46 làng thanh niên ở Israel hồi hộp chờ đóng cửa vì hết tiền

11/12/2022 - 21:06

PNO - Toàn bộ hệ thống làng thanh thiếu niên - một mô hình nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở Israel - đang đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động vì không được cấp ngân sách.

 

Một góc Làng thanh niên Ben-Shemen - Ảnh: Deror Avi/Wikimedia Commons
Một góc làng thanh thiếu niên Ben-Shemen - Ảnh: Deror Avi/Wikimedia Commons

Bên cạnh đường cao tốc ở Ben-Shemen thuộc miền Trung của Israel có một “ngôi làng” đặc biệt được thành lập từ năm 1927. Đây là nơi ở, sinh hoạt và học tập của hơn 400 thanh thiếu niên Israel.

Cuộc sống bình yên trong ngôi làng đặc biệt

Hàng ngày, vào lúc 9g sáng, phần lớn cư dân trẻ của làng đều có mặt tại ngôi trường tọa lạc ngay trong khuôn viên của làng, trong khi tại khu vực chăn nuôi, khoảng 15 em nhỏ đang tập trung vắt sữa bò trước khi cùng nhau vui vẻ ăn sáng.

Những đứa trẻ khác thì làm vườn, đi dạo quanh làng, hoặc đến hội trường chung để tập kịch hoặc tham gia các buổi trị liệu tâm lý. Và dù có đang bận bịu thế nào thì tất cả các em đều dừng tay trong giây lát, miệng reo lên vui vẻ “Chào bác giám đốc” khi nhìn thấy tiến sĩ Ilana Tischler lại gần.

Đó là những hình ảnh có thể thấy thường xuyên tại làng thanh thiếu niên Ben-Shemen - một trong số 46 ngôi làng được thành lập trên khắp Israel - nơi giúp mang đến cho trẻ em và thanh niên nước này một mái ấm an toàn, được chăm sóc và được đến trường.

 

Thanh thiếu niên đang lao động, làm vệ sinh tại các khu vực công cộng trong làng - Ảnh: Marc Israel Sellem/JP
Các thanh thiếu niên lao động, làm vệ sinh tại khu vực công cộng trong làng - Ảnh: Marc Israel Sellem/JP

Thế nhưng giờ đây, tất cả các ngôi làng này đang có nguy cơ bị đóng cửa vĩnh viễn.

Làng thanh thiếu niên là khu phức hợp dành cho trẻ em từ 6 - 18 tuổi, và trong một số trường hợp thì có thể chấp nhận thành viên lên đến 26 tuổi. Ở đây có ký túc xá, trường học, khu nông trại, bệnh xá, bác sĩ trị liệu tâm lý và hầu như mọi dịch vụ cần thiết khác. Cư dân ở những ngôi làng đặc biệt này cũng rất đa dạng, tuy nhiên, tất cả các em đều có một điểm chung: không nhận được sự chăm sóc toàn diện khi ở nhà của mình.

Những đứa trẻ đến sống trong các ngôi làng này vì nhiều lý do khác nhau như: phải bỏ nhà ra đi vì bị ngược đãi, kinh tế của gia đình quá khó khăn, cha mẹ thất nghiệp hoặc quá bận rộn với công việc không có thời gian chăm sóc con cái, bị bắt nạt ở trường học…

Tại những ngôi làng này, các em được cung cấp đầy đủ những bữa ăn, được đi học, và tham gia các hoạt động ngoại khóa, được lao động để tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế như chăn nuôi bò, trồng rau, sản xuất dầu ô liu...

 

Khi ở trong làng, các em được đảm bảo các nhu cầu cơ bản, được chăm sóc sức khỏe và đi học - Ảnh: Democratic Institute
Khi ở trong làng, các em được đảm bảo những nhu cầu cơ bản, được chăm sóc sức khỏe và đi học - Ảnh: Democratic Institute

Bên cạnh đó, các cô cậu thanh thiếu niên ở đây còn được các chuyên gia tâm lý hỗ trợ về tâm lý, tinh thần khi cần.

“Hầu hết những đứa trẻ này sẽ bị sa ngã hoặc hư hỏng nếu để các em tự do bên ngoài xã hội mà không được chăm sóc”, bà Tischler nói, “Vì vậy, hệ thống này có thể xem là một giải pháp cần thiết mà trẻ em thuộc mọi tầng lớp trong xã hội ở Israel đang cần” - bà Ilana Tischler - người đã có thâm niên 15 làm việc liên tục tại làng Ben-Shemen - nhấn mạnh tầm quan trọng của những cơ sở nuôi dưỡng và giáo dục thanh thiếu niên này.

Năm học 2021-2022, có 96% học sinh trong làng đã hoàn thành chương trình trung học với đầy đủ các chứng chỉ cần thiết. Bà Tischler cũng cho biết thêm rằng, nhiều cư dân của những ngôi làng làng này khi lớn lên đã trở thành những nhà lãnh đạo trong xã hội, như cựu Thủ tướng Shimon Peres, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, cựu Thủ tướng Yitzhak Rabin và Bộ trưởng Kinh tế Orna Barbivay.

 

Tất cả trẻ em và thanh niên trong làng đều được tạo điều kiện học hành và phát triển năng khiếu bản thân - Ảnh: pnay-b-y.org.il
Tất cả trẻ em và thanh niên trong hệ thống làng đều được tạo điều kiện học hành và phát triển năng khiếu bản thân - Ảnh: pnay-b-y.org.il

“Nín thở” trước nguy cơ bị đóng cửa

Theo hãng tin Jerusalem Post, có khoảng 12.000 cư dân đang sinh sống ở tất cả các làng thanh niên trên toàn quốc. Khi vào đây, các em được cung cấp thức ăn, quần áo, đồ dùng cá nhân, được chăm sóc sức khỏe và đi học miễn phí.

Mỗi đứa trẻ trong làng đều được hỗ trợ xây dựng một kế hoạch phát triển cá nhân, trong đó có đủ các dịch vụ về sức khỏe cá nhân, giáo dục, xã hội, thể chất và tinh thần nhằm giúp các em được phát triển tốt nhất có thể.

Tất cả những dịch vụ này đòi hỏi các làng phải chi ra một khoản ngân sách không hề nhỏ. Thế nhưng giờ đây, họ đang đứng trước một câu hỏi nan giải: Tiền đâu?

Từ trước đến nay, hệ thống các làng thanh niên này tồn tại nhờ nhận được tài trợ bởi Bộ Giáo dục, Bộ Dịch vụ Xã hội cùng các khoản thu từ dịch vụ của làng như: bán sữa, trứng và rau xanh cũng như khoản tiền do mạnh thường quân quyên góp. Thế nhưng mới đây, ban quản lý các làng nhận được thông báo rằng, khoản ngân sách này hiện đang bị “mắc kẹt” tại Bộ Tài chính do vướng mắc một số quy định mới “cần nhiều năm để giải quyết”.

Theo bà Tischler, các nguồn thu của làng và khoản đóng góp của mạnh thường quân không đủ để duy trì hoạt động của họ một cách lâu dài, và hiện tại thì “tình hình tài chính của làng đang không ngừng xấu đi”.

 

Bà Ilana Tischler, Giám đốc Làng thanh thiếu niên Ben-Shemen - Ảnh: Marc Israel Sellem/JP
Bà Ilana Tischler - Giám đốc làng thanh thiếu niên Ben-Shemen - Ảnh: Marc Israel Sellem/JP

Trong trường hợp xấu nhất là không có ngân sách để duy trì hoạt động của làng, theo bà Tischler thì thanh thiếu niên trong làng chính là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi phần lớn các em không có gia đình, không biết sẽ đi đâu về đâu.

Đây cũng chính là điều mà bà Tischler cảm thấy day dứt và trăn trở trong suốt hơn 15 năm gắn bó với ngôi làng Ben-Shemen này.

Nguyễn Thuận (theo Jerusalem Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI