Xét xử nguyên Chủ tịch Ngân hàng MHB cùng đồng phạm gây thiệt hại 350 tỷ

03/07/2018 - 09:43

PNO - Ông Dũng cùng đồng phạm bị cáo buộc đã gây thiệt hại gần 350 tỷ đồng cho Ngân hàng MHB thông qua hàng loạt chủ trương trái quy định.

Ngày 3/7, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án Huỳnh Nam Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT MHB) cùng 16 đồng phạm gây thiệt hại 350 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Theo đó, các bị cáo bị truy tố về hai tội danh: "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài ông Dũng, còn có các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo MHB: Nguyễn Phước Hòa, nguyên Tổng Giám đốc MHB; Bùi Thanh Hưng, nguyên Phó Tổng giám đốc MHB; Nguyễn Văn Thanh, nguyên Kế toán trưởng MHB; Lữ Thị Thanh Bình, nguyên Tổng giám đốc Công ty MHBS; Đặng Văn Hòa, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty MHBS...

Xet xu nguyen Chu tich Ngan hang MHB cung dong pham gay thiet hai 350 ty
Các bị cáo tại tòa

Phiên tòa do thẩm phán Vũ Thanh Lâm - Phó chánh tòa hình sự TAND TPHCM làm Chủ tọa phiên tòa và ông Trần Minh Châu làm Thẩm phán. Đến nay đã có 15 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như bảo vệ quyện và lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan.

Nguyên đơn dân sự được xác định là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam, ngoài ra HĐXX cũng triệu tập 17 cá nhân, pháp nhân tới tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, từ năm 2011 - 2014, lợi dụng chức vụ quyền hạn và có động cơ vụ lợi, ông Dũng và Hòa đã thông qua việc họp Hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản của MHB để thống nhất chủ trương chuyển 4.975 tỷ đồng cho Công ty MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ. Nhưng thực tế, bà Bình đã sử dụng 3.357 tỷ đồng đem gửi có kỳ hạn ngay tại các chi nhánh trong hệ thống của MHB để hưởng lãi suất hơn 45 tỷ đồng.

Công ty MHBS đã sử dụng 1.558 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu, trong đó sử dụng hơn 966 tỷ đồng để ký các hợp tác đầu tư môi giới, mua bán trái phiếu Chính phủ của chính MHB thông qua một số công ty trung gian. Việc môi giới, mua bán trái phiếu quay vòng như trên đã để cho các công ty trung gian và MHBS được hưởng lợi, dẫn đến thiệt hại cho MHB tổng số tiền hơn 349 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên cương vị là Tổng Giám đốc MHBS, bà Bình còn có chủ trương mở 3 tài khoản tự doanh để mua bán chứng khoán trái quy định, gây thiệt hại cho MHB hơn 108 tỷ đồng. Qua đó, ông Dũng được hưởng 460 triệu đồng, các bị cáo khác trong công ty MHBS cũng hưởng lợi hàng trăm triệu đồng.

Nguyên Chủ tịch MHB bị oan?

Quá trình điều tra, ông Dũng liên tục kêu oan, có đơn giải trình về việc phát sinh khoản nợ của MHBS đối với MHB. Cụ thể: Trong Báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính của Kiểm toán Nhà nước về hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2014 của MHBS nêu rõ: Ngày 20/4/2010 MHBS đã phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng ACB, tổng giá trị là 400 tỷ đồng, thời hạn 3 năm với sự bảo lãnh của NH mẹ MHB.

Xet xu nguyen Chu tich Ngan hang MHB cung dong pham gay thiet hai 350 ty
Ông Dũng cho rằng mình bị oan

Theo đó, trong trường hợp MHBS không trả được, ACB sẽ xử lý nợ bằng cách lấy khoản tiền của MHB đang gửi tại ACB. Sau khi MHBS bán trái phiếu cho ACB, khoản tiền này được đem cho khách hàng vay. Nhưng khách hàng chiếm dụng vốn nên MHBS không thu hồi được gây nợ xấu.

Để xử lý khoản nợ này, năm 2011/2012, MHBS đã sử dụng các khoản tiền gửi chờ mua trái phiếu chính phủ (TPCP) của Sở Giao Dịch MHB (SGD) để mua lại trái phiếu đã bán cho ACB. Đáng tiếc khoản mua lại trái phiếu này không thể thanh tóan được cho SGD.

Từ đó, ông Dũng cho rằng việc MHBS dùng tiền chờ mua TPCP của SGD mua lại trái phiếu đã bán cho ACB không phải là nguyên nhân chính của khoản nợ xấu. Vì nợ xấu bắt nguồn từ 2010 sau khi MHBS phát hành 400 tỷ trái phiếu cho ACB, MHBS thu được khoản tiền đã cho khách hàng vay nhưng bị khách hàng chiếm dụng nên chưa thu hồi được tạo thành nợ xấu.

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI