Zurich - một ngày mùa hè

10/08/2013 - 12:05

PNO - PN - Nước trong trẻo và lặng lờ trôi trên dòng sông Limmat, dòng sông chảy ngang qua phố từ phía bắc hồ Zurich do tuyết tan từ trên núi đổ về. Tôi leo lên đồi Lindenhof để nhìn Zurich (Thụy Sĩ) từ trên cao, nơi ấy vẫn còn tàn tích của...

Tôi đắm chìm trong các kiến trúc nghệ thuật và nấn ná khá lâu ở Grossmünster. Nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ XIII theo kiến trúc La Mã. Đến năm 1970, những tranh vẽ trên kính của họa sĩ nổi tiếng người Pháp Marc Chagall được đưa vào lắp đặt bên trong nhà thờ. Bức tranh Thánh Elijah ngồi trên cỗ xe ngựa, xung quanh đầy lửa và phía trên là những thiên thần thổi kèn trumpet là minh chứng cho sự “cải cách văn hóa” ở châu Âu giữa nghệ thuật vẽ tranh của trường phái trung cổ và trường phái hiện đại.

Zurich - mot ngay mua he

Phía bên kia nhà thờ là đại lộ Bahnhofstrasse, nơi đặt san sát những quầy hàng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Louis Vuitton, Hermes hay Cartier. Bên trong phố Münsterhof, những dãy nhà cổ có từ những năm đầu thế kỷ XIX, tôi dùng lại trước ngôi nhà số 54 ở đường Seefeldstrasse là nơi nhà văn Do Thái nổi tiếng James Joyce đã sống tại đây vào năm 1916 để viết cuốn tiểu thuyết Ulysses.

Đôi khi du khách lại gọi Zurich là “thành phố buồn ngủ” bởi dân số trong vùng nội ô Zurich chỉ khoảng 380.000 người và quá yên bình. Ít ai biết rằng Zurich là một thành phố rất đa dạng về văn hóa và dòng chảy tiền tệ của các ngân hàng cứ âm thầm hoạt động. Là quốc gia trung lập, Thụy Sĩ không bị ảnh hưởng chiến tranh thế giới II nên kéo theo lượng người từ các quốc gia khác đến đây sinh sống. Sự đa dạng về văn hóa có thể nhìn thấy: mỗi công dân Thụy Sĩ nói một cách trôi chảy ít nhất năm ngôn ngữ: Đức, Pháp, Ý, Anh và tiếng La-tinh cổ, trong đó các ngôn ngữ Đức, Pháp và Ý là ngôn ngữ chính của quốc gia. Các ngân hàng của Thụy Sĩ quá nổi tiếng trên thế giới về độ an toàn, kín tiếng và hầu hết đặt tổng hành dinh tại Zurich.

Zurich - mot ngay mua he

Gần đây, Zurich lại bùng nổ về nghệ thuật đường phố, đặc biệt ảnh hưởng bởi trường phái Santiago Calatrava và trường phái Norman Foster. Anh Magrini - người Zurich cho biết: “Những khoảng trống đang được sắp xếp lại để những họa sĩ tự do thể hiện nét vẽ. Dường như người ta bắt đầu “nghiện” nghệ thuật vẽ tranh đường phố. Người Zurich rất yêu thích Tyler Brûlé - một phóng viên người Canada làm trong lĩnh vực tài chính, nhưng hoạt động nghề tay trái là thiết kế tạp chí. Hầu hết những thiết kế mới của anh đều được người Zurich vẽ lại trên tường…”.

Tôi và Magrini men theo những bức tường của nhà ga xe lửa trung tâm Stadelhofen để thưởng thức những mảng tường nghệ thuật sống động. Điều làm tôi ngạc nhiên là những bức vẽ được bảo tồn rất tốt theo thời gian. Tôi hỏi Magrini: “Chính quyền có phản ứng về sự phóng túng của các họa sĩ tự do trên đường phố không khi Zurich luôn được đánh giá là một trong những thành phố sạch và xanh nhất thế giới?”. Anh cười lớn: “Thành phố đang cố gắng hòa nhập xu hướng chung của thế giới, đó là sự sáng tạo và hấp dẫn trong nghệ thuật. Nghệ thuật đường phố được nhiều người ủng hộ, đặc biệt bà Corine Mauch - thị trưởng - là người có tư tưởng rất phóng khoáng…”.

 NGUYỄN CHÍ LINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI