Ba thế hệ sống chung một nhà - xu hướng thời đại dịch ở Mỹ

07/12/2020 - 06:00

PNO - Hiện nay, giữa cơn gào thét của đại dịch COVID-19, nhiều người chọn cách quay về tá túc dưới mái nhà của cha mẹ.

Các thế hệ gia đình Marcoux trước ngôi nhà của họ ở Potomac, Maryland. Ảnh chụp ngày 3/12/2020 - Ảnh: AFP
Các thế hệ gia đình Marcoux trước ngôi nhà của họ ở Potomac, Maryland. Ảnh chụp ngày 3/12/2020 - Ảnh: AFP

Trở về mái nhà xưa

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, "tam đại đồng đường" ngày càng phổ biến ở Mỹ, nơi cứ năm người thì có một người sống trong một gia đình "đa thế hệ".

Richard Fry, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Pew, cho biết thập niên vừa qua, ngày càng có nhiều người trưởng thành sống trong các gia đình nhiều thế hệ. Năm 2016, số người 25-29 tuổi sống trong những ngôi nhà nhiều thế hệ đã tăng lên 33%, con số này 9 năm trước đó là 23%.

Hiện tượng nhiều thế hệ sống chung trong một nhà gia tăng kể từ thập niên 1980, khi các gia đình nhập cư đến từ châu Á và châu Mỹ Latinh có xu hướng “cố thủ an toàn” trong các hộ gia đình lớn.

Năm 2009 - năm Đại suy thoái - xuất hiện trào lưu nhiều người Mỹ trưởng thành quay trở về căn nhà thời thơ ấu của cha mẹ. Số người “trở về mái nhà xưa” cao tương đương mức thập niên 1950. Hiện nay, giữa cơn gào thét của đại dịch COVID-19, nhiều người lại quay về tá túc dưới mái nhà của cha mẹ.

Khuynh hướng mới thời đại dịch

Sau khi chia tay chồng năm 2007, Katie Marcoux và hai cô con gái nhỏ dọn đến ở với cha mẹ vì lý do tài chính. Cô dự kiến sẽ tá túc ở nhà cha mẹ nhiều nhất là một năm. Tuy nhiên, 13 năm sau, Marcoux - hiện đã tái hôn - vẫn sống chung nhà với cha mẹ và một trong những con gái của cô.

Khi chuyển về nhà cha mẹ ở Potomac (Maryland), Katie Marcoux đang làm việc bán thời gian cho hệ thống học đường và "tình hình tài chính không tốt lắm". Nhưng việc sống với cha mẹ cho phép cô duy trì lịch làm việc bán thời gian và nuôi dạy các con gái - đang phải thích nghi với trường học mới và việc bố mẹ ly hôn.

Mẹ cô, bà Judy Kristensen (78 tuổi) đã hỗ trợ cho con cháu rất nhiều. Bà Kristensen chia sẻ: "Khi các cháu gái còn nhỏ, chúng tôi có thể giúp Katie bằng cách đưa bọn trẻ đi chỗ này chỗ nọ để mẹ chúng làm việc”.

Nhờ vậy, Marcoux có điều kiện để trau dồi chuyên môn và hiện nay cô đang có một công việc toàn thời gian. “Có điều kiện, tôi đã có thể phục hồi sau thời kỳ khó khăn và có được sự tự do về tài chính”, cô nói.

Eric Marcoux, chồng của Katie, cảm thấy "thoải mái như ở nhà" khi tiếp xúc với cha mẹ vợ. Do đó anh cũng bán nhà chuyển đến sống chung với gia đình vợ.

Có một điều khá bất tiện là, vợ chồng Katie Marcoux cùng hai con gái riêng của cô (khi đó còn ở tuổi vị thành niên) buộc phải dùng chung một phòng tắm. Tuy nhiên, sau đó tình hình đã cải thiện khi căn nhà được cải tạo, làm thêm một phòng ngủ và một phòng tắm.

Dana Scanlon, một nhân viên kinh doanh bất động sản ở Washington, cho biết trong thời kỳ đại dịch, ngày càng có nhiều người chọn cách sống tương tự như Katie Marcoux. Cô đã chứng kiến ​​nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ dọn về ở cùng cha mẹ trong những ngôi nhà thênh thang nơi họ đã lớn lên - “điều mà trước đó họ không bao giờ nghĩ đến”. "Nhờ vậy, họ có người trông trẻ tại nhà hoặc "người giám sát chương trình học trực tuyến Zoom" trong khi bận rộn với công việc của mình”, Scanlon giải thích.

Vì sao nhiều người chọn sống trong gia đình "đa thế hệ"?

Một nguyên nhân khác khiến nhiều người chọn sống trong một gia đình nhiều thế hệ là sự già hóa dân số. Nhiều người sinh con đẻ cái xong vẫn còn sung sức, nhưng nhìn về tương lai họ thấy việc di chuyển có thể sẽ khó khăn hơn.

Cha mẹ Marcoux thích con cháu sống chung, trong khi nhiều người cùng thời với họ phàn nàn về sự cô đơn và lo sợ tổ ấm sẽ thêm một lần nữa trở nên trống trải. Marcoux cho biết, sống chung với cha mẹ là kế hoạch dứt khoát của họ. Cô nói: "Khi sửa nhà, chúng tôi cũng sửa lại phòng tắm của cha mẹ để họ có thể sử dụng an toàn hơn”.

Marcoux có hai anh trai sinh sống trong vùng, "nhưng tôi hiểu rằng mình sẽ là người chăm sóc cha mẹ già”, cô cho biết.

Jenna, 19 tuổi - con gái út của Marcoux - đã chuyển đến New York để học đại học. Ngược lại, Eva, 20 tuổi, vẫn sống ở nhà trong khi theo học ngành thiết kế đồ họa. "Sống như thế này thực sự có lợi cho tôi, vì vào cuối ngày tôi có một hệ thống hỗ trợ thực sự mạnh mẽ", Eva chia sẻ.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác khiến nhiều người chọn cách sống chung trong gia đình nhiều thế hệ. Một thách thức phổ biến đối với thế hệ millennials (sinh năm 1981-1996) và những người Mỹ trẻ tuổi khác là gánh nặng của các khoản vay sinh viên. “Rõ ràng điều này phản ánh một thực tế là có một bộ phận thanh niên gặp khó khăn trong việc kiếm đủ tiền để có thể sống độc lập”.

Thanh Hiền (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI