100 năm "Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng cổ vật cung đình Huế"

24/08/2023 - 18:57

PNO - Ngày 24/8, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội Huế diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (1923-2023).

Vào thời nhà Nguyễn, ngày 17/8/1923, Hoàng đế Khải Định đã ban hành chỉ dụ cho phép thành lập ở kinh đô Huế một bảo tàng, lấy tên là Musée Khải Định.

Trong chỉ dụ, Hoàng đế Khải Định ghi rõ: “Tài năng của một dân tộc đều được thể hiện bằng những sản phẩm mỹ thuật, chúng là sự phản ánh đời sống xã hội, lễ nghi chính trị của dân tộc đó, và là hình ảnh linh hồn của dân tộc đó”. Đây là dấu mốc cho sự ra đời của Musée Khải Định, một trong những bảo tàng được thành lập sớm nhất tại Việt Nam.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế xưa ngày trước có tên gọi là điện Long An
Bảo tàng cổ vật cung đình Huế ngày trước có tên gọi là điện Long An

Trải qua biến thiên lịch sử, bảo tàng đã nhiều lần thay đổi tên gọi. Tháng 8/1945, vua Bảo Đại thoái vị, Bảo tàng Khải Định trực thuộc sự quản lý điều hành của Ủy ban Hành chính Trung Bộ. Đầu năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm thành phố Huế, Bảo tàng Khải Định được đổi tên thành Tàng Cổ Viện, trực thuộc sự quản lý của Viện Văn hóa Trung Việt. Từ năm 1958, Bảo tàng Khải Định đổi tên thành Viện Bảo tàng Huế; từ năm 1979 đổi tên thành Bảo tàng cổ vật Huế; từ năm 1995 đổi tên thành Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế; và từ năm 2007 đến nay đổi tên thành Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. 

Tham quan Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế chiều 24/8
Đại biểu tham quan Bảo tàng cổ vật cung đình Huế chiều 24/8

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - nhấn mạnh vai trò của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế là một bộ phận mật thiết của quần thể di tích Huế, là một thiết chế đặc biệt có ý nghĩa trong tiến trình lịch sử của vùng đất Huế.

“Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã để lại trên vùng đất Huế hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm, cùng với đó là hệ thống cổ vật phản ánh đầy đủ các mặt của đời sống cung đình thời Nguyễn. Hiện nay, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày hơn 11.000 hiện vật, trong đó có 8 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Phần trưng bày chính của Bảo tàng được tổ chức tại điện Long An, đem đến cho du khách một cái nhìn tổng quan về đời sống của hoàng gia triều Nguyễn” - ông Hoàng Việt Trung cho biết thêm.

Năm 2023 là năm đánh dấu sự kiện Bảo tàng cổ vật cung đình Huế tròn 100 năm hình thành và phát triển. Trải qua biến thiên của lịch sử, Bảo tàng đã nhiều lần thay đổi tên gọi, nhưng trụ sở chính của Bảo tàng vẫn là điện Long An, và các thế hệ những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản cổ vật ngày nay vẫn tiếp tục truyền thống trong việc “sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam”.

Nhắc đến Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, không thể không nhắc đến Hội Đô thành Hiếu cổ. Hội Đô thành Hiếu cổ ra đời ngày 16/11/1913 trên cơ sở đề xuất của linh mục Leopold Cadière với mục đích: “Sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận”.

Sau khi thành lập các hội viên, Hội Đô thành Hiếu cổ đã nỗ lực tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật đưa về cất giữ trong điện Long An. Số cổ vật do các hội viên Hội Đô thành Hiếu cổ thu thập ngày một tăng, là tiền đề để Khâm sứ Pasquier tác động đối với triều đình nhà Nguyễn, và ngày 17/8/1923, vua Khải Định ký dụ cho phép chính thức thành lập tại Kinh đô Huế một bảo tàng, lấy tên là Musée Khải Định.

Cũng trong chiều 24/8, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày với chủ đề Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Trưng bày giới thiệu 100 hiện vật tiêu biểu thời Khải Định, thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, và Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, có nhiều cá nhân hiến tặng tài liệu, cổ vật cho bảo tàng. Đặc biệt, có ông Đặng Văn Luyện (đại diện cho gia đình hậu duệ của vua Hàm Nghi) lên trao tặng cổ vật là 1 đôi đũa làm bằng chất liệu xương hà mã, được đức Hoàng Thái hậu Từ Dụ trao cho vua Hàm Nghi để sử dụng trong thời gian kháng chiến, cũng như đã theo nhà vua trong suốt thời gian bị lưu đày ở Algérie. 

Một số hình ảnh trưng bày với chủ đề Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng cổ vật cung đình Huế:

Bảo tàng cổ vật cung đình Huế có lịch sử 100 năm
Bảo tàng cổ vật cung đình Huế có lịch sử 100 năm
Lần đầu tiên nhiều ần vàng thời Khải Định được giới thiệu tại lễ trung bày
Lần đầu tiên nhiều ấn vàng thời Khải Định được giới thiệu tại lễ trưng bày
Ngai gỗ sơn son thiếp vàng thời Khải Định (1916-1925)
Ngai gỗ sơn son thếp vàng thời Khải Định (1916-1925)
Long sàn của vua Khải Định thường dùng
Long sàn của vua Khải Định thường dùng
An dân bào kiếm niên hiệu Khải Định (1916-1925)
An dân bảo kiếm niên hiệu Khải Định (1916-1925)
Ấn vàng thời Khải Định được chế tacs tinh xảo
Ấn vàng thời Khải Định được chế tác tinh xảo
Kim sách thời Khải Định
Kim sách thời Khải Định
Bộ chén đĩa ngọc bịt vàng thời Khải Định
Bộ chén đĩa ngọc bịt vàng thời Khải Định
Đông đảo quan khách, giới nghiên cứu cổ vật đến tham quan chức trưng bày với chủ đề Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Đông đảo quan khách, giới nghiên cứu cổ vật đến tham quan trưng bày với chủ đề Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng cổ vật cung đình Huế

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI