WHO nêu lý do đại dịch "còn lâu mới kết thúc"

20/03/2022 - 12:32

PNO - Ngày 18/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra nhận định đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc, với lý do số ca nhiễm mới hàng tuần trên toàn cầu theo ghi nhận của cơ quan này vẫn đang gia tăng.

Trước đó, cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc đã nói rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch có thể sẽ kết thúc trong năm nay, phụ thuộc vào việc thế giới có đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số ở mỗi quốc gia, cùng với một số các yếu tố khác, hay không.

sau hơn một tháng sụt giảm, số ca nhiễm COVID-19 mới bắt đầu tăng trở lại khắp nơi trên thế giới
Sau hơn một tháng sụt giảm, số ca nhiễm COVID-19 mới bắt đầu tăng trở lại ở khắp nơi trên thế giới

“Đại dịch còn lâu mới kết thúc. Rõ ràng, chúng ta đang ở giữa tâm dịch”, bà Margaret Harris - người phát ngôn của WHO - phát biểu trong một cuộc họp báo tại Geneva, khi được một nhà báo hỏi về thời điểm kết thúc đại dịch.

WHO cho biết, sau hơn một tháng sụt giảm, số ca nhiễm COVID-19 mới bắt đầu tăng trở lại khắp nơi trên thế giới vào tuần trước, dẫn đến nhiều đợt phong tỏa ở châu Á, và tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc đang phải nỗ lực để ngăn chặn dịch bùng phát.

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này có thể kể đến biến thể Omicron và dòng phụ BA.2 của nó có khả năng lây lan mạnh; nhiều nước đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch.

Tại Mỹ, các quan chức y tế cũng đang lo ngại sự lây lan nhanh chóng của BA.2, trong khi khả năng tạo ra miễn dịch của vắc xin đang suy giảm, cùng với việc bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang ở nhiều bang, có thể khiến cho đất nước này phải đối mặt sự bùng phát dịch trở lại.

“Những gì chúng ta đang thấy ở châu Âu, nhất là ở Anh, là điều chúng ta thực sự cần quan tâm, vì các nước này đang bắt đầu chứng kiến sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm bệnh. Vì vậy, mặc dù số ca nhiễm tại Mỹ đang tiếp tục giảm, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nó tăng lại trong vài tuần tới”, tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn y tế chính của Nhà Trắng - cảnh báo hôm 18/3.

Theo tiến sĩ Fauci, cách tốt nhất để tránh một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng là tiêm vắc xin và tiêm mũi tăng cường.

Nhất Nguyên (theo Reuters, ABC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI