Ăn thịt động vật hoang dã để “xả xui”, coi chừng rước họa!

18/01/2022 - 06:18

PNO - Dịp cuối năm, nhiều người đã tìm các loài động vật hoang dã như rùa, rắn, chồn… để “xả xui”. Thói quen này là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

Rùa ra đường, rắn lên mạng

Ngày 14/1, trên lề đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân, TPHCM), một con rùa hơn 10kg được bày bán với giá 4,5 triệu đồng. Người bán cho biết, rùa được bắt từ miền Tây mang lên. Nếu khách có nhu cầu mua với số lượng nhiều thì trong vài ngày ông sẽ gom hàng mang lên cung cấp. “Cuối năm ăn rùa xả xui. Mấy hôm nay người ta mua rùa của tôi nhiều lắm, loại 2kg/con. Riêng loại rùa hơn 10kg thì lâu lâu mới có” - người bán rùa quảng cáo.

Chiều cùng ngày, trên Xa lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức), một người đàn ông khác cũng mang hai con rùa, trọng lượng mỗi con khoảng 2kg, ra bán với giá 1,2 triệu đồng/con. Anh này cho biết rùa được bắt ở khu vực biên giới Campuchia.

Bán rùa trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân
Bán rùa trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân

Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), những ngày giáp Tết Nguyên đán, hoạt động bán dạo rùa tại các tuyến đường ở TPHCM lại “nóng” trở lại. Từ ngày 1/12/2021 đến 10/1/2022, ENV tiếp nhận 128 tin báo vi phạm mua bán rùa. 

Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV, chia sẻ: “Hoạt động bán rùa trên đường phố đã tồn tại nhiều năm qua tại TPHCM. Tuy UBND TPHCM đã có chỉ đạo xử lý nhưng việc thực thi vẫn còn hạn chế. ENV hy vọng các cơ quan chức năng tại TPHCM sẽ ngay lập tức xử lý khi tiếp nhận tin báo về hoạt động này. Bên cạnh đó, công an thành phố cũng nên xây dựng chuyên án để triệt phá các đường dây chuyên cung cấp rùa nhằm cắt đứt các mắt xích cung cấp và hoạt động bán rùa trên địa bàn”.

Không chỉ rùa, những ngày cuối năm, trên nhiều trang mạng còn quảng cáo bán các loài động vật hoang dã như bìm bịp, chồn, nhím, cheo…

Một người phụ nữ tên H.L. chuyên rao bán thịt rừng trên mạng cho biết: “Cuối năm, ăn được một miếng thịt nhím rừng thì mọi xui rủi sẽ qua hết. Nhà em toàn bán thịt nhím rừng. Nếu không phải hàng rừng em sẵn sàng trả lại tiền. Mấy hôm nay, người ta đặt mua nhiều lắm”.

Mới đây, Công an TP.Tây Ninh đã bắt Võ Hải Nam, 22 tuổi, một đối tượng chuyên mua bán các loại động vật hoang dã quý hiếm. Tang vật bị thu giữ là một con rắn hổ mang chúa, một con rắn hổ mang có trọng lượng khoảng 2,6kg và 5 chân gấu. Khám xét nơi ở của Nam, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn các cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm và các sản phẩm từ động vật hoang dã như 20 con rùa hộp lưng đen, 5 con rùa núi vàng, 1 con mèo rừng, 1 con trăn đất và nhiều cheo, nhím trong tủ lạnh. Nam khai, số động vật trên do săn bắt được tại khu vực rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng đem về nhà nuôi nhốt để bán.

Ghi nhận của ENV, Nam thường xuyên sử dụng nhiều tài khoản Facebook và Zalo để rao bán động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép như hổ, gấu, ngà voi, rượu rắn. 

Hiểm họa từ nuôi, phóng sinh động vật hoang dã 

Những ngày vừa qua, Chi cục Kiểm lâm TPHCM và các đơn vị chức năng vẫn đang truy tìm nguồn gốc của một con cá sấu được phát hiện tại kênh Lò Gốm. Trước đó, người dân đã phát hiện con cá sấu nặng 1,4kg trên kênh Lò Gốm, bắt giữ và giao nộp cho Thảo cầm viên Sài Gòn.

Theo xác minh của chi cục kiểm lâm, từ trước tới nay chưa từng có cá sấu xuất hiện ở khu vực này; khu vực này cũng không có tổ chức hay cá nhân nào nuôi động vật hoang dã. Một cán bộ của chi cục nhận định, con cá sấu có thể do người dân nuôi làm kiểng sau đó phóng sinh ra môi trường tự nhiên. Đơn vị đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng theo dõi, nắm bắt thông tin về nguồn gốc con cá sấu và tìm biện pháp khắc phục. “Chúng tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không được tự ý thả động vật hoang dã ra ngoài tự nhiên mà phải giao lại cho chi cục kiểm lâm để cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên theo quy định” - một cán bộ chi cục khuyến cáo.

Thói quen nuôi động vật hoang dã làm “thú cưng” hiện khá phổ biến. Theo ENV, rùa là loài bị nuôi nhốt hoặc buôn bán trái phép khá phổ biến tại Việt Nam. Trong giai đoạn từ tháng 1/2016 đến tháng 11/2021, ENV ghi nhận 1.482 vụ việc vi phạm liên quan đến các loài rùa, trong đó số vụ việc buôn bán rùa tại các địa điểm cụ thể là 695 vụ và TPHCM luôn là một “điểm nóng”. 

“Nhu cầu mua rùa để phóng sinh đang gây ảnh hưởng lớn đến quần thể rùa trong tự nhiên. Việc mua bán rùa để phóng sinh vào ao chùa hoặc những khu vực xung quanh khi không hiểu rõ đặc điểm sinh thái của các cá thể rùa không những không phù hợp với giáo lý nhà Phật mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho hành vi săn bắt, buôn bán rùa trái phép và từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các quần thể rùa trong tự nhiên. Chúng tôi đang thực hiện chiến dịch kêu gọi các nhà chùa khuyến cáo phật tử, khách tham quan không phóng sinh rùa và các loài động vật hoang dã khác. Trong năm 2021, cả nước có 11 ngôi đền, chùa tự nguyện chuyển giao 237 cá thể động vật hoang dã về các trung tâm cứu hộ, trong đó rùa chiếm đa số”, đại diện ENV thông tin.

Nói về tác hại của việc nuôi nhốt động vật hoang dã làm “thú cưng”, tiến sĩ Phạm Đức Phúc (Đại học Y tế công cộng) cho biết, tất cả động vật hoang dã đều có tác nhân gây bệnh, 60% bệnh truyền nhiễm trên người hiện nay có nguồn gốc từ động vật, 70% bệnh truyền nhiễm mới cũng có nguồn gốc từ động vật hoang dã. 

Mua bán rùa có thể bị phạt đến 15 năm tù

Theo ENV, việc mua bán, vận chuyển hay thậm chí là nuôi nhốt rùa mà không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hay đáp ứng các điều kiện khác theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo loài, số lượng hoặc giá trị tang vật, hành vi nuôi nhốt, buôn bán trái phép rùa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tối đa lên đến 15 năm tù theo quy định tại điều 234, 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng theo quy định tại điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP). ENV khuyến cáo người dân không mua rùa vì bất cứ mục đích gì, dù là để phóng sinh, nuôi nhốt hoặc để chuyển giao cho cơ quan chức năng. Người dân hãy thông báo đến cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng 18001522 nếu phát hiện các trường hợp bán rùa trên đường phố.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI