Cán bộ, công chức, viên chức không được hỗ trợ khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp

15/05/2023 - 16:41

PNO - Cán bộ, công chức, viên chức, không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi bị thu hồi đất thì không được nhận tiền hỗ trợ...

"Đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân, như vậy, họ không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi bị thu hồi đất thì chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ", ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - nhấn mạnh tại hội thảo khoa học Hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập được tổ chức hôm nay, 15/5, tại TP Cần Thơ.

Hội thảo do Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mà Quốc hội khóa XV d kiến thảo luận, biểu quyết thông qua tại kỳ họp vào tháng 10/2023 tới.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nói về vế những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực tiễn của địa phương này trong quá trình quản lý và thực thi Luật Đất đai năm 2013
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nói về những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực tiễn của địa phương này trong quá trình quản lý và thực thi Luật Đất đai năm 2013

Ban tổ chức cho biết, hội thảo không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sắp tới mà còn có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo cầu nối giữa nhà nghiên cứu và người làm thực tiễn xây dựng chính sách, pháp luật.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nêu cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai (Chương 7, từ Điều 89 đến Điều 110 Luật Đất đai) theo quy định của pháp luật về đất đai, việc hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp - là những người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác, kể cả người về hưu. Việc quy định người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều bất cập. 

Các văn bản của Trung ương chưa quy định mật độ cây trồng và mật độ thả nuôi trong bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất...
Các văn bản của Trung ương chưa quy định mật độ cây trồng và mật độ thả nuôi trong bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất...

Cạnh đó, công tác thu hồi đất; bồi thường vật nuôi, cây trồng: từ thực tiễn cho thấy cần phải có cơ chế thu hồi đất đặc thù theo thủ tục rút gọn vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Vì vậy, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần quy định vấn đề này để công tác thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được thực hiện tốt hơn, nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Việc quy định bồi thường vật nuôi chưa bao quát được tất cả vật nuôi, chỉ bao gồm vật nuôi là thủy sản, do vậy không có cơ sở pháp lý để bồi thường các vật nuôi khác cho người dân. Mặt khác, các văn bản của Trung ương chưa quy định mật độ cây trồng và mật độ thả nuôi trong bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, để ngăn ngừa tình trạng một số người dân cố tình trồng thêm cây trồng để được bồi thường nhiều hơn, gây mất công bằng trong bồi thường. Vì vậy, Dự thảo Luật Đất đai cần bổ sung quy định chi tiết về nguyên tắc bồi thường cây trồng, vật nuôi", Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ.

Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ nêu đề xuất lấy ý kiến cộng đồng những người bị thu hồi đất
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nêu đề xuất lấy ý kiến cộng đồng những người bị thu hồi đất

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cho đến nay chúng ta vẫn vướng vào câu chuyện thu hồi đất như thế nào đối với các dự án vì mục tiêu lợi nhuận của chủ đầu tư. Hiện Luật Đất đai năm 2013 chưa giải quyết được vấn đề này và đang trở thành điểm nghẽn. "Đây cũng là điều người dân thắc mắc nhiều nhất, khiếu nại, khiếu kiện nhiều nhất. Do đó, trong trường hợp vì mục tiêu lợi nhuận thì việc thu hồi đất, phương án thu hồi đất thì phải để cộng đồng những người bị thu hồi đất xem xét, cho ý kiến. Cụ thể, phải được sự đồng ý của đại đa số cộng đồng (2/3 cộng đồng) thì chúng ta mới được thu hồi đất", ông Đặng Hùng Võ đề xuất.

GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, Luật Đất đai là đạo luật có tầm ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tác động đến mọi mặt của đời sống. Hoàn thiện Luật Đất đai là nền tảng pháp lý quyết định khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, phát huy tối ưu giá trị của tư liệu sản xuất đặc biệt này cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Được biết, các ý kiến đề xuất, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, giới nghiên cứu... tại hội thảo sẽ được ghi nhận, tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, bổ sung.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI