng các đơn vị trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Theo đó, thành phố đã hoàn thành sắp xếp 71 đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thành đúng lộ trình thời gian đặt ra, vượt số lượng dự kiến 22 đơn vị và thực hiện được “4 giảm”, cụ thể:

Giảm đầu mối: sắp xếp 71 đơn vị, giảm 37 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 124 đơn vị cấp phường.

Giảm 178 vị trí lãnh đạo, quản lý.

Giảm biên chế: thu hồi 93 chỉ tiêu số lượng người làm việc; giải quyết cho 43 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; chấm dứt hợp đồng lao động đối với 23 người.

Giảm kinh phí từ ngân sách: Thông qua đổi mới, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tinh giản biên chế, trong giai đoạn 2017-2019 đã giảm chi ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn trước khoảng 280 tỷ đồng.

Về kết quả quản lý, sử dụng biên chế và tinh giản biên chế, giai đoạn 2015-2021, thành phố đã giảm 207 biên chế công chức (10,4%), 2.316 người làm việc trong đơn vị sự nghiệp (11,7%).

Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên ghi nhận, tiếp thu kiến nghị của thành phố, đồng thời sẽ tổng hợp, trình Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, có giải pháp phù hợp thời gian tới.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI