Xử lý hành vi làm lây lan COVID-19 ra sao?

04/12/2020 - 06:26

PNO - Ngày 3/12, đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Phó giám đốc Công an TPHCM - thông tin cơ quan điều tra xác định: có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ làm lây lan COVID-19 liên quan đến bệnh nhân 1.342.

Theo đó, Công an TPHCM đã chỉ đạo cơ quan an ninh điều tra khởi tố vụ án “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Con hẻm ở Q.6 (TP.HCM) - nơi có bệnh nhân nhiễm COVID-19 - đã được phong tỏa để chống dịch - ẢNH: X.HUY
Con hẻm ở Q.6 (TPHCM) - nơi có bệnh nhân nhiễm COVID-19 - đã được phong tỏa để chống dịch - Ảnh: X.Huy

 Ông Quang nói: “Hiện có một số người liên quan vụ án đang bị bệnh, cách ly. Cơ quan điều tra vừa tuân thủ quy định điều tra, vừa phải tuân thủ quy định về cách ly, phòng chống dịch bệnh, nên cần có thời gian”. Theo đại tá Quang, ngoài việc xác định mức độ, tính chất vi phạm để xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật, cơ quan an ninh điều tra còn có chức năng phát hiện các lỗ hổng về hành lang pháp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm ngăn chặn, giảm thiểu số người vi phạm. Do vậy, trong quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM cũng sẽ xem xét những lỗ hổng pháp lý, nếu có. 

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định pháp luật, khi Thủ tướng Chính phủ đã công bố tình trạng dịch bệnh thì việc áp dụng các biện pháp phòng và chống dịch phải được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, có hoạt động kiểm dịch y tế biên giới theo Nghị định 89/2018/NĐ-CP và các hoạt động cách ly y tế theo Nghị định 101/2010/NĐ-CP, bao gồm khai báo y tế, kiểm tra y tế, xử lý y tế, kiểm soát việc đi lại…

Việc khởi tố vụ án “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” của Công an TPHCM là phù hợp quy định của pháp luật. Hậu quả của vụ việc này là làm nhiều người bị lây bệnh truyền nhiễm, một số nơi bị cách ly, hàng ngàn học sinh nghỉ học… Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của những người liên quan (trong đó có bệnh nhân 1.342 và 1.347) trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, từ đó sẽ xác định trách nhiệm pháp lý là xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Theo luật sư Hùng, nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh được lỗi cố ý gián tiếp (tức người có liên quan nhận thức được việc không thực hiện tốt biện pháp cách ly của mình là vi phạm pháp luật, nhận thức được bản thân đang mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi tiếp xúc với nhiều người, làm lây lan dịch bệnh) thì đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 240, Bộ luật Hình sự.

Ngược lại, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được lỗi cố ý gián tiếp của người có liên quan thì không có cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự. Theo quy định hiện hành, trong vụ án này, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm theo quy định tại khoản 1, điều 240, Bộ luật Hình sự. 

Luật sư Hùng phân tích: “Vụ án này có liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức và không loại trừ trách nhiệm của Vietnam Airlines. Dù hiện tại, cơ quan chức năng chưa khởi tố bị can nhưng việc khởi tố vụ án đã cho thấy sự nghiêm minh, có thể là cơ sở để xử lý các vụ khác sau này”.


Sơn Vinh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI