Bài 2: Ôm hận đắng cay vì vỡ mộng xuất ngoại chui

18/05/2017 - 06:00

PNO - Nhà tư vấn định cư nước ngoài càng nhiều thì kẻ lừa đảo không ít. Người bị hại có khi vừa vỡ mộng xuất ngoại, lại tiền mất tật mang.

Về câu chuyện xuất ngoại của người Trung Quốc, ông Lý Khắc Luân, một luật sư Hong Kong chuyên tư vấn vấn đề nhập cư cho rằng hầu hết các quảng cáo 100% thành công là ‘chém gió’: ‘Không ai có thể dám chắc chắn thời gian chờ đợi, càng không thể đảm bảo có thẻ xanh ngay’.

Bai 2: Om han dang cay vi vo mong xuat ngoai chui
Hình minh hoạ

Chồng ảo, hôn thú thật, không visa, vẫn hoàn tay trắng

Năm 2016, công an thành phố Đại Liên, Trung Quốc thụ lí một vụ án lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản lớn, nạn nhân đa phần là các cô gái trẻ muốn xuất ngoại nên mới giao tiền cho một công ty môi giới để giúp họ làm thủ tục.

Tiểu Vy (tên nhân vật đã thay đổi) vốn là một cô gái ở nông thôn, lên Đại Liên làm việc. Nhưng một người không trình độ, không tiền vốn như cô chỉ có thể làm thuê vặt vãnh, tiền kiếm mỗi tháng chỉ vừa đủ sinh sống, chứ đứng nói mua nhà đón bố mẹ lên ở cùng.

GIẤC MỘNG XUẤT NGOẠI VÀ LÀN SÓNG THIÊN DI TỪ QUỐC GIA TỈ DÂN

Bài 1:  Định cư hải ngoại cho người Trung Quốc: Hốt bạc lắm, lừa đảo nhiều 

Đúng lúc ấy thì cô gặp một người họ Đường, tự dưng là đại diện cho Cục di dân Australia, phụ trách dự án 457 đưa người dân Trung Quốc sang Australia định cư. Đường nói sẽ giúp Tiểu Vy tìm cách nhập quốc tịch Australia, nhưng với điều kiện là Tiểu Vy phải kết hôn giả với một người đàn ông họ Hầu.

Tiểu Vy không có bằng cấp, chẳng có ngoại ngữ, trong khi người mà Đường giới thiệu để kết hôn lại có những thứ đó, đó là cách duy nhất để cô thực hiện ước mơ xuất ngoại.

Đường còn tỉ tê là nếu cô kết hôn với người kia, sẽ bớt được tiền nộp, bình thường muốn xin nhập tịch phải nộp 300 ngàn tệ (gần 1 tỷ đồng tiền Việt), nếu kết hôn mà hai vợ chồng cùng nộp hồ sơ thì cô chỉ cần 200 ngàn tệ (660 triệu đồng) thôi.

Đằng nào cũng là kết hôn giả, chẳng có ràng buộc gì ngoài tờ giấy đăng ký, sang đến bên kia có được thường trú nhân vĩnh viễn (PR) thì ly hôn cũng chẳng sao.

Vài lời thuyết phục cùng với cái tên dự án 457 to tát khiền khiến cho cô gái chưa từng yêu như Tiểu Vy đồng ý sau 3 ngày suy nghĩ.

Cô nghĩ đơn giản là sang đó kiếm được việc làm, làm thủ tục ly hôn, rồi đưa bố mẹ sang phụng dưỡng, miễn là chẳng có dính dáng gì tới anh chàng ‘chồng’ kia thì cũng chẳng tồn hại danh dự gì.

Bai 2: Om han dang cay vi vo mong xuat ngoai chui
Hình minh hoạ

Vậy là hợp đồng với công ty của Đường được ký, cô đưa cho Đường gần 200 ngàn tệ. Ngay sau đó, mặc dù bố mới mất, bà và mẹ đau ốm, cô vẫn cắn răng thu xếp đi đăng ký kết hôn với người đàn ông lạ mặt kia.

Ngày đăng ký cô mới gặp mặt anh ta lần đầu tiên, đến khi về nhà nhìn giấy đăng ký kết hôn mới hay anh chàng này họ Hầu, sinh năm 1990, kém cô 3 tuổi. Nhưng cô tràn đầy hy vọng vì Đường cam kết là có giấy đăng ký rồi thì thủ tục sang Australia nhanh thôi, chậm nhất là đến tháng 9 năm 2016 cô sẽ có visa, mọi việc cứ để ông ta lo.

Nhưng đến 31/8/2016 thì cô nhận được tin công ty của Đường biến mất. Cô gái trẻ không còn cách nào, đành tìm đến văn phòng luật sư Vương Kim Hải nhờ giúp đỡ pháp lý.

Nhưng giấy đăng ký kết hôn của cô đã có hiệu lưc, muốn ly hôn phải có người đàn ông kia có mặt. Có điều ngoài cái tên, cô chẳng biết chút gì về họ Hầu. Luật sư nói cô rơi vào cái bẫy lừa của các công ty môi giới.

Họ muốn làm thủ tục cho anh chàng họ Hầu kia, anh ta có bằng cấp, có ngoại ngữ nhưng lại ít tiền. Kết hôn với cô vừa có được danh nghĩa gia đình, vừa có tiền của cô, thuận lợi làm thủ tục nên anh ta chẳng tội gì không theo công ty môi giới đưa Tiểu Vy vào tròng. Bây giờ anh ta đã cao chạy xa bay sang Australia, bỏ Tiểu Vy ở lại với khoản nợ 200 ngàn nhân dân tệ lãi suất cao.

Mà Tiểu Vy thì tiến thoái lưỡng nan, vừa ôm cục nợ, vừa không thể ly hôn, cũng chẳng thế yêu đương hay bàn tính kết hôn với ai nữa.

Luật sư Vương Kim Hải cũng cho hay có 25 trường hợp như Tiểu Vy đã tìm đến văn phòng luật sư nhờ hỗ trợ pháp lý. Còn phía cảnh sát thì thông báo, cùng chiêu thức đó, công ty của Đường đã lừa hơn 100 cô gái nhẹ dạ, ôm theo số tiền hơn 10 triệu tệ (hơn 33 tỷ đồng).

Kết hôn giả: Quá nhanh, quá nguy hiểm

Bai 2: Om han dang cay vi vo mong xuat ngoai chui
Hình minh hoạ.

Kết hôn giả là việc dễ làm nhất, nhưng cũng là con đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn cả, bởi các cơ quan quản lý các nước đều đang xiết chặt các hồ sơ liên quan kết hôn. Đấy là chưa kể ngay cả khi có thẻ xanh hay thường trú nhân vĩnh viễn cũng chưa chắc đảm bảo sự việc không bị phanh phui.

Năm 2015, một người phụ nữ họ Điền bị Cục Di dân Canada trục xuất cũng vì phát hiện kết hôn giả. Để có được visa, cô đã kết hôn với một thương nhân Canada gốc Quảng Đông họ Trần. Mọi việc suôn sẻ, cô sang định cư ở Toronto từ năm 2005.

Gần chục năm qua đi, cô lại tiếp tục làm hồ sơ xin bảo lãnh con gái (với người chồng cũ ở Trung Quốc) sang cùng mình. Điều đáng nói là công ty tư vấn cho cô Điền sau khi xong việc cũng chẳng có chút liên lạc thông báo cho cô tình hình người chồng kia, còn cô Điền cũng chẳng mặn mà gì tìm hiểu.

Vậy nên cô cứ hồn nhiên khai trong hồ sơ là chồng còn sống mà không hề biết ông này đã qua đời 4 tháng trước vì ung thư. Cục Di dân Canada phát hiện ra cô và ông Trần chẳng hề sống cùng nhau, mà giấy báo tử của ông này lại do người vợ trước (về danh nghĩa) ký tên.

Vậy là chuyện cô Điền kết hôn giả bị phanh phui. Dù cô Điền có kháng cáo nhưng toà án vẫn phán quyết trục xuất cô và con gái về nước. Hay như Lynn, người phụ nữ mới bị ra toà vì tội môi giới kết hôn giả cũng đã thành công với hơn 70 đám cưới giả.

Nhưng khi Lynn bị bại lộ, các khách hàng của bà này rơi vào tầm ngắm của cơ quan điều tra, đồng nghĩa với việc con cái gia đình của người này ‘hết cửa’ đến nước Mỹ.

Bai 2: Om han dang cay vi vo mong xuat ngoai chui
Hình minh hoạ

Một hoàn cảnh bi đát khác là một người họ Vương ở Vũ Hán, vốn làm ăn nhỏ, ngoài 60 tuổi mới tích cóp được một số tiền.

Nghe lời bạn ở quận Cam (bang California) rằng chỉ cần đầu tư 500 ngàn USD vào một hạng mục nào đó ở Mỹ là có thể có thẻ xanh cho cả gia đình, rồi nhập cư sống an hưởng tuổi già ở nước phát triển, ông này mang toàn bộ gia sản gửi gắm cho một luật sư tên Francis tại California, nhờ tìm cách đầu tư.

Giấy tờ cam kết có vẻ rất đáng tin, phía văn phòng luật sư sẽ giúp ông dùng tiền đầu tư vào việc mở chuỗi nhà hàng cà phê, rồi mở Trung tâm trị liệu ở California. Nhưng năm này qua năm khác, ông Vương vẫn chẳng thấy visa của mình đâu.

Lúc thì luật sư nói đang tiến hành thủ tục, phải chờ xét duyệt hồ sơ, rồi lại nói vì bầu cử ở Mỹ nên tiến độ chậm, rồi lại nói tổng thống mới lên chính sách thay đổi cần thêm thời gian…

Cuối cùng tháng 12/2016 vừa qua, ông Vương mới tá hoả là văn phòng luật sư này bị niêm phong, điều tra hành vi lừa đảo.

Hoá ra văn phòng này vốn dĩ không có giấy phép hành nghề tư vấn trong lĩnh vực này, mà bằng luật sư của Francis cũng đã bị treo khá lâu rồi. Cơ quan điều tra còn phát hiện ra trong suốt 4 năm qua luật sư Francis đã lừa 131 người Trung Quốc, đều cùng một cách như với ông Vương.

Tiền nhận của họ không hề được mang qua Mỹ đầu tư mà được dùng để Francis mua sắm nhà cửa, du thuyền, sống cuộc sống xa hoa hưởng thụ.

Vương mất cả gia tài tích cóp, việc đòi lại được tiền khó hơn lên trời, bởi tài khoản luật sư này đã bị đóng băng ở Mỹ, ông cũng không còn khả năng sang Mỹ kiện tụng.

Mai Nguyên

Bài 3: Cuộc thiên di lần thứ 3

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI