Xử trí sai lầm khiến bệnh nhân đột quỵ thêm nguy kịch

06/11/2022 - 16:04

PNO - Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - hiện vẫn còn rất nhiều người có quan niệm sai lầm khi xử trí bệnh nhân đột quỵ. Điều này chẳng những khiến người đột quỵ diễn tiến thêm nặng mà còn làm chậm trễ thời gian vàng điều trị và cứu sống họ.

 

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Thắng đang khám cho một trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Thắng đang khám cho một trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ - Ảnh: Thanh Huyền

Chồng ói do đột quỵ, vợ lại tưởng chồng xỉn

Chị P.T.K.D. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ, chỉ vì thiếu kiến thức để phát hiện, chăm sóc người bị đột quỵ nên chồng chị đã không được can thiệp y tế kịp thời. Anh N.Đ.T. (45 tuổi, chồng chị D.) sáng ngủ dậy than nhức đầu, mệt và ói. Cả nhà đều nghĩ anh T. tối qua ăn cơm cùng đối tác đã uống quá nhiều rượu bia nên xỉn. Chị D. mua đồ ăn sáng, pha nước cam cho chồng uống để giải rượu nhưng anh vẫn nằm bẹp. Chị nghĩ anh mệt do đêm qua về khuya quá nên để anh nghỉ ngơi rồi đi làm.

Trưa, mẹ chồng gọi chị D. về gấp vì chồng chị tự dưng méo miệng, đớ lưỡi. Lúc đó, cả nhà mới cuống lên, dìu anh T. ra ô tô, chở tới bệnh viện. Khi bác sĩ khám, tay và chân phải của anh T. bị yếu mỏi, không nhấc lên nổi. Ngay lập tức anh được đưa đi chụp CT. Kết quả phát hiện anh bị xuất huyết dưới nhện gây chèn ép não làm nửa người bên phải bị liệt (đột quỵ). 

Anh T. phải phẫu thuật để xử trí phần máu tụ. Sau ca mổ, anh tỉnh táo, nói chuyện được nhưng chức năng vận động bị hạn chế, không thể tự đi lại. Bác sĩ dặn người nhà phải hết sức giữ gìn cho bệnh nhân vì đột quỵ rất dễ tái phát, lần sau sẽ nặng hơn, nguy cơ tử vong cao. Như vậy, dù thoát cơn nguy kịch, anh T. sẽ không thể sinh hoạt, làm việc với cường độ như trước. Chị D. vô cùng áy náy bởi chị đã thấy chồng có các biểu hiện từ sớm (nhức đầu, ói...) nhưng lại tưởng anh say xỉn. Nếu anh được đưa đến bệnh viện ngay lúc đó thì không tới mức phải ngồi xe lăn như bây giờ.

Đi thầy lang xoa bóp, châm cứu vì yếu chân thay vì đi khám

Không riêng gia đình chị D., vẫn còn rất nhiều người thiếu kiến thức, thông tin về bệnh đột quỵ. Anh Đ.V.H. (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) kể về tình huống xảy ra với cha mình. Cha anh H. (80 tuổi) tự dưng bị yếu chân. Khi đi, ông không nhấc hẳn mà kéo lê chân phải. Nghĩ người lớn tuổi hay bị đau nhức xương khớp, thiếu canxi, con cháu mua sữa bổ sung canxi và các sản phẩm bổ khớp cho ông uống. 

Sau 5 ngày, cả nhà nghe tiếng động lớn trong nhà tắm, vội vàng tông cửa chạy vào thì thấy ông nằm trên sàn. Ông cho biết lúc mặc quần do không nhấc chân lên được nên bị vướng và té. Ngay hôm đó, anh H. chở cha tới một thầy lang được giới thiệu để xoa bóp, châm cứu chân. Đi châm cứu được tới ngày thứ ba, con cháu phát hiện ông té trong phòng, mồ hôi ướt sũng lưng áo, không nói được. Lúc đó, gia đình vội vàng đưa ông tới bệnh viện.

Sau khi kiểm tra, cho bệnh nhân làm các xét nghiệm chụp chiếu cần thiết, bác sĩ kết luận cha anh H. bị tai biến (đột quỵ não). Ông bị xuất huyết dưới nhện trong não nhưng diễn tiến chậm; vì thế thời gian đầu chưa có biểu hiện dữ dội, rõ rệt. Tuy nhiên, vì để quá lâu nên máu đã lan ra một mảng rộng, chèn ép não khiến ông mất chức năng nói và đi lại. Chưa hết, do con cháu không biết, vẫn cho ông uống thuốc điều trị tim mạch mỗi ngày, trong đó có thuốc chống đông máu, tình trạng xuất huyết thêm trầm trọng... Tình trạng bệnh nhân vô cùng nguy kịch.

Sau đó, gia đình đưa ông về nhà chăm sóc. Bệnh nhân chỉ có thể nằm, không nói chuyện hay cử động, phải nuôi ăn qua ống xông dạ dày. Sau hai tháng, ông qua đời. Anh H. và gia đình cứ mãi ân hận vì thấy chân cha đau nhưng chủ quan, không đưa ông đi bệnh viện khám mà tự mua thuốc bổ khớp, rồi đưa đi thầy lang châm cứu. Chính vì xử trí sai lầm, cha anh bị lỡ mất thời gian vàng điều trị đột quỵ dẫn tới không qua khỏi.

Mức độ hồi phục tùy thuộc thời điểm nhập viện

Theo bác sĩ Thắng, đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ khoảng 10 - 20%. Ngoài ra, trong số những người bị đột quỵ may mắn sống sót, có tới 30% phải chịu cảnh tàn phế. Chỉ khoảng 30% bệnh nhân đột quỵ hồi phục, có thể trở về với cuộc sống bình thường. 
Bác sĩ Thắng lưu ý, mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần 2 triệu tế bào thần kinh. Vì vậy, bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu tại các cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ càng sớm càng tốt nhằm hạn chế nhiều nhất những tổn thương về não.

Những dấu hiệu ban đầu của đột quỵ

- Liệt một bên mặt (méo miệng, nhân trung). Điều này thấy rõ lúc người bệnh cười hoặc há miệng. Tiếp đến là cử động khó hoặc không cử động được tay, chân ở cùng một bên cơ thể. Bạn sẽ nhận thấy điều này khi yêu cầu người thân giơ hai tay lên. Nếu một bên tay của người bệnh bất thường (giơ lên nhưng không giữ lại được hoặc không thể nhấc tay lên được) thì có khả năng là bị đột quỵ. 

- Bỗng dưng thấy người thân nói đớ, nói ngọng thì coi chừng đó là triệu chứng của đột quỵ.

Ngay khi phát hiện người nào có một trong những dấu hiệu trên, bạn cần gọi xe cấp cứu đưa họ tới bệnh viện càng sớm càng tốt. 

Những sai lầm cần tránh khi xử trí với bệnh nhân đột quỵ là cạo gió, trích máu, cúng bái, tự uống thuốc không có chỉ định của bác sĩ, vận chuyển người bệnh bằng xe máy, không đi khám mà cứ chờ bệnh nhân tự khỏe lại.

Đột quỵ bao gồm đột quỵ não và đột quỵ tim. Khi nói đột quỵ tim là ám chỉ một người chết đột ngột (đột tử) vì các bệnh lý tim mạch gây ra. Còn đột quỵ não thường phổ biến và được nhắc đến nhiều hơn, là tình trạng não bộ bị tổn thương không hồi phục (mất chức năng vĩnh viễn) do không được cung cấp máu nuôi dưỡng kịp thời (tai biến). Như vậy, đột quỵ không thể chữa trị bằng phương pháp cạo gió, cúng bái hay chờ ở nhà cho tự khỏe được.

Khi di chuyển người bị té ngã do đột quỵ, người không có chuyên môn về y tế rất dễ làm bệnh nhân bị tổn thương đầu, cổ, cột sống, tứ chi. Ngoài ra, di chuyển bệnh nhân đột quỵ sai cách còn khiến các tổn thương sẵn có trở nên nặng nề hơn.

Do đó, bác sĩ Thắng khuyên mọi người khi phát hiện người bị đột quỵ, hãy đặt bệnh nhân nằm nghiêng (tránh bị sặc), hô hấp nhân tạo (nếu người bệnh ngưng tim ngưng thở), đồng thời lập tức gọi xe cấp cứu.

Hiện nay, có hai phương pháp tốt để điều trị đột quỵ. Đó là dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Tuy nhiên, mức độ hồi phục của bệnh nhân tùy thuộc vào việc được đi cấp cứu, can thiệp y tế sớm hay muộn. Người từng bị đột quỵ rất dễ tái phát. Ở lần tái phát, bệnh trạng sẽ càng trầm trọng.

Nguyên nhân gây đột quỵ là do tuổi tác, giới tính (nam bị nhiều hơn nữ), lối sống, yếu tố gia đình. Để phòng ngừa đột quỵ, mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh (tránh rượu bia, thuốc lá, đồ ăn dầu mỡ, thức khuya), kiểm soát tốt các bệnh lý nền mạn tính (huyết áp, tim mạch, béo phì). Giữ cho mình thời gian biểu hợp lý, cân đối hài hòa giữa công việc và nghỉ ngơi để tinh thần không căng thẳng quá mức cũng giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI