10 tỷ liều vắc-xin COVID-19 được tiêm nhưng thế giới vẫn còn chênh lệch

29/01/2022 - 17:42

PNO - Khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel tiêm liều vắc-xin Pfizer vào tháng 12/2020, khởi động một trong những đợt triển khai hàng loạt mũi tiêm COVID-19 đầu tiên trên thế giới, ông đã tuyên bố rằng "đây là khởi đầu để kết thúc" đại dịch.

13 tháng sau, dự đoán của ông đã được chứng minh là không đúng, nhưng 10 tỷ liều vắc-xin đã được sử dụng trên toàn cầu, một cột mốc phản ánh tốc độ đáng kinh ngạc mà các chính phủ và nhiều công ty thuốc đã huy động.

Theo dự án Our world in data tại Đại học Oxford, cột mốc đạt được vào hôm 28/1 vẫn chưa được thực hiện một cách công bằng, mặc dù 10 tỷ liều về mặt lý thuyết có thể có nghĩa là ít nhất một liều cho cả thế giới 7,9 tỷ người. Ở các nước giàu, 77% người dân đã được tiêm ít nhất một liều thuốc, trong khi ở các nước thu nhập thấp, con số này dưới 10%. 

Khi Bắc Mỹ và châu Âu chạy đua để vượt qua biến thể Omicron bằng cách cung cấp mũi thứ ba tăng cường, với một số quốc gia thậm chí còn dự tính đến lần thứ tư thì hơn 1/3 người dân thế giới, nhiều người trong số họ ở châu Phi và người nghèo ở châu Á, vẫn đang chờ đợi liều đầu tiên. Điển hình như Mỹ đã tiêm thêm gấp 5 lần số mũi tiêm - khoảng 85 triệu - so với tổng số liều tiêm ở toàn bộ Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi.

Ở các nước giàu nhất, 77% người dân đã được tiêm ít nhất một liều thuốc, trong khi ở các nước thu nhập thấp, con số này là dưới 10%. ẢNH: AFP
Ở các nước giàu, 77% người dân đã được tiêm ít nhất một liều thuốc, trong khi ở các nước thu nhập thấp, con số này là dưới 10% - Ảnh: AFP

Tiến sĩ Madhukar Pai, giáo sư dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học McGill ở Montreal, cho biết: "10 tỷ liều là một thành công của khoa học nhưng là sự thất bại hoàn toàn của sự đoàn kết toàn cầu".

Và không phải tất cả loại vắc-xin đều giống nhau. Những loại được sản xuất tại Trung Quốc đã tỏ ra kém hiệu quả hơn so với vắc-xin mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna. Trong khi gần như tất cả vắc-xin COVID-19 trên thế giới đều bảo vệ khỏi bệnh nặng, nghiên cứu ban đầu cho thấy hầu hết vắc-xin đều có ít khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm từ Omicron.

Hậu quả của khoảng cách vắc-xin đã được nhấn mạnh bởi biến thể Omicron, lần đầu tiên được xác định ở miền Nam châu Phi hồi tháng 11/2021. Tỷ lệ tiêm chủng thấp đã tạo điều kiện cho vi-rút lưu hành rộng rãi và kéo theo đó là khả năng xuất hiện các biến thể mới.

Sự chênh lệch vẫn còn ngay cả khi COVAX, sáng kiến ​​chia sẻ vắc- xin toàn cầu tạo điều kiện cho việc phân phối các khoản hiến tặng từ các quốc gia giàu có, tăng lượng cung ứng.

Sau khởi đầu chậm chạp do các quốc gia giàu có tích trữ và các đợt bùng phát lớn khiến xuất khẩu bị tắc nghẽn, COVAX tháng này cho biết rằng họ đã thực hiện được liều lượng hàng tỷ - mặc dù chưa bằng một nửa mục tiêu ban đầu.

Thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội và sự không tin tưởng vào chính phủ, các công ty dược phẩm đã dẫn đến sự chần chừ về vắc-xin ở nhiều quốc gia. Ngay cả khi mọi người sẵn sàng tiêm chủng, việc cung cấp các liều thuốc đến các vùng xa xôi với cơ sở hạ tầng y tế kém cũng là một thách thức.

Giáo sư Thomas Hale, phó giáo sư về chính sách công tại Đại học Oxford, nói rằng ở châu Phi cận Sahara, "chúng tôi đang thấy tỷ lệ tiêm chủng khá tốt ở các thành phố và thủ đô, nơi vắc-xin có xu hướng đổ bộ. Nhưng nguồn cung đó đổ vào những thách thức chung của việc xây dựng hệ thống y tế mạnh mẽ hơn ở các quốc gia này".

Các quốc gia có thu nhập cao đã công bố các sáng kiến ​​hỗ trợ, bao gồm Global Covid Corps, một chương trình của chính phủ Mỹ nhằm giúp các quốc gia vượt qua các rào cản về hậu cần và giao hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một thách thức lớn khác là các nước giàu đã không đồng ý với việc từ bỏ các hạn chế sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin và không gây áp lực lên các công ty dược phẩm chia sẻ công nghệ của họ để các quốc gia nghèo hơn có thể sản xuất liều lượng tại địa phương. Ví dụ, Nam Phi đã thiết lập một trung tâm để bắt đầu phát triển vắc-xin mRNA, nơi các nhà khoa học, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, đang cố gắng thiết kế ngược lại vắc-xin Moderna từ đầu vì nhà sản xuất thuốc của Mỹ sẽ không chia sẻ công nghệ của họ.

Tiến sĩ Pai ví điều này giống như việc phát minh lại bánh xe khi một chiếc xe đang bốc cháy. “Chúng tôi đã học được qua đại dịch này rằng từ thiện không hoạt động trong lĩnh vực y tế toàn cầu, và từ thiện không giống với công lý. Và đó là những gì các quốc gia đang tìm kiếm - một cách tiếp cận công bằng để có thể tự cứu mình", ông nói.

Trọng Trí (theo NY Times)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI