Ba mẹ dẹp hết…mạng

31/03/2021 - 05:59

PNO - Việc lên YouTube cũng có thể ví với việc tham gia lưu thông trên đường. Đi xe là có tỷ lệ mắc tai nạn, nhưng không phải vì thế mà không đi xe nữa.

Thưa chú Ti Vi,

Chú ơi, thiệt là oan ức, tức chết đi được. 

Cháu đang học lớp Bảy, học khá. Học xong, cháu rất thích lên mạng xem các chương trình khoa học, giải trí lành mạnh. Có khi cháu xem được phim về đời sống động vật rất vui, lại có các đoạn phim hài hước…

Ba mẹ cháu yên tâm đi làm, để cháu tự do học và chơi trên máy tính, miễn đi họp phụ huynh cô giáo không than phiền về cháu là được. 

Tự nhiên, có cái vụ vi phạm của kênh Thơ Nguyễn um sùm trên các báo, khiến ba mẹ cháu cảnh giác, rồi cấm cháu không được vào mạng, dẹp máy tính… Bây giờ học xong cháu chỉ được đọc sách, ra công viên đá bóng, tập thể dục…

Cháu buồn quá chú ơi. Trên mạng thì cũng có nhiều kênh YouTube đáng học hỏi, vậy mà ba mẹ cháu nói “dẹp hết cho lành”. Giờ cháu phải nói sao để có thể lên mạng tiếp hả chú?

Cháu May Mắn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cháu May Mắn thân mến,

Phải gọi cháu là cháu May Mắn, vì qua thư cháu, chú rất ngạc nhiên, trước một cậu bé lớp Bảy lên YouTube khi không có người lớn ở nhà mà không lần nào sa chân vào các clip “lăng nhăng”.

Nói về YouTube rất khó, trong nhiều trường hợp, YouTube là có ích: để học ngoại ngữ, để tìm hiểu thông tin trước khi đi du lịch, để học các mẹo vặt, để xem ca nhạc…

YouTube như một cái chợ miễn phí, mọi người mang đến những món mình làm để người khác tha hồ thưởng thức. Khi mở cái chợ ấy, người mở chợ kỳ vọng ai cũng mang những món hàng chất lượng, bổ ích. Nhưng có chợ là có kẻ cắp, có bọn lưu manh trà trộn. Chúng mang tới những món hàng nhảm nhí, thậm chí độc hại (mà phàm cái gì độc hại lại thường mang vẻ ngoài hấp dẫn, gây tò mò). 

Các cháu là những người đi chợ nhỏ tuổi, vừa háo hức trước thế giới, vừa ham thích bắt chước. Do ba mẹ đi vắng, cháu vào chợ một mình, ghé hàng này quán nọ. Việc ba mẹ cháu giờ mới “giật mình” là có phần muộn. Nhưng biện pháp “dẹp sạch” mà ba mẹ cháu đưa ra theo chú là quá đà, thậm chí gây thiệt thòi cho cháu. 

Làm sao đây? 

Theo chú, để cho ba mẹ tin và bớt sợ, việc đầu tiên cháu phải khiến “các cụ” an tâm. Cháu thử đề xuất với ba mẹ mỗi ngày cho cháu vào YouTube xem trong một khoảng thời gian nhất định.

Cháu xem khi có người lớn bên cạnh và không đeo tai nghe để ba mẹ biết cháu đang xem gì. Khi gặp được điều thú vị, thỉnh thoảng cháu có thể rủ ba mẹ cùng xem. Trong khi nói chuyện, những gì hay ho học được từ nội dung trên YouTube, cháu cũng nên nói cho ba mẹ biết “nguồn”. 

Tuy nhiên, ngay cả khi ba mẹ cho xem YouTube thoải mái, chú vẫn nghĩ cháu nên hạn chế việc lướt hết nội dung này đến nội dung khác. Chú thấy nhiều bạn xem triền miên các clip đến quên cả học, đọc sách, cả ra ngoài chơi và vận động cơ thể. 

Chú cứ hay hỏi đùa các bạn ấy rằng, xem các clip giải trí như thế thì xem cả đời à, sao không chọn ra mỗi tuần một chủ điểm để xem cho thành hệ thống.

Thí dụ tuần này xem về thiên tai, tuần sau xem về các loài chó… (dĩ nhiên là vẫn phải xen vào một số nội dung khác cho đỡ chán!) Nếu biết tận dụng YouTube để học, để tham khảo thì đó quả là một kho tài liệu rất thú vị. Cháu thử đề nghị với ba mẹ phương án đó xem sao.

Cuối cùng, việc lên YouTube cũng có thể ví với việc tham gia lưu thông trên đường. Đi xe là có tỷ lệ mắc tai nạn, nhưng không phải vì thế mà không đi xe nữa. Tuy nhiên vì trẻ nhỏ chưa thể điều khiển xe một mình nên người lớn cần phải chở, hoặc đi kè kè một bên.

Cháu vẫn đang ở cái tuổi “lưu thông” YouTube mà cần người giám sát. Hiểu được điều đó cho ba mẹ thì sẽ tìm ra giải pháp dễ chịu cho cả nhà thôi, phải không cháu.

Chú Ti Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI