Tìm hướng đi cho nông nghiệp đô thị TPHCM

Bài 4: Khi nông dân bỏ ruộng lúa để vào nhà máy

05/06/2023 - 06:20

PNO - Nhà có 1 mẫu đất ruộng nhưng vợ chồng chị Cao Thanh Thủy (ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) từ lâu đã không còn bám trụ với nghề trồng lúa. Các con của chị lớn lên cũng vào nhà máy chứ không thiết tha với ruộng đồng.

Đất bị bỏ hoang hoặc cho thuê

Chị Thủy nói: “Buôn bán nhỏ vậy mà có đồng ra đồng vô, chứ làm lúa như trước đây, khổ lắm. Vợ chồng làm quần quật mà lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Có vụ lúa bị rầy, cả mẫu mà chỉ thu được 3-4 bao, chưa tới 200kg lúa tươi. Vợ chồng tôi bỏ lúa luôn từ đó”. 

Sau khi bỏ ruộng lúa, vợ chồng chị Thủy quay về với nghề làm bánh tráng. Mùa nắng, chồng đi phụ hồ, dần dần được lên thợ. Thu nhập từ việc tráng bánh bấp bênh, chị chuyển sang bán thức ăn sáng và duy trì đến bây giờ, mỗi ngày lời 100.000-200.000 đồng, cũng đủ tiền nuôi con ăn học. Các con của chị đều đi làm công nhân sau khi tốt nghiệp THPT.

Sau hơn 10 năm bỏ hoang đất ruộng, đầu năm 2023, có người ở miền Tây đến xin thuê đất để làm nông nghiệp. Chị Thủy nói hết về tình trạng đất ở đây trũng, nước ngập sâu nên chỉ trồng được lúa 1 năm 2 vụ chứ không trồng được hoa màu hay cây ăn trái. Người thuê đồng ý, chị Thủy cho thuê 4 triệu đồng/mẫu/năm. Chị nói: “Mình cho thuê giá rẻ chủ yếu để giữ đất sạch cỏ chứ bỏ hoang nhiều năm, muốn làm lúa lại thì phải xịt thuốc khai hoang, đắp bờ, móc mương cực lắm”. 

Ông Đặng Thành Lâm (ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) đi thăm ruộng. Ông cho biết, mỗi vụ lúa được mùa, ông chỉ lời được khoảng 2-3 triệu đồng - ẢNH: SONG AN
Ông Đặng Thành Lâm (ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) đi thăm ruộng. Ông cho biết, mỗi vụ lúa được mùa, ông chỉ lời được khoảng 2-3 triệu đồng - Ảnh: Song An

Ông Chín Giỏi - ở cùng ấp - cho hay, nhà ông có 50 cao đất (1 cao bằng 100m2) nhưng cho người ta trồng cỏ voi nuôi bò hơn 10 năm nay: “Trước đây, tôi làm lúa cũng giỏi lắm, mỗi vụ thu được 100 giạ, khoảng 2 tấn lúa tươi, nhưng mấy vụ sau thì trồng đâu thất đó do nhà máy mọc lên cạnh đó, chuột sinh sôi nhiều, phá hết lúa. Mấy chục mẫu đất trồng lúa của bà con quanh đó cũng đều bỏ hoang theo. Thất bát quá, nông dân không ai dám làm lúa nữa”. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, diện tích trồng lúa ở TPHCM liên tục giảm trong 3 năm gần đây. Cụ thể, năm 2021, TPHCM còn 15.724ha đất lúa, thực tế chỉ gieo trồng hơn 14.200ha; năm 2023, dự kiến diện tích trồng lúa chỉ còn 13.300ha. Nguyên nhân giảm là do giá lúa thấp khiến người trồng bỏ bê, bệnh hại gia tăng. 

Bắc võng ngồi bên vườn cao su ở hông nhà, bà Nguyễn Thị Thiệp (ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) chỉ ra vườn cao su: “Nhà có ruộng, có đất mà sao khổ quá. Con gái tôi đi làm công nhân từ 4g sáng tới 4g chiều mới về mà cũng nghèo hoài. Ngày xưa trồng lúa, nếu không có tiền thì cũng có lúa ăn; bây giờ, nó đi làm công nhân, tới tháng lãnh lương mới mua chục ký gạo để ăn dần”.
 

Một vườn rau của nông dân ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Theo tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, muốn đời sống khá lên, nông dân TPHCM nên bỏ cây lúa để trồng giống cây khác - ẢNH: SONG AN
Một vườn rau của nông dân ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Theo tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, muốn đời sống khá lên, nông dân TPHCM nên bỏ cây lúa để trồng giống cây khác - Ảnh: Song An

Bà Thiệp năm nay ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Trước đây, bà sống bằng nghề trồng lúa. Sau đó, bà chia 50 cao đất cho con để trồng cỏ nuôi bò sữa, chừa 50 cao để mình và con gái tiếp tục trồng lúa nhưng không còn có lời. Chị Liên - con gái bà - chuyển sang trồng cao su và đi làm công nhân để lấy ngắn nuôi dài. Đến khi thu hoạch, cao su rớt giá, tiền bán mủ không bù được công cạo nên chị Liên vẫn tiếp tục làm công nhân.

Ở ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, chị Nguyễn Thị Lượm và chồng cũng chuyển đổi nghề từ nhiều năm trước do trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế. Vợ chồng chị có khoảng 90 cao đất do cha mẹ để lại. Sau nhiều vụ mùa không có lãi, chồng chị chuyển sang mua bán bò nên dành ra 50 cao đất trồng cỏ và 40 cao trồng lúa để có gạo ăn, còn chị Lượm đi làm công nhân với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. 

Xã Trung Lập Thượng không có nhiều nhà máy, xí nghiệp nên chị Lượm phải ra thị trấn Củ Chi làm, quãng đường hơn 30 phút chạy xe máy. Trước khi đi làm, chị dậy sớm nấu sẵn thức ăn để 2 con đi học về thì tự hâm lại ăn. Mấy tháng nay, công ty nơi chị đang làm cắt giảm nhân công, từ công nhân chính thức, chị Lượm bị chuyển thành công nhân thời vụ, chỉ vào nhà máy lúc có việc, hưởng tiền công 250.000 đồng/ngày. 

Khó làm giàu từ cây lúa
Cuối buổi chiều, ông Đặng Thành Lâm (ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng) đi ra thăm ruộng. Nhiều ngày nay, ông canh mực nước kênh để bơm vào ruộng nhưng chưa được nên rất lo lắng. Cả ngày hôm nay, ông Lâm liên tục ra thăm đồng, dò mực nước. 

 

Nông dân xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi thu hoạch lúa. Theo tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, dù làm lúa 3 vụ và trúng mùa liên tục, 1ha chỉ lãi tối đa 60 triệu đồng/năm nhưng nếu trồng rau, hoa, kiểng, dược liệu thì tiền lãi phải từ 60-100 triệu đồng/vụ - ẢNH: SONG AN
Nông dân xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi thu hoạch lúa. Theo tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, dù làm lúa 3 vụ và trúng mùa liên tục, 1ha chỉ lãi tối đa 60 triệu đồng/năm nhưng nếu trồng rau, hoa, kiểng, dược liệu thì tiền lãi phải từ 60-100 triệu đồng/vụ - Ảnh: Song An

Gia đình ông Lâm đã có 20 năm bám ruộng với khoảng 5 công đất (5.000m2). Mỗi năm, ông Lâm làm 3 vụ lúa. Ông phấn khởi: “Vụ lúa đông xuân vừa rồi thắng, thu được gần 5 tấn lúa tươi, bán hết ngay lúc đó, được hơn 25 triệu đồng”. Đây là vụ lúa thứ hai trong năm, vừa mới sạ được 1 tháng, dự tính sẽ thu hoạch vào tháng Tư âm lịch. Theo ông, lúa vụ này chỉ huề vốn chứ không có lãi. 

Ông Lâm nhẩm tính: “Nếu trúng mùa, trừ hết công cán, vật tư thì dư ra chừng 2-3 triệu đồng, coi như là thu nhập suốt 1 vụ mùa 3 tháng. Nghề trồng lúa bây giờ khó lắm. Giá vật tư, nhân công đều tăng. Tôi làm chủ yếu để giữ đất chứ lời lãi không bao nhiêu”.

Dù biết trồng lúa không có lợi nhuận nhưng mấy chục năm qua, ông Lâm vẫn bám ruộng trồng lúa. Ông nói: “Vợ tôi làm giáo viên, giờ cũng đã về hưu. Tôi làm nông mấy chục năm không giàu nhưng cũng có tiền nuôi con, dựng vợ gả chồng, đứa nào cũng có việc làm ổn định. Ở tuổi 60, tôi cũng chỉ biết trồng lúa”. 

Nghe hỏi về chuyển đổi cây trồng, ông Lâm lắc đầu: “Đất ở đây cũng trồng bắp, trồng rau được nhưng cần vốn, nhân công. Cả 2 thứ đó mình đều không có nên buộc phải làm lúa”. 

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới (TPHCM) - khẳng định, với 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, ông chưa thấy ai ở Việt Nam giàu lên nhờ cây lúa. Nông dân còn trồng cây lúa là vẫn còn nghèo bởi có được mùa thì thu nhập vẫn thấp hơn nhiều so với trồng hoa màu. Thực tế, trên 1ha đất nông nghiệp, nếu trồng 3 vụ lúa và liên tục được mùa, cũng chỉ thu về 60 triệu đồng/ha, còn nếu trồng hoa màu hay cây ăn trái thì thu về 60-100 triệu đồng/vụ kể cả có mất mùa. 

Theo ông, để phát triển nông nghiệp đô thị, không nhất thiết phải dựa vào cây lúa. Đất nông nghiệp ở TPHCM phải làm ra nhiều tiền, nông dân phải giàu lên nhờ làm nông. Đất nông nghiệp ở TPHCM thích hợp để trồng các loài cây có giá trị như hoa, kiểng, rau, cây ăn trái, cây dược liệu.

“Nông dân TPHCM nên chuyển đổi cây trồng để có hiệu quả kinh tế. Đối với những vùng quá trũng, ngập sâu thì cần cải tạo lại hệ thống nước hoặc có thể trồng lúa xen vụ với hoa màu. Nếu cải tạo được hệ thống nước thì phải bỏ hẳn cây lúa, mới mong giàu lên được” - tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa nhận định. 

Linh hoạt chuyển đổi cây trồng

Tổ hợp tác nông nghiệp ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn có 12 thành viên, đang canh tác hoa màu trên khoảng 20ha đất nông nghiệp. Trước khi vào tổ hợp tác, nông dân trồng lúa nhưng không có lợi nhuận nên buộc phải chuyển sang trồng hoa màu. 

Nông dân ở đây thường chỉ trồng giống lúa khô hạt mỗi năm 1 vụ (tháng Sáu cấy, tháng Mười gặt) vì các giống lúa khác có giá nhưng không được mùa. Những tháng còn lại, nông dân có thể trồng xen vụ hoa màu. Đối với những khu vực đất trũng, ngập sâu, nông dân phải chấp nhận chỉ trồng lúa hoặc bỏ hoang. Một số hộ không còn ai muốn trồng lúa nên bỏ hoang đất nông nghiệp nhiều năm. 

Tôi cũng có 80 cao đất ruộng nhưng đã sớm chuyển sang trồng hoa màu và chăn nuôi bò, nhờ đó có cuộc sống ổn định. Để giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, chi hội nông dân cũng hướng dẫn bà con tham gia các khóa học chuyển đổi, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và thành lập tổ hợp tác để giúp đầu ra nông sản ổn định. Hiện tổ hợp tác tiêu thụ trung bình khoảng 4 tấn/ngày, chủ yếu là cà chua, dưa leo, đậu đũa. 

Bà Huỳnh Thị Ánh - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn

* Kỳ tới: Không dễ giữ nghề nông thời “tấc đất tấc vàng”

Song An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI