‘Đấu trường võ nhạc’: không chỉ đấu võ trên nền nhạc

22/07/2018 - 15:17

PNO - Đêm chung kết ‘Đấu trường võ nhạc’ khép lại, ngôi vị quán quân gọi tên nhóm Người anh em. Sự nuối tiếc dành cho 5 đội còn lại, nhưng tất cả không buồn, vì đã hết mình trên sân chơi dành riêng cho võ thuật.

Giữa “rừng” game show ca hát, hài, tình yêu, một sân chơi nhảy múa kết hợp võ thuật lọt thỏm, không được chú ý nhiều từ khán giả. Hiện tại, trên truyền hình, ngoài Đấu trường võ nhạc vừa kết thúc vào tối 21/7, chỉ còn Con đường võ học là chương trình võ thuật có sóng.

Tuy số lượng chương trình không nhiều, khung giờ phát sóng không thuận lợi, nhưng game show võ thuật được đánh giá cao về chất lượng. Sau đêm chung kết Đấu trường võ nhạc, điều này càng được thể hiện rõ khi các nhóm không chỉ đấu võ trên nền nhạc mà còn có ý tưởng biên đạo, thông điệp sống, câu chuyện đam mê.

Tiết mục dự thi của nhóm Lửa thiêng:

 

Để bước vào đêm chung kết xếp hạng, 6 nhóm võ phải vượt qua nhiều ứng cử viên khác ở 5 vòng thi khác nhau. Trong đó, mỗi nhóm đại diện cho một bộ môn võ mà mình đang tập luyện hoặc yêu thích. Ngôi vị cao nhất của Đấu trường võ nhạc thuộc về nhóm Người anh em (thuộc đội tuyển quyền Taekwondo TP.HCM và đội tuyển Teakwondo Quốc gia), đồng hạng nhì dành cho nhóm Lửa thiêng (thuộc Liên đoàn võ Cổ truyền) và nhóm IVS. Trong đó, nhóm IVS tạo được ấn tượng mạnh nhờ kỹ năng võ và câu chuyện của họ.

IVS có tất cả 9 thành viên, đều xuất thân từ trường nội trú IVS - trường dành cho các học sinh cá biệt và cai nghiện game. Theo chia sẻ của nhóm, trước khi vào trường, các thành viên là những đứa trẻ ham chơi, theo bạn xấu bỏ nhà đi nhiều tháng không về, nghiện game...

Tiết mục của nhóm IVS:

 

Tuy nhiên, sau khi theo học ở trường, được tiếp cận với võ Vovinam, các thành viên trong nhóm đều đã có những thay đổi tích cực. Đó là câu chuyện hay khi võ thuật “cảm hóa” được con người. Trong đêm chung kết, nhóm kể câu chuyện về thành tố Đất trong chủ đề (Nước, Lửa, Đất, Không khí). IVS kết tiết mục bằng hình ảnh một cây non đang sinh trưởng trên vùng đất già cỗi. Thông điệp được các giám khảo đặc biệt khen ngợi.

Ở 5 nhóm còn lại, võ thuật phản ánh những vấn đề xã hội đang nhức nhối từ chủ đề chính của đêm thi: ô nhiễm nguồn nước, lũ lụt, ô nhiễm không khí, đất. Ngoài ra, nếu theo dõi xuyên suốt chương trình, cảm xúc bài diễn còn đến từ câu chuyện của từng nhóm tham dự. Với họ, võ thuật là người bạn giúp giải tỏa căng thẳng, tạo sự tự tin, tôi luyện ý chí vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn.

Phần giao đấu trực tiếp giữa 3 nhóm theo thứ tự: IVS, Người anh em và Lửa thiêng

 

Trong đêm chung kết, nhóm có phần trình diễn bùng nổ nhất là Lửa thiêng, nhưng ở phần tranh đấu đối kháng, những pha nhào lộn trên cao của các cô gái nhóm Người anh em lại gây ấn tượng mạnh.

Dù không nhận được sự quan tâm nhiều từ khán giả như những chương trình giải trí khác: lượt xem không cao, không nhiều tương tác như những show có người nổi tiếng; đơn vị sản xuất cho biết, họ đã lường trước được vấn đề này nhưng vẫn thực hiện, vì muốn tạo sân chơi cho võ thuật Việt Nam.

‘Dau truong vo nhac’: khong chi dau vo tren nen nhac
Nhóm Người anh em và giải quán quân trị giá 300 triệu đồng. Trong suốt giải đấu, Người anh em không có phong độ tốt nhất, nhưng ở đêm chung kết, nhóm có tiết mục bùng nổ và nhận được sự bình chọn từ khán giả.

Ngay khi mùa một kết thúc, Đấu trường võ nhạc tiếp tục tuyển chọn thí sinh cho mùa thi mới. Giữa những game show mua bản quyền nước ngoài, chương trình ca hát, hẹn hò đang phủ sóng, sân chơi dành cho võ thuật nổi lên như một điểm sáng.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI