Sự kiên trì và tâm huyết của bà đã được đền đáp bằng tấm bằng “Tổ quốc ghi công” cho đồng đội được trao trong những ngày cả nước mừng 50 năm thống nhất.
Từ nay, họ được Tổ quốc ghi công
10g sáng 28/4, vừa về đến TP Cần Thơ sau những hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở TPHCM, bà Lê Hồng Quân nhận cuộc điện thoại bất ngờ từ bà Lê Thị Thu - Trưởng ban Liên lạc cán bộ phụ vận Sài Gòn - Gia Định - báo rằng lễ trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho 5 liệt sĩ tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng sẽ diễn ra vào lúc 16g cùng ngày. Nhận tin, bà Lê Hồng Quân mừng lắm, quyết định hủy những công việc quan trọng ở TP Cần Thơ để đón xe khách, tức tốc ngược lên TPHCM.
 |
Các cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ TPHCM |
Chiều 28/4, trong không khí trang nghiêm ở nghĩa trang liệt sĩ TPHCM, bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho 5 liệt sĩ thuộc tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng - lực lượng võ trang trực thuộc Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định (tiền thân của Hội LHPN TPHCM). 5 liệt sĩ gồm Lê Thị Hai, Lê Văn Tư, Lê Thị Sáu, Lê Văn Bo, Lý Giao Duyên đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh trong đợt 2 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Như vậy, sau 57 năm, sự hy sinh của các chiến sĩ tiểu đoàn nữ biệt động mới được chính thức ghi nhận. 5 cái tên được ghi công liệt sĩ không phải tên thật nhưng là những danh xưng đồng đội đã dành cho các liệt sĩ với tất cả sự kính trọng. Do 5 liệt sĩ này không có thân nhân nên đại diện Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối phụ nữ TPHCM đã đại diện thân nhân nhận bằng “Tổ quốc ghi công”. Bằng được đặt tại nghĩa trang liệt sĩ TPHCM.
Để sự hy sinh không bị lãng quên
Khi nhìn thấy 5 tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của đồng đội được đặt ở vị trí trang trọng của nghĩa trang liệt sĩ TPHCM, nước mắt bà Lê Hồng Quân lặng lẽ chảy xuống. “Tôi không phải là người hay khóc. Tôi từng tự chặt đứt cánh tay bị thương của mình cho đỡ vướng víu để tiếp tục chiến đấu với địch. Tôi cũng từng bị địch tra tấn đủ kiểu, đau đớn không sao kể xiết nhưng chưa bao giờ khóc. Vậy mà hôm nay, nhận bằng “Tổ quốc ghi công” cho đồng đội, tôi không kìm được. Tôi không khóc mà nước mắt cứ chảy” - bà nói.
 |
Bà Lê Hồng Quân xúc động trong giây phút thiêng liêng dành cho đồng đội |
22 năm qua (từ năm 2003), chỉ với 1 cánh tay, 1 cây gậy và cơ thể đã từng bị găm nhiều mảnh đạn, bà kiên trì với hành trình “gõ cửa” các cơ quan chức năng để công nhận sự hy sinh của đồng đội mình. Bà không nhớ đã gửi bao nhiêu bộ hồ sơ, đến cơ quan chức năng bao nhiêu lần để trình bày trực tiếp, cũng không nhớ rõ bao nhiêu lần đã nhận văn bản phản hồi rằng “không có cơ sở để công nhận”.
Khó khăn lớn nhất trong hành trình này của bà là không ai biết tên thật, thân nhân cũng như quê quán của 5 đồng đội đã hy sinh. Bà kể, thời điểm đó, do chiến sự ác liệt, địch càn quét gắt gao nên phương châm hoạt động nội đô là “ai giao việc, ai nhận việc thì chỉ 2 người đó biết với nhau” mà không được phép hỏi tên họ, quê quán, cha mẹ, anh em, không chụp hình lưu niệm. Do đó, 100% cán bộ hoạt động ở nội đô gọi nhau bằng bí danh. Trong khi đó, theo quy định pháp luật hiện hành, để công nhận liệt sĩ, giải quyết chế độ cho người có công, phải hội đủ 3 yếu tố: họ tên đầy đủ của liệt sĩ, có thân nhân hoặc người nuôi dưỡng của liệt sĩ, có quê quán đầy đủ 3 cấp.
Tuy khó khăn, bà Lê Hồng Quân vẫn không bỏ cuộc. Đến năm 2014, hành trình của bà nhận được sự tiếp sức của bà Lê Thị Thu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối phụ nữ TPHCM, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em của Quốc hội. Trong hành trình đó, có cả sự tiếp sức của Thành ủy, UBND TPHCM thông qua các văn bản gửi các ngành chức năng ở cấp trung ương. Nhiều lần nhận được văn bản “không đồng ý” từ cấp trung ương, họ vẫn kiên trì kiến nghị. Cuối cùng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm văn bản trình Chính phủ trước đợt kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025).
Bà Lê Hồng Quân lý giải về nỗi xúc động khiến mình rơi nước mắt trong ngày trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho 5 đồng đội: “Khối đá đè nặng trong trái tim tôi 22 năm qua đã được gỡ bỏ. Tôi là thủ trưởng, là người trực tiếp nhận lệnh và triển khai cho đồng đội, cũng là người có trách nhiệm bảo vệ họ nhưng đã không bảo vệ được. Ngược lại, các đồng đội tôi đã xả thân chiến đấu và hy sinh. Người ta đã chết cho mình được sống, nhưng nếu mình sống mà để họ bị lãng quên thì xem như họ chết 2 lần”.
Theo bà Lê Hồng Quân, vẫn còn rất nhiều anh em ở đơn vị biệt động chủ lực Sài Gòn - Gia Định thời kháng chiến chống Mỹ hy sinh nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ. Do đó, việc công nhận 5 liệt sĩ của tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng sẽ tiếp thêm niềm tin để các đơn vị, cá nhân khác tiếp tục hành trình xác nhận liệt sĩ cho đồng đội của mình.
Có một tiểu đoàn từng bị “bỏ quên” Đêm mồng Hai tết Mậu Thân, bà Lê Thị Riêng - Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định - bị địch sát hại. Tưởng nhớ bà, ban phụ vận đã thành lập tiểu đoàn nữ biệt động mang tên bà do bà Lê Hồng Quân làm tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng trở thành mũi nhọn tấn công trong đợt 2 của chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Đêm 4/5/1968, tiểu đoàn Lê Thị Riêng đã cùng với nhân dân Sài Gòn làm chủ thế trận trong nhiều giờ liền ở các khu vực đường Đề Thám, Cô Giang, Cô Bắc, chợ Cầu Muối (quận 1), đường Bến Vân Đồn (quận 4). Cũng trong đêm mồng Bốn và rạng sáng 5/5/1968, trung đội 3 của tiểu đoàn được chi viện cho cánh quân ở quận 4 đã dũng cảm tập kích địch đang chốt ở gần cầu Tân Thuận. Sau đó, 7 chị em trong trung đội 3 vượt kênh Tẻ gần bến đò Long Kiểng để sang Nhà Bè và quận 8, tiếp tục chiến đấu và cùng nhân dân ngoại ô làm chủ tình hình. Tiểu đoàn đã phối hợp với lực lượng biệt động chủ lực chiến đấu từ 4g sáng 5/5 đánh chiếm vùng Cầu Kho - Đề Thám. Trong đợt này, nhiều cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định và tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng bị bắt, bị tra tấn, tù đày. Riêng tiểu đoàn có 15 chiến sĩ hy sinh. Dù lập được nhiều chiến công trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968, nhưng hàng chục năm sau ngày đất nước thống nhất, tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng cũng như sự hy sinh của các chiến sĩ trong tiểu đoàn vẫn không được công nhận bởi không còn giấy tờ gì để chứng minh từng có tiểu đoàn như thế, đồng thời người trực tiếp lãnh đạo đơn vị này là ông Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình) cũng đã hy sinh. Sau rất nhiều kiến nghị, cuộc họp, ngày 1/9/2002, ông Võ Văn Cương - khi đó là Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM - đã thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ký Quyết định số 413-QĐ/TU “Công nhận việc thành lập tiểu đoàn Lê Thị Riêng”. |
Thu Lê