2 thanh niên Bỉ bị Kenya truy tố vì mang theo 5.000 con kiến

16/04/2025 - 13:05

PNO - Kenya từng phải đấu tranh chống lại nạn buôn bán các bộ phận động vật hoang dã lớn như voi, tê giác và tê tê, nhưng vụ việc lần này lại là một dấu hiệu cho thấy “sự thay đổi trong xu hướng buôn bán động vật hoang dã”.

2 thanh niên người Bỉ đã bị buộc tội “xâm phạm tài nguyên hoang dã” sau khi bị phát hiện mang theo hàng nghìn con kiến được đóng trong ống nghiệm. Các cơ quan chức năng Kenya cho rằng đây là một phần của xu hướng buôn bán các loài động vật nhỏ và ít được biết đến hơn.

Vụ án này không chỉ làm nổi bật mối đe dọa từ nạn buôn bán động vật hoang dã, mà còn cảnh báo về sự thay đổi trong các mạng lưới tội phạm, khi họ chuyển từ việc săn bắt các loài động vật nổi tiếng, to lớn, sang các loài nhỏ hơn nhưng có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái.

2 thanh niên Lornoy David và Seppe Lodewijckx, đều 19 tuổi, bị bắt hôm 5/4 với khoảng 5.000 con kiến sống. Khi xuất hiện trước tòa án sơ thẩm ở Nairobi ngày 15/4, họ tỏ ra khá hoang mang và lo lắng. Cả hai bị buộc tội vi phạm luật bảo tồn động vật hoang dã của Kenya, và đã bị đưa ra tòa để làm rõ vụ việc.

Trước thẩm phán, 2 thanh niên Bỉ khai rằng họ thu thập kiến chỉ để vui, và không biết việc này là phạm pháp tại Kenya.

Trong cùng một phiên tòa, 2 bị cáo khác cũng bị truy tố vì hành vi vận chuyển trái phép 400 con kiến. Họ bị bắt khi đang mang số sinh vật sống này trong hành lý mà không có giấy phép hợp lệ.

Cơ quan Bảo tồn Động vật hoang dã Kenya (KWS) cho biết trong thông cáo báo chí rằng bốn bị cáo có liên quan đến đường dây vận chuyển trái phép kiến sống ra nước ngoài, với điểm đến là các thị trường tại châu Âu và châu Á.

Loài kiến bị buôn lậu bao gồm messor cephalotes, một giống kiến đỏ cỡ lớn bản địa vùng Đông Phi, nổi bật với khả năng thu gom hạt giống và thường được các nhà sưu tầm quốc tế săn lùng.

Theo KWS, việc xuất khẩu kiến trái phép không chỉ xâm phạm chủ quyền của Kenya đối với đa dạng sinh học, mà còn làm thiệt hại đến lợi ích sinh thái và kinh tế mà cộng đồng địa phương và các tổ chức nghiên cứu có thể nhận được từ các loài bản địa này.

Kenya trước đây từng kiên quyết đấu tranh chống lại nạn buôn bán trái phép các bộ phận động vật hoang dã, như ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê... nay đang mở rộng giám sát với cả những loài nhỏ bé nhưng có giá trị sinh học cao như kiến rừng Đông Phi.

Theo Cơ quan Động vật hoang dã Kenya (KWS), các vụ việc trên phản ánh "một sự thay đổi trong xu hướng buôn bán động vật hoang dã, từ các loài thú lớn mang tính biểu tượng sang những loài nhỏ, ít được biết đến nhưng đóng vai trò sinh thái quan trọng".

Người thân và hai thanh niên Bỉ gặp nhau tại phiên toà ngày 15/4
Người thân và 2 thanh niên Bỉ gặp nhau tại phiên toà ngày 15/4

2 thanh niên người Bỉ bị bắt tại hạt Nakuru, khu vực nổi tiếng với nhiều vườn quốc gia. Cảnh sát tìm thấy 5.000 con kiến được cất giữ trong nhà nghỉ, đựng trong 2.244 ống nghiệm lót bông, giúp duy trì sự sống cho kiến trong nhiều tháng.

Trong khi đó, 2 nghi phạm còn lại bị phát hiện cất giữ 400 con kiến trong căn hộ tại thủ đô Nairobi.

Nhà chức trách Kenya định giá số kiến bị tịch thu lên đến 1 triệu shilling Kenya (tương đương khoảng 7.713 USD). Mức giá cụ thể của từng loài kiến phụ thuộc vào chủng loại và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là tại châu Âu và châu Á, nơi thú chơi côn trùng quý hiếm đang phát triển.

Philip Muruthi, phó chủ tịch tổ chức Bảo tồn Quỹ Động vật hoang dã Châu Phi ở Nairobi, cho biết kiến đóng vai trò quan trọng trong việc làm giàu đất, giúp cây cối nảy mầm và cung cấp thức ăn cho các loài động vật khác như chim.

"Điều quan trọng là, khi bạn nhìn thấy một khu rừng khỏe mạnh, bạn không nghĩ đến những yếu tố làm cho nó khỏe mạnh. Chính là những mối quan hệ từ vi khuẩn đến kiến và những loài động vật lớn hơn", ông Muruthi chia sẻ.

Ông cũng cảnh báo về nguy cơ buôn bán động vật hoang dã và việc xuất khẩu các bệnh truyền nhiễm vào ngành nông nghiệp của các quốc gia đích đến.

"Dù có giao dịch hay không, tất cả đều phải được kiểm soát và không ai có quyền lấy đi tài nguyên của chúng ta một cách dễ dàng như vậy", ông Muruthi khẳng định.

Phiên tòa tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra ngày 23/4, sau đó tòa án sẽ xem xét các báo cáo trước khi tuyên án.

Hiện tại, cả 4 thanh niên đang bị tạm giữ.

Vụ việc gây chú ý tại châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh các quy định quốc tế về bảo vệ đa dạng sinh học ngày càng được siết chặt. Đây cũng là lời nhắc nhở với những người yêu thiên nhiên, cần tìm hiểu kỹ quy định của từng quốc gia trước khi mang theo sinh vật sống trong hành lý.

Tuấn Huy (Theo Euronews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI